Multimedia Đọc Báo in

Lận đận nghề truyền thống

08:00, 27/11/2012

Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Êđê, J’rai, M’nông sinh sống lâu đời tại Dak Lak cũng có những nghề truyền thống mang tính đặc trưng. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển chung của xã hội và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang khiến các ngành nghề thủ công mai một dần, và không ít nghề gần như mất hẳn.

Lay lắt với nghề

Từ khoảng những năm 1998 - 2006, tại hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh rộ lên phong trào thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm, nhằm gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, với nhiều nguyên nhân khác nhau như: chỉ tập trung phát triển làng nghề mà chưa chú trọng đến đầu ra; sản phẩm làm ra khá đơn điệu, chủ yếu là áo, váy, khăn trải bàn, giá thành lại cao (từ 2,5 - 3 triệu đồng/sản phẩm), nên ít được thị trường ưa chuộng; trong khi đó, vốn đầu tư và chi phí sản xuất không nhỏ, vì vậy hàng loạt các HTX, THT lần lượt đóng cửa, nhiều đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng. Trong số đó có thể kể đến HTX dệt thổ cẩm Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), HTX Buôn Tría (huyện Lak) đã đóng cửa hoàn toàn, một số khác là HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, Buôn Ma Thuột), HTX dệt thổ cẩm Buôn Trinh (TX. Buôn Hồ) hiện cũng chỉ sống lay lắt, chưa tìm được hướng phát triển thực sự cho làng nghề. Amí Y Thin, người phụ trách HTX dệt thổ cẩm Buôn Trinh chia sẻ: hiện nay sản phẩm dệt thổ cẩm bán ra rất khó, đơn vị đã liên hệ và gửi sản phẩm tại nhiều gian hàng trong các điểm du lịch của tỉnh nhưng cũng chỉ bán được 2 - 5 sản phẩm/tháng. HTX đang cố gắng cầm cự để tạo công việc thêm cho chị em trong buôn, bởi ngoài công việc chính là làm ruộng rẫy ban ngày thì mỗi buổi tối thường tập trung dệt vải. Tuy nhiên, do sản xuất thủ công nên năng suất lao động rất thấp, tính ra dệt thổ cẩm, một người một tối chỉ làm được 0,4m2. Việc sản xuất nhỏ lẻ; kỹ thuật, chất lượng không đều nhau, năng suất lao động thấp nên sản phẩm kém tính cạnh tranh, nhất là so với hàng sản xuất công nghiệp.

Amí Thin, người phụ trách HTX Buôn Trinh,  TX. Buôn Hồ,  giới thiệu về  sản phẩm dệt  thổ cẩm.
Amí Thin, người phụ trách HTX Buôn Trinh, TX. Buôn Hồ, giới thiệu về sản phẩm dệt thổ cẩm.

Các HTX dệt thổ cẩm là vậy, còn với các nghề truyền thống khác như nghề làm nỏ ná, cung tên, đan gùi, rèn, mộc… hoạt động tự phát, ít có sự quản lý tập trung cũng không tránh khỏi số phận như trên. Già Ama Thul ở xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn cho biết: khoảng 10 năm về trước bà con bản địa trong xã làm nghề truyền thống khá nhiều, họ tự lập thành từng nhóm, tổ với những công việc làm vật dụng săn bắt thú, nghề gốm, thuần dưỡng voi… nhưng hiện đều đã ngừng hoạt động. Riêng nghề mộc thủ công (được chia làm nhiều loại như mộc nhà sàn, mộc nhà dài, điêu khắc tượng nhà mồ…) ngày trước có từng buôn làm chuyên nghiệp, nhưng đến nay cũng tan rã; một số người còn giữ được nghề thì đã già yếu, còn lớp trẻ bây giờ không thiết tha nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, một số nghề hiện còn lưu giữ thì các nguyên liệu tạo nên sản phẩm truyền thống cũng không còn nguyên bản như xưa: nghề dệt thổ cẩm trước đây được làm rất kỳ công, phải trồng bông, kéo sợi, nhuộm sợi bằng các loại cây lá trong rừng như lá cây mo, truôn nhây, kpai, tờ rum, nay chuyển sang sợi chỉ, sợi len nhuộm phẩm công nghiệp; trước kia men rượu cần phải làm từ rễ xây xanh, cây chít, cam thảo nay tự chế với nguyên liệu mới, thậm chí dùng men Trung Quốc; tượng nhà mồ xưa kia được điêu khắc bằng những loại gỗ hương, cà chít nay thay bằng gỗ tạp… Sự thay đổi về nguyên liệu, chất liệu sản phẩm đầu vào và quá trình sản xuất đã khác xưa, nhưng vấn đề đáng lo ngại là có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như việc làm men rượu cần hiện nay.

Cần tập trung xây dựng thương hiệu của nghề

Xưa nay, bà con DTTS tại chỗ rất ít quan tâm đến các nghề truyền thống của mình bởi quan niệm đó chỉ là nghề phụ, làm cho vui chứ không phải để phát triển kinh tế, mà làm nông mới là chính. Theo họ, nghề truyền thống vẫn chưa phải là phương thức chủ yếu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi đó nghề truyền thống được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách tam nông của Đảng đề ra. Vì vậy, trước hết, các đơn vị làm nghề thủ công truyền thống cần đa dạng hóa các sản phẩm làm ra, với nhiều mẫu mã, tính năng và thẩm mỹ… phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Từ các sản phẩm dệt thổ cẩm cũ, cần sáng tạo thêm những sản phẩm mới như dây lưng, ví tiền, ba lô, túi đựng điện thoại… (hiện nay có HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông ở xã Ea Kao, Buôn Ma Thuột đang vận dụng, tạo công việc bán thời gian cho 40 lao động là phụ nữ trong xã, mỗi hội viên có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng); đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một số công đoạn của nghề mây tre đan (đan gùi, rổ, sọt, bàn ghế…) từ việc cơ giới hóa khâu chẻ, vót nan, xử lý hóa chất chống ẩm mốc, mối mọt, sẽ cho ra những sản phẩm đồng đều, đẹp, chất lượng bền và tạo được niềm tin, thương hiệu trong lòng khách hàng. Bên cạnh đó, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm phải luôn được coi trọng, cụ thể như tham gia hội chợ, triển lãm, biểu diễn thời trang thổ cẩm, mạnh dạn ký kết các hợp đồng sản xuất lớn đối với khách hàng trong, ngoài tỉnh.

Cùng với sự nỗ lực của chính các đơn vị làng nghề, thì các ban, ngành hữu quan các cấp trong tỉnh cần có chủ trương, kế hoạch để tăng cường mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp với nghệ nhân và mở rộng các hình thức dịch vụ cho làng nghề; tăng cường sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích giữa 3 nhà: nhà nghiên cứu khoa học với các nghệ nhân và nhà doanh nghiệp… chỉ có như vậy mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phát triển, hướng tới xây dựng làng nghề bền vững trên địa bàn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc