Hiệu quả từ một mô hình tổ tín dụng tiết kiệm
Từ nhiều năm nay, nhờ hoạt động hiệu quả nên mô hình “tổ tiết kiệm tín dụng” của chi hội phụ nữ thôn 9 xã Ea Ngai, huyện Krông Buk đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em phụ nữ nghèo.
Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Ea Ngai hiện có 70 hội viên, trong đó phần lớn làm nghề chăn nuôi và buôn bán bán nhỏ. Nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ phát triển kinh tế khá lớn, trong khi đó Ngân hàng Chính sách - Xã hội chỉ giải quyết cho những đối tượng vay là hộ nghèo, hoặc muốn vay qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải có tín chấp, còn vay qua kênh dự án thì số vốn không nhiều. Xuất phát từ nhu cầu đó, năm 2004, Chi hội phụ nữ thôn 9 đã thành lập mô hình tổ tiết kiệm tín dụng, huy động nguồn vốn tự có trong chị em hội viên. Đến nay, tổ tín dụng tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn 9 đã có 55 hội viên tham gia với nguồn vốn gần 80 triệu đồng cho vay xoay vòng thường xuyên, giải quyết nhu cầu vay vốn cho hàng chục lượt hội viên mỗi năm, với lãi suất 0,5%/tháng. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều chị em hội viên đã có thêm vốn buôn bán, sản xuất kinh doanh ổn định, để nuôi con ăn học, sửa chữa nhà cửa và đặc biệt giải quyết được những khó khăn đột xuất của gia đình. Sau 9 năm thực hiện mô hình, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn 9 đã giảm từ hơn 20% xuống còn 10%, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Trường hợp tiêu biểu là gia đình bà Nguyễn Thị Tâm. Thông qua tổ tiết kiệm tín dụng của Chi hội phụ nữ thôn 9, từ số tiền 2 triệu đồng này cộng với nguồn vốn do Chi hội phụ nữ đứng ra Uỷ thác với chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện, bà Tâm đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ từ 2 con bê ban đầu đến nay đã phát triển lên 10 con. Với số bò này tính ra tiền bà cũng có gần 100 triệu đồng.
Cũng từ nguồn vốn được vay từ “tổ tiết kiệm tín dụng” của Chi hội phụ nữ thôn 9, gia đình chị Nguyễn Thị Hà không những thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá ổn định. Hằng năm, từ nguồn thu nhập chăn nuôi heo, nuôi ong lấy mật gia đình chị cũng lãi trên 100 triệu đồng. Hiện tại, chị Hà vẫn tham gia đều đặn vào mô hình tổ tiết kiệm tín dụng nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho những hội viên khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Đối với một xã chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp như Ea Ngai, mô hình hoạt động của tổ tiết kiệm tín dụng có thể coi là một lối thoát cho chị em trong cơn bão giá. Ngoài tạo thói quen tiết kiệm cho chị em thông qua việc dành dụm, tích lũy trong chi tiêu gia đình, mô hình còn là nơi thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ giữa các thành viên trong nhóm, giữa hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo, để mọi người cùng vươn lên trong cuộc sống.
Chí Vũ
Ý kiến bạn đọc