Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay thôn “ốc đảo”

05:27, 16/10/2012

Nhiều người ví thôn 7, xã Hòa Sơn (Krông Bông) giống như một “ốc đảo”, vì thôn này nằm cách biệt so với các khu dân cư khác. Phía Đông giáp với thôn 10 (xã Hòa Sơn) và thị trấn Krông Kmar, phía Tây giáp với sông Krông Ana, phía Bắc giáp với xã Khuê Ngọc Điền, phía Nam giáp với thôn Tân Sơn. Nói là giáp nhau, nhưng lại khá xa xôi, cách trở với nhiều cánh đồng, sình lầy. Từ trung tâm xã Hòa Sơn đến thôn 7 phải vượt hơn 5km đường đất lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà... Với điều kiện địa hình và giao thông khắc nghiệt, nhưng người dân thôn 7 đã vượt qua khó khăn, khai thác hợp lý tiềm năng đất đai, nỗ lực lao động sản xuất và trở thành lá cờ đầu của huyện về phát triển kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Duy Khánh là một hộ dân điển hình vượt khó làm giàu ở thôn 7. Hai vợ chồng trẻ cùng 4 đứa con (trong đó một người con năm nay đã hơn 20 tuổi, nhưng vẫn cần bàn tay chăm bẵm bởi em bị nhiễm chất độc da cam) ở trong một ngôi nhà xây khang trang hơn 3 trăm triệu đồng với đầy đủ các phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Đây cũng là thành quả lao động, phát triển kinh tế gia đình của vợ chồng anh bằng việc chăn nuôi và trồng trọt trong mấy năm gần đây. Anh Nguyễn Duy Khánh tâm sự: “Mấy năm trước đây, gia đình tôi khó khăn cả về nguồn vốn đầu tư lẫn kỹ thuật sản xuất. Nhờ Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện, cùng với Chi hội trong thôn cho mượn vốn từ Quỹ hội, gia đình tôi đã tiến hành trồng cỏ và nuôi vỗ béo 2 con bò. Từ đó, cuộc sống của gia đình khá lên; mỗi năm thu nhập từ việc nuôi bò vỗ béo và trồng trọt từ 100 – 150 triệu đồng…”.

Không chỉ gia đình anh Khánh mà nhiều hộ dân nơi đây nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà kinh tế gia đình đã phát triển ổn định. Bà con hầu hết đều nhận thức rõ phải xóa bỏ lối canh tác lạc hậu trước đây, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như chuyển đổi từ việc trồng đào kém hiệu quả sang trồng xen cà phê dưới tán cây đào; hay như trước đây nuôi bò thả rông, thì thay vào đó là trồng cỏ, nuôi bò nhốt và tận dụng diện tích đất để trồng các loại giống mới như giống mía pháp, sắn cao sản… Từ một thôn nghèo của xã, đến nay thôn “ốc đảo” đã trở thành một thôn điển hình làm kinh tế giỏi của huyện: Toàn thôn có 176 hộ, 845 nhân khẩu, với hơn 150 ha đất sản xuất, trong đó đã có hơn 5 ha trồng cỏ; thu nhập bình quân đầu người hằng năm không ngừng tăng lên, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 15 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân chung của huyện).

Ông Phạm Huy Đồng, Thôn trưởng cho biết: “Trước đây, thôn 7 khá nghèo, chỉ thấy toàn nhà tranh tre tạm bợ, lụp xụp; nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như các ban, ngành của huyện và tỉnh mà bà con trong thôn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từ đó đời sống của người dân khấm khá dần lên. Bây giờ mỗi nhà có ít nhất một xe máy, nhà nhiều thì lên đến 2 - 3 xe máy, ti vi thì hầu như nhà nào cũng có, các phương tiện phục vụ sản xuất được bảo đảm, nhiều hộ dân trong thôn đã có nhà xây từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng…”.

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.