Điểm sáng trong công tác cải cách hành chính ở một xã vùng sâu
Cư Pui là một xã vùng sâu của huyện Krông Bông, với diện tích tự nhiên 17.369 ha; dân số 13.210 nhân khẩu (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 89,4%), có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trước đây, việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chính - xây dựng, hộ tịch - hộ khẩu, chế độ - chính sách trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Với đội ngũ cán bộ ít, phương pháp làm việc chưa khoa học, thêm vào đó điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn thiếu thốn đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc giải quyết công việc, hồ sơ công dân tồn đọng nhiều. Từ năm 2010, lãnh đạo xã Cư Pui quyết tâm cải cách thủ tục hành chính; đến nay, sau 2 năm thực hiện, xã Cư Pui đã trở thành điểm sáng của huyện Krông Bông trong cải cách hành chính “một cửa”.
Cán bộ phụ trách LĐ-TBXH xã tận tình hướng dẫn công dân khi đến làm chế độ chính sách. |
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban Cải cách hành chính xã Cư Pui cho biết, hình thức và chất lượng về cải cách hành chính đều được xã quan tâm như: bố trí, sắp xếp chỗ làm việc khoa học góp phần tạo thuận lợi trong giải quyết công việc, lãnh đạo địa phương đưa ra phương châm, cải cách hành chính là nâng cao ý thức trách nhiệm, phong cách, thái độ làm việc khi tiếp xúc, ứng xử với công dân; vì vậy thái độ lịch sự, ân cần, nhẹ nhàng, tận tình là điều mà lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ, viên chức khiến cho tâm lý của công dân cảm thấy gần gũi, tin tưởng khi đến liên hệ giải quyết công việc.
Tận dụng nhà văn hóa cộng đồng làm nơi hội họp và khu nhà cũ của Chi nhánh Ngân hàng Krông Bông làm nơi làm việc của các đoàn thể; phòng họp của công sở được dành để bố trí làm phòng “một cửa”; cùng với đó là việc sắp xếp các bộ phận một cách hợp lý, khoa học, ngăn nắp; những bảng tên, bảng hiệu hướng dẫn từng bộ phận để công dân dễ dàng liên hệ công việc... Đó là những thay đổi về mặt hình thức của những ngày đầu tiến hành cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, mỗi bộ phận đều được trang bị tủ lưu trữ hồ sơ, máy vi tính nối mạng Internet để cập nhật thường xuyên những văn bản liên quan đến từng lĩnh vực phụ trách. Những lúc không có hồ sơ cần giải quyết, đội ngũ cán bộ phụ trách dành thời gian sắp xếp các loại hồ sơ, nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, biểu mẫu phục vụ công tác chuyên môn; phô tô, niêm yết các văn bản quy định trong các lĩnh vực hộ tịch, hộ khẩu, địa chính, xây dựng, chế độ chính sách… ở công sở và nhà văn hóa cộng đồng các thôn, buôn để công dân tìm hiểu. Bộ phận “một cửa” còn phối hợp với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của xã và ban tự quản các thôn, buôn xếp lịch xuống dự các cuộc họp với dân ở cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích, tư vấn những vấn đề bà con quan tâm, giải đáp những vướng mắc ở các lĩnh vực đất đai, hộ tịch - hộ khẩu, chế độ chính sách…
Việc bảo đảm thời gian và nền nếp làm việc được bộ phận “một cửa” thực hiện một cách nghiêm túc: Đầu tuần bộ phận “một cửa” giao ban, rút kinh nghiệm, đưa ra lịch thực hiện trong tuần; hằng ngày, lãnh đạo xã cũng thường đi kiểm tra nền nếp làm việc. Anh Nguyễn Bá Viên, cán bộ tư pháp - hộ tịch cho biết: “Là một xã đông dân cư nên lượng hồ sơ phải giải quyết khá nhiều. Việc giải thích cho bà con hiểu về những quy định, những yêu cầu khi làm giấy khai sinh, chứng thực hồ sơ đất đai, đăng ký kết hôn… tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian hợp lý và phương pháp làm việc khoa học, giải quyết kịp thời, không ứ đọng hồ sơ, không để công dân phải chờ đợi lâu là tiêu chí chúng tôi luôn đặt ra để thực hiện. Có những tuần nhiều hồ sơ nên mỗi ngày phải làm trên 10 tiếng, thậm chí làm vào thứ bảy hoặc làm cả ban đêm để kịp thời trả hồ sơ cho công dân theo đúng hẹn”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc