Nghề xe ôm trước biến động của giá xăng
Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong nhiều tháng qua, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều, trong đó có những người làm nghề xe ôm.
Cảnh xe ôm ế ẩm ngồi chờ khách. |
Tầm 15 giờ tại khu vực trước cổng Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, đa số các bác tài xe ôm đều nằm bắc chân vắt vẻo trên xe vì không có khách, thậm chí còn tụm năm tụm bảy đánh bài để “giết thời gian”. Anh Phan Văn An, một người có thâm niên với nghề xe ôm trên 10 năm than vãn: trước đây giá xăng thấp, chỉ 10.000 đến 11.000 đồng/lít, những người làm nghề xe ôm như anh còn kiếm được chút đỉnh, nhưng giờ đây giá xăng cao quá, chi phí đổ vào hết trong bình xăng xe, trong khi đó không thể tăng giá vận chuyển lên, nên thu nhập hằng ngày của anh chẳng được bao nhiêu. Vào những ngày lễ lớn trong năm như dịp 2-9, 30-4 hay cận kề ngày tết khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, mỗi ngày anh còn kiếm được trên 100 ngàn đồng, còn những ngày thường chấp nhận ngồi không chờ khách. Chưa kể tại khu vực siêu thị Co.op Mart, tài xế xe ôm thì nhiều mà khách đi xe thì thưa thớt, vì đa số người dân đều lựa chọn xe buýt đi lại cho đỡ tốn kém. Anh Nguyễn Văn Khất, một người hành nghề xe ôm tại khu vực siêu thị ngán ngẩm, nhiều lúc anh tính bỏ nghề, nhưng nghĩ cho cùng, trong thời buổi hiện nay, vấn đề tìm một việc làm mới không phải là dễ, nhất là đối với những người không có “nghề tay trái” như anh nên anh vẫn quyết định bám trụ cũng chỉ để kiếm miếng cơm, manh áo hằng ngày cho cả gia đình. Còn với bác Đặng Thế Hùng, người có 30 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ, xe buýt ở tỉnh mình phát triển nhiều nên cánh xe ôm cạnh tranh với phương tiện này không hề dễ dàng gì, nhưng nếu biết cách thì cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn. Đối với bác, “giờ vàng” cho những người làm nghề này là tầm từ 4 đến 7 giờ sáng và từ 17 đến 20 giờ chiều, bởi vào những thời điểm đó hầu hết các tuyến xe buýt chưa hoặc đã ngừng hoạt động nên xe ôm có đất mà sống.
Giá nhiên liệu tăng cao, rõ ràng tác động đến nguồn thu nhập của nghề xe ôm. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống xe buýt, tăcxi cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghề xe ôm vốn đã khó khăn, nay càng trở nên chật vật hơn. Bên cạnh đó, nghề này thường phải đối mặt với những rủi ro như: bị hành hung, quỵt tiền, cướp xe, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng có một thực tế mà ngay cả bản thân những người trong nghề xe ôm cũng phải thừa nhận là những mặt trái của nghề này như: tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu; đeo bám xe, tranh giành khách…khiến nhiều người chỉ dám đi xe ôm một lần trong đời. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hương, huyện Ea H’leo, mỗi lần nhắc đến chuyện đi xe ôm là chị khiếp đảm, bởi vào Tết Nguyên đán 2011, lúc chị vừa xuống xe tại Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, bỗng dưng có người đàn ông lại giật lấy chiếc vali và kéo tay. Tưởng có kẻ cắp, chị hô to để mọi người ứng cứu, nhưng sau đó mới tá hỏa khi biết đó là chiêu giành khách của tài xế xe ôm. Chưa hết, ngay cả những chiêu “bắn khách” mà chỉ những người trong nghề mới hiểu như “áo xanh, áo đỏ, giày cao gót, mũ lưỡi trai… của tôi” để chỉ những người khách mà bác tài sẽ chào mời chèo kéo họ. Hễ có xe khách dừng xuống, lập tức những danh từ chung đó được hô lên từ đội ngũ người làm nghề xe ôm. Dù không phải là một quy định cụ thể nào, nhưng đó lại là một luật bất thành văn mà khi người này đã “bắn khách” này thì người khác không được mời khách đó đi xe của mình.
Để có thể sống được với nghề trong thời bão giá nhiên liệu, nhiều bác tài xe ôm dự định sẽ kiếm việc làm thêm như chở hàng, bốc vác thuê tại khu vực chợ đêm, thậm chí là cò phòng trọ, nhà đất với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc