Multimedia Đọc Báo in

Dị ứng với bán hàng đa cấp, vì sao?

08:34, 13/11/2012

Mặc dù là loại hình kinh doanh được pháp luật thừa nhận, nhưng trên thực tế khi nghe đến bán hàng đa cấp rất nhiều người dị ứng và bày tỏ thái độ không thiện cảm với loại hình kinh doanh này...

Kỳ I: Nghệ thuật “bắt khách”

Quảng cáo và tiếp thị là những phương thức không thể thiếu trong kinh doanh. Nhưng với hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, ai từng một vài lần tiếp cận, hẳn không khó để nhận ra giọng điệu na ná của chiêu bài mời gọi, chèo kéo theo kiểu “kiếm tiền không khó” cùng những khoản hoa hồng thu được vô cùng hấp dẫn...

Chèo kéo, hoa hồng

“Ngày nghỉ cuối tuần này chị có một chương trình rất hay muốn mời em tham dự...”, ngờ ngợ hồi lâu tôi mới nhận ra nhân vật đang nói phía đầu dây. Người phụ nữ ấy, tôi chỉ tình cờ gặp đúng một lần trong dịp đến liên hệ công tác tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) và chị đã xin số điện thoại của tôi. Tò mò về “chương trình rất hay” theo như lời chị giới thiệu, tôi dành thời gian đến đúng địa chỉ chị nói. Nhưng vừa đến nơi nhìn thấy biển hiệu giới thiệu về thực phẩm chức năng, không nấn ná thêm, tôi quay đầu xe ra về. Ngay sau đó, chị liên tục gọi điện và tôi tìm lý do xin lỗi hẹn. Khoảng 2 tuần sau đó, người phụ nữ ấy lại tiếp tục gọi điện cho tôi và nói: “Chị muốn trao cho em cơ hội làm ăn và hy vọng em cũng sẽ trao cơ hội ấy cho người thân yêu của mình”. Tiếp chuyện, tôi hỏi chị: “Muốn trao cơ hội ấy phải cần những tiêu chuẩn gì không?”, chị bảo không cần trình độ gì cao siêu cả, chỉ cần vừa làm vừa chơi, gặp gỡ và giới thiệu được nhiều người tham gia cũng có thu nhập.

Người dân trả lại nồi đa năng của Công ty An Khang vì chất lượng không đúng như quảng cáo.         Ảnh: G.N
Người dân trả lại nồi đa năng của Công ty An Khang vì chất lượng không đúng như quảng cáo. Ảnh: G.N

Dưới danh nghĩa một nhân viên của thực phẩm chức năng hãng Vision mới chập chững vào nghề, tôi làm thân với một đàn chị đã từng đạt đến “VIP 3 sao” nhưng giờ đã giải nghệ. Chị không ngần ngại bày cho tôi vài “chiêu” để “bắt khách”: Vào quán cà phê, quan sát một lượt là biết được đối tượng nào có thể làm quen. Đơn giản thế này, “Chị làm thế nào mà có nước da đẹp vậy? Cho em xin số điện thoại, khi nào rảnh mời chị uống cà phê để em nhờ chị tư vấn thêm về cách chăm sóc da”. Chỉ cần như vậy là đã có thể biến thị trường “lạnh” (tức những người hoàn toàn xa lạ) thành thị trường “ấm” (người quen, bạn bè). Biết được vài “chiêu” của đàn chị này, giờ tôi mới nhớ, hóa ra mình cũng đã từng nhận được không dưới 3 lần lời mời uống cà phê với mục đích mời mua và dùng thử sản phẩm để cảm nhận rồi trao cơ hội làm ăn từ nhân viên của các hãng bán hàng đa cấp như Lô hội, Thiên Ngọc Minh Uy...

Không chỉ là những lời mời mượn cớ “cà phê nhé”, một hình thức khá phổ biến của loại hình bán hàng đa cấp là tổ chức đào tạo, hội thảo. “Chị lên đi, hôm nay có chuyên gia về nói chuyện rất hay, hiếm có cơ hội mới được nghe; chị cứ lên đi rồi họ sẽ hướng dẫn về sản phẩm” - miễn cưỡng trước lời mời tha thiết của một nhân viên thực phẩm chức năng Lô hội, tôi kiên nhẫn ngồi từ 8 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa để nghe thuyết trình, giới thiệu về sản phẩm thì ít mà phương thức trả thưởng thì nhiều. Đôi lần khác nữa, nhân viên của thực phẩm chức năng Vision năn nỉ: “Mấy bữa trước hội thảo ở Ea Kar chị không đi, uổng quá! Tối nay có hội thảo tổ chức ngay tại Buôn Ma Thuột, chị cố gắng đi đúng giờ kẻo không còn chỗ ngồi”. Quả thật một hội trường với sức chứa 500 người chật cứng, chen chân mãi mới vào được. Và khi đã bước chân vào những cuộc hội thảo như thế, một cảm nhận chung của gần như tất cả mọi người là khả năng diễn thuyết, thu hút, thuyết phục vô cùng tuyệt vời với sự tham gia của những nhân vật có tên tuổi trong lĩnh vực liên quan và cả những người đã thành công, lên “VIP”. Hội trường hàng trăm người im lặng, chăm chú lắng nghe rồi sôi động với những tràng pháo tay tán thưởng rầm rầm. Một điều dễ nhận thấy, điểm chung để những cuộc hội thảo của các hãng bán hàng đa cấp có sức hút chính là việc tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia mạng lưới bằng cách trả thưởng hậu hĩnh, thổi phồng những lợi ích khi tham gia bán hàng đa cấp cho công ty. Ví dụ hoa hồng có thể đạt 100 triệu đồng/tháng hoặc chỉ cần lên đến chức như trưởng phòng rubi hay trưởng phòng diamond thì chỉ việc ngồi không mà vẫn có hoa hồng đều đều, ngoài ra còn được hưởng chính sách khen thưởng với quà tặng là xe ô tô sang trọng hoặc cao hơn là căn hộ phú quý...

