Multimedia Đọc Báo in

Tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất thổ cư làm đường giao thông nông thôn

05:16, 09/10/2012

Bảy nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào 1 ha cà phê, do vậy điều kiện kinh tế gia đình ông Phan Đình Liêm (thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cũng không có nhiều dư giả. Nhưng khi địa phương phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn thì gia đình ông lại là một trong những hộ đầu tiên hưởng ứng tham gia.

Vào đầu tháng 7-2012, gia đình ông đã cùng với 11 hộ gia đình khác sống trên đoạn đường ở tổ liên gia 5 tự nguyện đóng góp 600.000 đồng để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông. Đoạn đường có chiều rộng khoảng 4 m và dài 200 m, theo tính toán mỗi hộ đóng góp 600.000 đồng. Để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu số tiền phải đóng góp, ông Liêm và các hộ gia đình khác đã góp thêm công, thêm sức, mỗi người một việc để làm đường. Bên cạnh đó, ông còn tự nguyện hiến diện tích đất của gia đình mình để mở rộng đường, giúp các hộ dân đi lại được thuận lợi. Ông tâm sự: “Thấy tuyến đường đi đến gia đình mình thì bị cụt, làm cho các hộ dân phía sau phải đi đường vòng mới ra được tỉnh lộ, tôi đã bàn bạc với các thành viên trong gia đình hiến 230 m2 đất thổ cư để kéo thêm chiều dài tuyến đường mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền đền bù, hay hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, nếu địa phương phát động làm đường giao thông, hay cần quỹ đất mở rộng tuyến đường thì gia đình tôi vẫn sẵn sàng đóng góp tiền và hiến thêm đất, miễn sao việc đi lại được thuận tiện là tôi cảm thấy vui rồi…”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, một hộ dân ở tổ liên gia 5, thôn 1, xã Ea Kpam cho biết: “Ông Phan Đình Liêm hiến đất mở rộng thêm đoạn đường này đã mang lại rất nhiều thuận lợi trong việc đi lại cho tất cả người dân trong thôn; đặc biệt là các hộ gia đình nằm ở phía sau con đường. Nếu như trước đây muốn đi ra ngoài trục đường chính các hộ gia đình đó phải mất khoảng 1 km thì đến nay khoảng cách đã được rút lại chỉ còn 200 m…”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.