Multimedia Đọc Báo in

Níu giữ khung cửi cho buôn làng

07:58, 27/11/2012

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc bản địa và luôn được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề dệt thổ cẩm chỉ còn tồn tại lay lắt, sản xuất cầm chừng bởi sản phẩm tiêu thụ chậm, rơi vào cảnh đìu hiu “chợ chiều”.

Sản phẩm ế ẩm

Nhìn đoàn du khách chọn những tấm khăn, chiếc túi… bằng thổ cẩm dệt máy đủ màu sắc theo kiểu truyền thống của dân tộc Chăm, của người Lào, Amí Thái (người bán hàng lưu niệm bên hồ Lak) thở dài: “Thổ cẩm dân tộc tại chỗ ế ẩm quá, chẳng bán được mấy, trong khi đó, hàng thổ cẩm công nghiệp nhập ở nơi khác về thì khách có vẻ chuộng hơn”. Tương tự ở khu du lịch Buôn Đôn, hàng ngày có rất nhiều du khách tới tham quan và mua đồ lưu niệm nhưng thỉnh thoảng mới có người hỏi mua đồ thổ cẩm. Chị H’Bui, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm cho biết: “khách du lịch đến đây thường tìm mua nhẫn lông voi, đồ gỗ mỹ nghệ, hồi trước đồ thổ cẩm còn bán chạy chứ mấy năm gần đây người ta ít mua, mà có mua cũng tìm hàng thổ cẩm dệt công nghiệp may kiểu thời trang chứ không mua đồ dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc ở đây”…

Du khách mua đồ lưu niệm ở cửa hàng bên hồ Lak.
Du khách mua đồ lưu niệm ở cửa hàng bên hồ Lak.

Dạo qua một vòng các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột cũng dễ nhận thấy mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống đang trong cảnh đìu hiu “chợ chiều”. Chị Hương, một chủ hiệu bán đồ mỹ nghệ, lưu niệm trên đường Phan Bội Châu chia sẻ: Đồ thổ cẩm giờ treo cho đẹp gian hàng vậy chứ bán chậm lắm. Du khách thường ít mua đồ thổ cẩm dệt thủ công truyền thống nguyên mẫu của đồng bào dân tộc tại chỗ vì hoa văn và màu sắc đơn điệu, giá trị sử dụng không cao mà giá bán lại đắt hơn so với đồ dệt công nghiệp.

Trên thực tế thì chính cuộc sống của người dân tộc thiểu số bản địa cũng đã xa rời các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, trong nhiều gia đình không hề có một sản phẩm nào liên quan đến thổ cẩm. Có những buôn đồng bào dân tộc thiểu số mà trong dịp lễ, hội, phóng viên báo, đài muốn ghi lại hình ảnh người dân mặc đồ thổ cẩm nhưng rất khó, huy động cả buôn chỉ được 2 cái áo truyền thống... Trong khi đó, trên thị trường, các mặt hàng thổ cẩm chỉ có giá trị làm quà lưu niệm. Cho nên, nếu mẫu mã, họa tiết hoa văn không có sự cải tiến, không đa dạng, phong phú sẽ khiến du khách nhàm chán và ế ẩm là điều đương nhiên…

Buôn làng treo khung cửi

Sản phẩm dệt thổ cẩm khó tiêu thụ khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc phải treo khung cửi. Amí Mirian ở buôn Alê A (phường Ea Tam - TP. Buôn Ma Thuột) buồn rầu tâm sự: Mình biết dệt vải từ khi dang hết 2 tay mới bằng khung cửi, mấy chục năm nay vẫn thường xuyên dệt vải và thu nhập của gia đình một phần dựa vào đó. Nhưng từ khi HTX dệt thổ cẩm của buôn giải thể, khung cửi đành dẹp về một góc. Thỉnh thoảng rỗi rãi, nhớ nghề và sợ quên mất mình lại mang ra dệt vài thứ vật dụng trong nhà…

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cùng với những khó khăn chung, nghề dệt thổ cẩm cũng điêu đứng, hàng loạt các HTX dệt thổ cẩm bị giải thể hoặc tồn tại trong điều kiện khó khăn, lay lắt. Chị H’Dăm Niê, Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) nói: Chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho xã viên có việc làm tuy không thường xuyên như trước đây, nhưng cũng thêm vào thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ ở buôn Ayun, xã Ea Kuêh (Cư M’gar).
Truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ ở buôn Ayun, xã Ea Kuêh (Cư M’gar).

Nghề dệt thổ cẩm từng hiện hữu trong hơn một nửa hộ dân ở buôn Trinh (Thị xã Buôn Hồ) nay cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Amí Linh, một trong những người già nhất buôn móm mém tâm sự với vẻ đượm buồn: Người trẻ sau này rồi sẽ không biết đến nghề truyền thống của đồng bào mình, nghề dệt thổ cẩm mà mất đi thì như mất một phần hồn của buôn làng rồi…

Những mặt hàng dệt thổ cẩm của bà con hiện nay chủ yếu là, túi xách, tấm khăn, chăn đắp, váy, áo…  Nhưng ở hầu hết các hợp tác xã dệt, xã viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ít tiếp cận, theo kịp với xu thế thời trang nên sản phẩm làm ra đơn điệu và thô mộc… Hơn nữa, hầu hết các HTX không có nguồn vốn để mua nguyên liệu đành phải ứng trước sợi, vải từ các cửa hàng, dệt xong đem gửi trả lại cho họ bán, trừ tiền ứng rồi, còn lại chỉ vài ba chục nghìn đồng/ngày công thì xã viên khó sống được bằng nghề. Thực tế cho thấy, nghề thổ cẩm muốn sống được, sống tốt thì phải là một sản phẩm của du lịch, nhưng hiện nay mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát. Theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm thì để cứu nghề truyền thống này trước nguy cơ mai một, cần phải có sự quan tâm từ các cấp chính quyền. Cụ thể, cần phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, từ đó mới có kênh tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, Đề án về Bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, một nội dung được chú trọng là tạo điều kiện để HTX dệt thổ cẩm vay vốn với lãi suất thấp, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, xây dựng cẩm nang thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời gắn du lịch với làng nghề… Hy vọng, đây sẽ là “cứu cánh” cho nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.