Về với biển đảo thân yêu
Trong những ngày cuối tháng 9, đúng dịp Tết Trung thu 2012, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Dak Lak đã tổ chức chuyến đi thăm, tặng quà các ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Từ Dak Lak - Tây Nguyên đến với biển đảo, ai cũng hồ hởi, háo hức mong sao cho đường đi ngắn lại để chóng được gặp gỡ bà con trên đảo.
Đảo Lý Sơn còn có tên gọi khác là cù lao Ré, gồm có đảo Lớn và đảo Bé, nằm cách cảng Sa Kỳ thuộc huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 15 hải lý về phía Đông. Huyện đảo có 3 xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình, tổng diện tích chừng 10 km2, với dân số trên 5.000 hộ, 22.000 nhân khẩu; trong đó, 3.000 hộ sinh sống bằng khai thác hải sản, còn lại thì trồng tỏi, hành đặc sản và buôn bán nhỏ. Đến nơi, đoàn đã gặp gỡ, trao 20 triệu đồng tặng 2 nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, An Vĩnh và đến thăm, trao 22 suất quà trị giá gần 30 triệu đồng tặng 22 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn - đó là những phụ nữ, em nhỏ có chồng, cha đã gặp nạn thiệt mạng, mất tàu trong khi đi biển. Câu chuyện của chị Phạm Thị Quân (thôn Đông, xã An Hải) đã khơi dậy xúc cảm của bao người đến thăm: Chồng của chị - anh Nguyễn Hữu Chiến đi biển bị tai nạn thiệt mạng vào năm 2008; khi ấy, đứa con đầu chị Quân mới 2 tuổi, còn chị thì đang mang thai đứa thứ hai; thu nhập chính của gia đình là từ việc đi biển nên sau khi anh Chiến mất đi, cuộc sống của 3 mẹ con gặp rất nhiều khó khăn… Trước sự thông cảm, chia sẻ chân thành trong lúc khó khăn, hoạn nạn, chị Quân rất cảm động; lúc nhận quà của đoàn trao tặng, nước mắt chị cứ rưng rưng.
Đoàn đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà, động viên chị Phạm Thị Quân. |
Tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các đoàn viên thanh niên Công an tỉnh càng hiểu rõ hơn về lịch sử mấy trăm năm người dân nơi đây đã được triều Nguyễn tin cẩn giao cho trọng trách tuyển người vào đội binh phu đi đo đạc, vẽ bản đồ, dựng cột mốc quốc gia trên các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ lãnh hải, khai thác những sản vật quý từ các vùng biển trên đem về cho triều đình. Đã có bao người binh phu vượt trùng khơi, bão tố đi thực hiện sứ mạng cao cả đó và mãi mãi không trở về; thân xác họ gửi vào biển cả, còn hương hồn thì nương náu trong những ngôi mộ gió trên bờ đảo Lý Sơn. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và tờ lệnh do hai quan Án sát Đặng Kim Giám và Bố chánh Tôn Thất Bạch của tỉnh Quảng Ngãi ban năm 1834 là một trong những minh chứng sống động về việc thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo này trong suốt mấy trăm năm qua. Để tận mắt chứng thực những điều trong sử sách, đoàn đã đến thăm gia đình ông Đặng Thanh Hải, là hậu nhân của ông Đặng Văn Siểm, người đã được quan trên cử làm đà công đưa đoàn thuyền chở những binh phu đi ra Hoàng Sa để thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn. Gia tộc họ Đặng - một trong số những gia tộc lớn, đã sinh sống trên đảo suốt mấy trăm năm qua - đã hiến tặng chính quyền tờ lệnh nói trên, một tài liệu quan trọng góp phần củng cố các bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bác Nguyễn Quốc Chinh, năm nay đã gần 60 tuổi với 30 năm bám biển, hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải cho biết: Toàn huyện hiện có trên 460 tàu đánh cá các loại, trong đó có trên 100 tàu thường xuyên đánh bắt hải sản ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc. Không đến nơi để tai nghe, mắt thấy thì ít ai hiểu rằng: để thường xuyên bám biển, đánh bắt hải sản, ngư dân ở đây luôn đối mặt với những gian nan, nguy hiểm. Thời gian đi đánh bắt hải sản ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của ngư dân Lý Sơn thường kéo dài hàng tháng trời. Giữa biển khơi bao la, tính mạng sẽ nguy hiểm khi gặp tai nạn, bão tố, những năm gần đây lại bị tàu nước ngoài đâm chìm, bị người Trung Quốc bắt bớ, đánh đập, hành hạ, cướp tàu, ngư cụ và các tài sản khác. Hầu như tất cả tài sản của ngư dân đều dồn vào những con tàu và ngư cụ, thế nên khi gặp nạn họ rất dễ lâm cảnh trắng tay. Do đó, tuy sản vật của biển khơi rất nhiều và phong phú nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn vì đã bị nạn trên biển. Có nhiều ngư dân, chồng đi biển, vợ ở nhà nuôi dạy con cái, khi lâm nạn hoặc thiệt mạng giữa trùng khơi thì cuộc sống vợ con sẽ chật vật khó khăn trăm bề. Bản thân bác Chinh đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc bắt, cướp tàu và tài sản khác tại ngư trường Hoàng Sa. Thậm chí chúng còn giở trò thâm độc dụ dỗ, đánh đập, ép bác và những ngư dân khác ký vào tờ khai với nội dung có hại cho chủ quyền đất nước do chúng soạn sẵn nhưng tất cả đều kiên cường không khuất phục. Ai cũng hiểu rằng chủ quyền quốc gia là thiêng liêng bậc nhất nên dù chết cũng phải bảo vệ. Và rồi, bác Chinh và hàng nghìn ngư dân khác ở Lý Sơn vẫn kiên gan tiếp tục vươn khơi, bám biển. Việc đi biển cũng được tổ chức lại chặt chẽ, khoa học hơn để ứng phó, xử lý kịp thời đối với thiên tai, địch họa, tai nạn trên biển, trong đó có việc tin báo kịp thời những vấn đề, tình huống bất thường về an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia trên biển để lực lượng chức năng có biện pháp xử lý. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân huyện đảo Lý Sơn tại hai ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ mang về nhiều sản vật quý, hiếm có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập gia đình, góp phần xây dựng huyện đảo phát triển mà còn khẳng định chủ quyền của quốc gia trên hai quần đảo này. Như vậy, trên thực tế, mỗi ngư dân huyện đảo không chỉ là lao động sản xuất đơn thuần mà mỗi người còn là một chiến sĩ đã và đang ngày đêm góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải, biển đảo của đất nước.
Chia tay huyện đảo Lý Sơn, mỗi đoàn viên thanh niên của Công an tỉnh như thầm hứa với lòng mình, sẽ ra sức công tác, chiến đấu tốt hơn nữa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia ở địa bàn để cùng với những đồng đội, bà con nơi các biển đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Trọng Tính
Ý kiến bạn đọc