Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết việc làm để giảm nghèo hiệu quả

06:30, 08/10/2012

Chú trọng đến hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng những hình thức thiết thực đã mang lại hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện Cư Kuin.

Đối thoại với hộ nghèo

Đoàn Công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Cư Kuin gồm lãnh đạo các phòng, ban do Phó Chủ tịch UBND huyện H’Bliak làm trưởng đoàn vừa có buổi trực tiếp đối thoại với hộ nghèo tại buôn Ea Bhôk và buôn Ko Mông, xã Ea Bhôk. Đoàn công tác đã lắng nghe hàng loạt vấn đề người dân kiến nghị thắc mắc và tùy từng câu hỏi của từng lĩnh vực mà phân công lãnh đạo các phòng, ban của huyện và trưởng thôn, buôn trả lời cặn kẽ cụ thể để bà con hiểu rõ. Lợi thế của đoàn công tác là có lãnh đạo huyện người dân tộc thiểu số tại chỗ nên bà con thoải mái diễn đạt mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình bằng tiếng địa phương và được trả lời bằng song ngữ Kinh, Êđê…

Người dân trình bày ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình với đoàn công tác.
Người dân trình bày ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình với đoàn công tác.

Bà H’Bliắk cho biết: “trước đây huyện cũng tổ chức đối thoại hộ nghèo nhưng chỉ ở huyện và xã, nay rút kinh nghiệm, phải xuống tận, thôn, buôn để trực tiếp nghe bà con phản ánh; đồng thời giải quyết ngay những vấn đề có thể, không để tồn tại, kéo dài. Ngoài ra, đây cũng chính là dịp tốt để tuyên truyền thêm những thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kế hoạch triển khai, hoạt động của huyện, xã”. Buổi họp buôn được truyền thanh trực tiếp trên đài phát thanh của xã để bà con trong nhà, ngoài đồng ruộng, nương rẫy ai cũng theo dõi được. Rất nhiều thông tin được truyền đi trong buổi đối thoại như: Nghiêm cấm hành vi mua, bán nhà 167, nếu phát hiện được, ngôi nhà sẽ bị thu hồi lại cấp cho hộ nghèo khác; đoàn kiểm tra của huyện, xã sẽ đi kiểm tra diện tích đất sản xuất đã được cấp, nếu hộ nào bỏ hoang, không canh tác sẽ bị thu hồi; huyện đã bố trí ngân sách gần 200 triệu đồng mở các lớp dạy nghề, bà con nên cố gắng đi học để có thêm nghề phụ tăng thu nhập thoát nghèo; vận động bà con đi xuất khẩu lao động, mạnh dạn cho con em thoát ly, rời gia đình đi làm việc ở các nhà máy, công trường… ngoài tỉnh. Đồng thời giáo dục con em khi đi đến sống ở môi trường tập thể mới cần có sự thay đổi thích nghi phù hợp nhưng vẫn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống… Cư Kuin là huyện có số lao động đi làm việc ở các công ty tại Bình Dương, Đồng Nai với hơn 1000 người. Vừa qua huyện đã thành lập đoàn cán bộ trực tiếp đến các công ty có nhiều con em trong huyện làm việc để nắm tình hình, sinh hoạt, nghe phản ánh từ cả người lao động lẫn công ty để kịp thời động viên, chấn chỉnh, đồng thời rút kinh nghiệm để có nguồn lao động tốt hơn cung cấp cho thị trường…

Đối thoại với hộ nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, từng địa phương, từ đó có chính sách hợp lý về đầu tư, hỗ trợ… theo cách làm này của huyện đã mang lại hiệu quả và là một bước quan trọng trong tiến trình xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo hiệu quả

Huyện Cư Kuin có 8 xã, 113 thôn, buôn trong đó 27 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đến đầu năm 2012, trên địa bàn huyện còn 3.684 hộ nghèo, chiếm 16,86%; trong đó có 2.415 hộ dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Cư Kuin đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dạy nghề, tập huấn cập nhật tình hình cung – cầu lao động thường xuyên để có chính sách phát triển, hướng nghiệp phù hợp cho bà con. Huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân, hàng năm trích từ ngân sách địa phương khoảng 200 triệu đồng để mở các lớp dạy nghề. Nửa đầu năm 2012, khi tỉnh còn chưa cấp kinh phí dạy nghề thì huyện đã chủ động mở 3 lớp với kinh phí 100 triệu đồng để  phần nào đáp ứng nhu cầu học nghề của bà con. Ngoài các lớp chăn nuôi thú y, cắt may, sửa chữa máy nông nghiệp… từ năm 2010 đến nay huyện còn mở các lớp nuôi trồng nấm, trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp thế mạnh ở địa phương như cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu… thu hút đông người dân theo học.  Năm 2011, huyện phối hợp với một cơ sở may công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tạo việc làm cho 35 học viên ngay sau khi được đào tạo.

Cư Kuin tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa lai, trồng bắp, trang trại chăn nuôi… nhằm tăng sản lượng, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình sản xuất giỏi với thu nhập mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Các chương trình: trợ giá, trợ cước, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, khám chữa bệnh, nước sinh hoạt, miễn giảm học phí và hỗ trợ đồ dùng học tập cho học sinh, dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên và lao động nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và một số chính sách khác được triển khai trên địa bàn đã mang lại những kết quả tích cực. Trong 2 năm 2009 và 2010, ngoài nguồn hỗ trợ của Chính phủ để giải quyết vấn đề nhà ở cho hộ nghèo, ngân sách huyện hỗ trợ thêm mỗi hộ 4 triệu đồng. Cư Kuin là huyện đầu tiên trong tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở cho hộ nghèo với 947 căn được xây mới trong hai năm. Tâm lý ỷ lại và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã dần được đẩy lùi, nhường chỗ cho sự chủ động, mạnh dạn phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Từ những giải pháp quyết liệt đó, giai đoạn 2007-2010 tỷ lệ hộ nghèo ở Cư Kuin đã giảm bình quân 3,77%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,25%. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn huyện đã có đất sản xuất, có nhà ở và nước sinh hoạt. 265 hộ trong diện gần đủ đất sản xuất (mức đủ là 3 sào trồng cà phê/hộ) được huyện hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ; 8 thôn buôn đặc biệt khó khăn thuộc 8 xã được hưởng lợi từ Chương trình 135…

Phó Chủ tịch huyện H’Bliắk Niê cho biết, thời gian tới Cư Kuin phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội để người nghèo cũng như các hộ nghèo có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống; đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và duy trì thành quả của công cuộc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Đến cuối năm 2012 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,65%; riêng hộ nghèo người dân tộc thiểu số xuống còn 33,6%, bình quân giảm nghèo đạt 2 - 2,5%/năm; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý cho các hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, tiến tới đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới…

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.