 Hệ lụy

Những tưởng với nghề kiếm được nhiều tiền theo như những gì quảng cáo nhưng chỉ ít lâu sau đó, nhân vật có ý dìu dắt tôi trở thành một “VIP n sao” của Vision đã giải nghệ và bằng lòng với một công việc mới xin được là tạm cư trong rừng cách trung tâm thành phố hàng trăm cây số để trông coi diện tích rừng trồng cho một công ty. Theo lời nhân vật này, Vision là sản phẩm tốt nhưng giá khá đắt. Ví dụ, 1 lọ thực phẩm chức năng là 1,2 triệu chứa 50 viên, ngày uống 3 lần thì 1 tháng đã mất 2,4 triệu đồng, quả là không nhỏ. Nếu tự bản thân mình không phát triển được, không mời được nhiều người tham gia mua hàng để đổi điểm lên VIP, lấy tiền thưởng thì tự mình phải bỏ tiền ra mà mua sản phẩm. Cho nên cũng không ngoại trừ khi thành VIP thì trong nhà là một kho hàng!

Một trường hợp dở khóc dở cười khác, từ ngày nghỉ việc đến nay, bao nhiêu tiền lương hưu, bà M. ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột đầu tư hết vào việc mua hàng của Thiên Ngọc Minh Uy để được nâng cấp bậc. Vận động con cái trong nhà mua sản phẩm từ sữa tắm, áo nịt ngực, máy ozone... không thành công, bà quay sang mời chào người thân, hàng xóm láng giềng. Con cháu khuyên ngăn nhưng bà vẫn đi tối ngày, hết đi “trao cơ hội” cho người này ở quán cà phê này, người kia ở quán cà phê khác. Thu nhập hằng tháng bập bõm khi có khi không, tiền thưởng Rubi, tiền thưởng Dimond, tiền thưởng Winner theo như lời bà nói lại càng không, trong khi số tiền nợ do vay mượn để mua sản phẩm đã lên đến vài chục triệu. Theo quy định về cách thức trả thưởng của Thiên Ngọc Minh Uy, người tham gia chỉ được hưởng thù lao khi có doanh thu phát sinh. Vì vậy, bà cứ cố đeo đuổi và mê mẩn như bị bỏ bùa mê, làm mọi cách để nâng trị số PV của mình lên. Trị số PV được thiết lập dựa trên sự cân đối về giá vốn, giá thành của sản phẩm tương đương trên thị trường và mức lợi nhuận hợp lý của công ty; trung bình vào khoảng 60% giá bán sản phẩm. Hằng tháng công ty dựa trên trị số này để theo dõi và tính thù lao cấp.

Hay như câu chuyện về chiếc nồi đa năng của Công ty An Khang. Theo như những gì quảng cáo thì chiếc nồi này có rất nhiều ưu việt: tiết kiệm năng lượng, thời gian, bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe. Cụ thể là khi được đốt lên, vòng ngang tụ nhiệt sẽ đỏ, nấu cơm chỉ mất 3 phút, hầm xương mất 10 phút và khi tắt bếp nồi vẫn có thể ủ nóng từ 3-4 giờ. Một cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm được tổ chức hoành tráng tại huyện Krông Pak. Nhiều người dân khi nhận được tờ rơi giới thiệu, ý định ban đầu là chỉ đến xem, không mua hoặc dưới 1 triệu đồng mới mua. Nhưng không ngờ, với những lời lẽ quảng cáo vô cùng hấp dẫn, rất nhiều bà con đã bỏ ra 2,1 triệu đồng để mua bộ sản phẩm này, thậm chí còn hí hửng vì đã mua rẻ được một nửa so với giá thực tế theo như nhân viên của công ty giới thiệu. Chưa bàn đến mức giá sản phẩm, điều đáng nói là chiếc nồi đa năng khi đem về nhà sử dụng, công dụng không đúng như quảng cáo. Sau đó, người tiêu dùng đã đưa nồi đến trụ sở chi nhánh để khiếu nại, trả hàng và lấy lại tiền nhưng bên bán không chịu trách nhiệm giải quyết.

Công dụng sản phẩm được thổi phồng, thực phẩm chức năng được phóng đại thành “thần dược” cứu được cả những trường hợp bác sĩ bó tay hoặc nếu không mắc bệnh gì, uống hàng ngày cũng loại bỏ các chất độc hại, trong khi đó chưa ai kiểm chứng được điều này và giá rất đắt. Có lẽ đây chính là yếu tố mấu chốt khiến xã hội đang có những cái nhìn thiếu thiện cảm về loại hình bán hàng đa cấp.

(Còn nữa)

Đàm Thuần

 

 


Ý kiến bạn đọc