Multimedia Đọc Báo in

Kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến rừng

08:03, 15/10/2012

Hiện nay trên hệ thống các sông chính thuộc địa bàn Tây Nguyên (bao gồm sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpôk và sông Đồng Nai) có đến 287 dự án thủy điện với công suất 6.991,8MW, bao gồm 43 dự án (trên 5.528,7MW) thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính và 244 dự án (1.463 MW) thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ trên sông, suối nhánh.

Trong số các dự án thủy điện nói trên, hiện đã có 84 dự án đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 4.678,3MW, còn lại 50 dự án có công suất 1.021,9MW dự kiến hoàn thành từ nay đến 2015; 87 dự án với công suất hơn 1000MW đang nghiên cứu đầu tư và 66 dự án nhỏ (hơn 200MW) chưa được phép đầu tư.

Cần khẳng định, việc quy hoạch, phát triển thủy điện ở Tây Nguyên có ý nghĩa kinh tế-xã hội hết sức to lớn,  không những tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia mà còn đóng vai trò điều hòa nguồn nước, tạo nguồn nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả trước mắt, việc quy hoạch, phát triển thủy điện tràn lan đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường sinh thái, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định xã hội, mà cụ thể là đụng chạm đến vấn đề đất đai, việc làm, đời sống nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án nói riêng.

Công trình thủy điện Sêrêpôk 3 đã nảy sinh nhiều khiếu kiện của người dân  liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ tái định canh.
Công trình thủy điện Sêrêpôk 3 đã nảy sinh nhiều khiếu kiện của người dân liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ tái định canh.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, để sớm ổn định đời sống người dân trong vùng dự án, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã và đang tích cực đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết những tồn đọng về đền bù, giải tỏa, tái định cư. Đồng thời Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định về dòng chảy tối thiểu vùng hạ lưu trong mùa khô kiệt để làm căn cứ kiểm soát việc vận hành, xả nước của các nhà máy thủy điện; đồng thời quy hoạch sử dụng nguồn nước hạ lưu các hồ chứa thủy điện làm căn cứ để điều tiết việc xả nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. “Thực tế cho thấy, việc chuyển dòng để tăng hiệu suất phát điện của một số công trình thủy điện như: Đạ Nhim, Thượng Kon Tum, An Khê – Kanak… đã gây thiếu nước sản xuất trầm trọng cho sản xuất và đời sống của người dân vùng hạ lưu. Ngoài ra, một số thủy điện chưa phối hợp tốt với địa phương xây dựng quy trình vận hành hợp lý cũng gây không ít khó khăn cho khu vực hạ lưu như thủy điện buôn Tua Srah, thủy điện Sêrêpôk 4…” – ông Hùng dẫn chứng.

Không chỉ khẩn trương phối hợp khắc phục hậu quả, theo ông Hùng, một trong những vấn đề quan trọng nữa là giữa chủ đầu tư và địa phương có dự án thủy điện cần phải xác định lại tỷ lệ phân chia thuế VAT theo số dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện và phí dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng đầu nguồn để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương. Nhà nước cũng cần phải sớm ban hành quy định về diện tích đất, rừng tối đa cho 1MW công suất lắp máy để làm căn cứ cho việc rà soát quy hoạch thủy điện. “Không thể chỉ vì một công trình thủy điện công suất có vài MW mà chúng ta phải đánh đổi mất mấy chục ha rừng. Nếu cứ như vậy thì rõ ràng chúng ta sẽ mất nhiều hơn được!”- ông Hùng nói.

Được biết, để khắc phục những tồn đọng, những ảnh hưởng tiêu cực do các công trình thủy điện gây nên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tích cực đang phối hợp với Bộ Công thương triển khai chuyên đề Rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án ở Tây Nguyên. Song song với đó, hiện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng với chính quyền các địa phương trong vùng là kiên quyết loại bỏ các công trình, dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp nhưng có ảnh hưởng nhiều đến rừng và đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.