Học và làm theo gương Bác từ những việc giản dị
Dù là cán bộ cơ sở, hay sinh viên hoặc người dân bình thường nhưng họ luôn thể hiện lòng kính yêu Bác thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày và trở thành điểm sáng trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Làm thế nào để đưa các phong trào hướng về cơ sở, xây dựng tổ chức Hội thực sự là “cầu nối” giúp chị em phát triển cả đời sống vật chất lẫn tinh thần là những trăn trở của chị H’Hoa Ayun, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) trong quá trình triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo đã được chị vận dụng phù hợp với thực tế địa phương nhằm đưa việc học và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu.
Chị H’Hoa Ayun kiểm tra “Heo đất tiết kiệm” của chi hội phụ nữ thôn 6. |
Phần lớn hội viên là người đồng bào dân tộc tại chỗ nên muốn có cách thức triển khai, phát động phong trào “làm theo” phù hợp, chị H’Hoa đã dựa trên tài liệu của cấp ủy soạn lại các chuyên đề dưới dạng hỏi - đáp để truyền đạt cho chị em dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời lồng ghép các chuyên đề vào các phong trào thi đua của Hội như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Hũ gạo, heo đất tiết kiệm”… thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trong các buổi sinh hoạt chị khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ sưu tầm và kể các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức tọa đàm, hái hoa dân chủ, thi hát, kể chuyện về Đảng, Bác Hồ để tránh sự gò bó, nhàm chán. Đối với các chi hội buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, chị chủ động học thuộc một số mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác như “Bác Hồ với người nghèo”, “Bác Hồ với hội nghị phụ nữ”, “Bác Hồ với thiếu nhi”… rồi kể lại bằng tiếng mẹ đẻ nên đã cuốn hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt. Để giúp chị em vận dụng các chuyên đề trong quá trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào thực tiễn cuộc sống, chị H’ Hoa đã thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt có hiệu quả như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Thông qua đó, chị em đã có những việc “làm theo” Bác thiết thực, hiệu quả. Chẳng hạn như đóng góp quỹ “Vì phụ nữ nghèo” được 19 triệu đồng giúp cho 14 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, tham gia xây dựng 19 tổ tiết kiệm với tổng số tiền 165 triệu đồng, giúp 135 lượt chị vay, hay mỗi ngày đóng góp 1.000 đồng và một nắm gạo xây dựng “ống tiền, hũ gạo tiết kiệm” thu được trên 49 triệu đồng và 250 kg gạo hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Để làm gương cho mọi người, chị bàn bạc với gia đình thống nhất giúp 3 chị người dân tộc thiểu số tại chỗ trong xã số tiền 11 triệu đồng làm nhà mái ấm tình thương và phát triển kinh tế. Nhờ vậy, phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” ngày càng được nhân rộng, đã có thêm 10 hội viên nghèo được giúp với số tiền 55 triệu đồng. Với những thành tích đạt được, chị H’Hoa vinh dự là một trong những cá nhân điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được huyện Cư M’gar tôn vinh năm 2012.
Còn sức khỏe còn tham gia công tác bảo vệ môi trường
Với đôi chân không còn lành lặn sau một tai nạn, thế nhưng mỗi khi nghe thông tin ở đâu có vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Lương Lãng (hội viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh, thành viên CLB Môi trường) lại tìm đến tận nơi để nhắc nhở, vận động mọi người khắc phục tình trạng ô nhiễm, giữ gìn vệ sinh chung.
