Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa tiếp thụ phê bình

06:34, 14/10/2012

Báo Dak Lak trong các số ra các ngày 21-8; 11-9,16-9 và 25-9-2012, có đăng các ý kiến phản ánh của phóng viên và bạn đọc liên quan đến ngành điện.

Ở số báo thứ Ba, ra ngày 21-8, trong mục “Những điều trông thấy” đăng ý kiến bạn đọc nhan đề “Cột điện giữa đường”, phản ánh về tình trạng trong quá trình thi công mở rộng đường, các cơ quan chuyên môn đã không di dời cột điện, gây khó khăn trong giao thông, đi lại của người dân. Cũng trong mục trên ở số báo thứ Ba, ra ngày 11-9 đăng ý kiến của bạn đọc về “Cột điện nghiêng” do phải đỡ quá nhiều dây cáp quang lẫn dây điện, khiến trụ điện quá tải, bị nghiêng về một phía. Số  báo Dak Lak Cuối tuần  ra ngày 16-9 đăng bài của phóng viên, nhan đề “Xóm đèn mờ”, nói về việc các hộ dân ở tổ liên gia 1, thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột đã hơn 10 năm phải chịu cảnh điện đóm phập phù, chẳng khác gì “xóm đèn mờ”! Trong mục “Ý kiến người dân”, báo Dak Lak số thứ Ba, ra ngày 25-9 đăng ý kiến phản ánh về việc người dân thôn 3, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) phải trả giá điện quá cao do tổn thất điện năng lớn trong khi chất lượng điện không đảm bảo… Đáng chú ý là chỉ sau khi báo phát hành một thời gian ngắn, các cơ quan được phê bình (là Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột và Công ty Điện lực Dak Lak) đã có  ý kiến phản hồi, tiếp thu phê bình, trong đó khẳng định ý kiến góp ý của bạn đọc là đúng sự thật, có giải trình và hứa khẩn trương tìm biện pháp khắc phục. Cụ thể: bài góp ý về việc để tồn tại “Cột điện nghiêng”, báo in và phát hành vào sáng 11-9 thì ngày 12-9 lãnh đạo Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã tổ chức kiểm tra và đề ra giải pháp khắc phục…

Có thể nói: ý thức và thái độ tiếp thu phê bình của 2 đơn vị thuộc ngành điện trên thật đáng hoan nghênh. Thường khi một đối tượng được người khác góp ý, phê bình, thì có 2 trạng thái diễn ra: hoặc là chọn cách im lặng để cho sự việc trôi qua; hoặc là phản ứng dữ dội theo cách “Xù lông nhím”. Suy cho cùng, cả 2 cách “tiếp thu” này đều là hạ sách, bởi nó gây thêm nghi ngờ cho bạn đọc, và tai hại hơn là làm suy giảm uy tín của chính cá nhân, đơn vị được góp ý, phê bình. Đối với 2 đơn vị Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột và Công ty Điện lực Dak Lak, cách tiếp thụ phê bình của bạn đọc, của báo chí một cách nhanh chóng và chân thành đã chứng tỏ được văn hóa, văn minh trong phê bình và tự phê bình của lãnh đạo đơn vị; nhưng điều quan trọng hơn là: chính qua sự tiếp thu phê bình một cách nhanh chóng, chân thành, với những biện pháp khắc phục hữu hiệu… đã nâng thêm uy tín cho đơn vị lên nhiều lần. Bằng chứng là một bác hàng xóm nơi tôi ở đã cầm các tờ báo có nội dung trên đến nhà tôi, sau khi khen ngợi ý thức tiếp thu của Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột và Công ty Điện lực Dak Lak, bác nói: “Tôi đọc báo Dak Lak thường xuyên, theo dõi nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc nêu trên báo, tôi thấy sự tiếp thu chân thành và nhanh chóng như 2 đơn vị này thật đáng trân trọng”.

Một điều cần nói thêm là: nếu tiếp nhận sự góp ý một cách văn minh, nhã nhặn thì chính ngành điện đã tạo cho mình những “cộng tác viên” hoạt động một cách tự giác và rất đắc lực. Bởi vì chỉ mình ngành điện theo dõi thì sẽ không đủ lực lượng rải khắp các địa bàn trong tỉnh để quản lý về đường dây, về toàn bộ hệ thống. Chính người dùng điện, từng hộ, từng nhà, từng khối phố, xóm thôn có đường điện đến sẽ giúp ngành điện quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn tài sản của ngành...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.