Tuy đã bước sang tuổi 73, nhưng hằng ngày ông Lãng vẫn nhiệt tình, hăng say công việc của một tình nguyện viên môi trường. Không kể khó khăn, đi lại vất vả, ông đã đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh để vận động các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, tự bỏ tiền túi trang trải chi phí xăng xe, ăn uống, bởi công việc của ông là tự nguyện, không có phụ cấp. Dịp cùng phóng viên đi tìm hiểu tình trạng ô nhiễm trên địa bàn xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), con đường nhỏ vào các hồ nuôi cá, trồng rau của các hộ dân (bị ảnh hưởng ô nhiễm từ nước thải của một hộ chăn nuôi heo) gập ghềnh đá và bùn lầy lội khiến người bình thường còn cảm thấy khó khăn nhưng ông vẫn cố từng bước khó nhọc với chiếc nạng gỗ đến rất nhiều hộ gia đình để tìm hiểu. Sau khi bài viết của phóng viên đăng trên báo, vấn đề ô nhiễm ở đó đã được khắc phục. Hay những lần một mình ông lặn lội tìm hiểu vấn đề ô nhiễm ở chợ Krông Ana (huyện Krông Ana), tận mắt chứng kiến cảnh rác thải, xác động vật vứt bừa bãi trong chợ; đến huyện Krông Bông để tìm hiểu thực hư các hộ dân xay xát lúa gạo gây ô nhiễm; doanh nghiệp tư nhân Long Nhật (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) thu mua mủ cao su bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến việc dạy và học của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột); đến các hộ dân được giao trồng và chăm sóc rừng tự ý chặt phá ở xã Ea R’vê, huyện Ea Súp…
Có thể nói, những chuyến đi vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chung ở các địa phương là những kỷ niệm vui buồn với ông. Vui vì ở những nơi này tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể, buồn vì cũng gặp không ít người thiếu hợp tác cùng những ánh mắt khó chịu, lời nói khó nghe khi bị “vạch tội”. Ông Lãng tâm sự: “Dù khó khăn, vất vả, nhưng tôi không nản chí, bởi với tôi không niềm vui nào hơn khi công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người”. Với tâm niệm, còn sức khỏe thì còn theo đuổi công việc này, ông Lương Lãng vẫn hằng ngày đi đến những nơi có ô nhiễm để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sống. Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh cho biết: “Ông Lãng là một trong những tình nguyện viên tích cực trong công tác môi trường. Sau những chuyến đi tìm hiểu thực tế ở các khu vực ô nhiễm, ông đã báo lên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời. Nếu xã hội có thêm nhiều người như ông Lãng thì tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện đáng kể”.
Chàng sinh viên ngành Y năng động
Chàng sinh viên ngành Y Đa khoa Thạch Chí Công (SN 1989), Ủy viên BCH Đoàn trường Đại học Tây Nguyên, Phó Bí thư Chi đoàn Khoa Y - Dược, Bí thư Chi đoàn Y Đa khoa K2008… được mọi người trong trường biết đến với thành tích năng nổ, nhiệt tình trong học tập cũng như các hoạt động Đoàn - Hội.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại tỉnh Trà Vinh, từ nhỏ Công mơ ước được khoác lên mình chiếc áo blue để chăm sóc những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh. Sau 12 năm miệt mài đèn sách đến năm 2008, chàng trai dân tộc Khơme Thạch Chí Công đỗ vào ngành Y Đa khoa trường Đại học Tây Nguyên và rời vùng đồng bằng sông Cửu Long lên mảnh đất cao nguyên để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ về phục vụ quê hương. Bước vào môi trường mới với nhiều thử thách, Công đã nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống, năng nổ trong học tập cũng như các hoạt động xã hội. Ngoài những giờ học chính khóa trên giảng đường và thực tập chuyên ngành tại bệnh viện, Công còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn - Hội nhà trường như: Chiến dịch Mùa hè xanh, “Tuổi trẻ Đại học Tây Nguyên học tập và làm theo lời Bác”, “Ủng hộ xây nhà tình thương tặng cựu thanh niên xung phong”, “Quyên góp sách truyện gửi đến em thơ”, vệ sinh môi trường, ngày thứ bảy tình nguyện, chủ nhật xanh, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em mồ côi, khuyết tật… Với nỗ lực phấn đấu của bản thân, năng động trong các hoạt động, Công đã nhiều lần được các cấp Đoàn - Hội khen thưởng. Đây là động lực để Công tiếp tục tham gia có hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Không những năng nổ trong các hoạt động xã hội, Công còn là sinh viên giỏi. Khi còn ở quê nhà Công đã từng được chứng kiến những y - bác sĩ tâm huyết, hết lòng cứu chữa bệnh nhân. Công luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu” và xem đây là “kim chỉ nam” từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành “từ mẫu” của người bệnh sau khi ra trường.
Khi được hỏi về bí quyết để cân đối giữa việc học và tham gia hoạt động Đoàn - Hội, Công chia sẻ: “Để có thời gian học tập, em phải sắp xếp mọi việc thật hợp lý. Qua tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, em có thêm nhiều bạn mới và có kỹ năng trong cuộc sống. Đó là kỹ năng làm việc nhóm, sắp xếp thời gian hợp lý, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp... đây là những điều rất cần thiết cho em sau khi ra trường”.
Xuân - Thúy – Hùng
Ý kiến bạn đọc