Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực làm theo gương Bác

23:42, 10/11/2012

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh tiếp tục trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Cùng làm theo gương Bác

Có thể khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ được cán bộ, đảng viên chú tâm thực hiện mà các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh cũng tham gia hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chỉ tính riêng khoảng thời gian hơn một năm rưỡi qua, kể từ ngày triển khai Chỉ thị 03, toàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều cách làm theo gương Bác rất sáng tạo, góp phần tích cực tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Huyện Cư Kuin có chương trình “Tiết kiệm làm theo lời Bác”, vận động mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đang hưởng lương từ ngân sách cứ 3 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng; đảng viên không hưởng lương từ ngân sách cứ 7 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội cứ 10 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng để góp tiền hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo. Từ số tiền tiết kiệm được, huyện đã và đang xây 7 nhà tình nghĩa trị giá 380 triệu đồng, làm 1 sổ tiết kiệm 5 triệu đồng và 100 suất quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo. Hiện tại, chương trình này đang tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Theo dự kiến của Huyện ủy Cư Kuin, đến hết năm 2012 này, số tiền tiết kiệm được sẽ vượt con số 1,250 tỷ đồng.

Tương tự, tại huyện Cư M’gar, cũng bằng hình thức tiết kiệm một phần chi tiêu, chỉ trong khoảng thời gian chừng 5 tháng qua, các cán bộ (đương chức và hưu trí), đảng viên, đoàn viên, hội viên… đã dành dụm được khoảng 130 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo trong huyện. Cũng tại huyện Cư M’gar, ngoài thực hiện phong trào mang tính toàn huyện nêu trên, tại mỗi cơ quan, đơn vị còn có những phong trào riêng lẻ, như: Chi nhánh NH NN&PTNT huyện có phong trào “3 đúng, 3 xây, 3 chống” trong giải quyết hồ sơ vay vốn; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có các phong trào “Ống tre tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tổ nhóm tiết kiệm”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”… thu được hàng trăm triệu đồng và hàng chục nghìn tấn gạo giúp hội viên, gia đình chính sách, hộ nghèo hoặc khó khăn đột xuất do thiên tai, lũ lụt. Tại huyện Ea Kar, nhiều cá nhân đã góp tiền của, công sức xây dựng nông thôn mới. Điển hình như nhân dân xã Ea Ô hiến đất đai, cây trồng, tài sản trị giá 4,1 tỷ đồng làm 44km đường giao thông thôn, xóm trị giá 5,1 tỷ đồng; xã Ea Sar san ủi mở rộng 3km đường nông thôn, trị giá công trình gần 750 triệu đồng. Đặc biệt, có những cá nhân tự nguyện hiến đất đai, tài sản để triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, như: ông Bàn Tiến Thọ (xã Ea Sar), hiến 960m2 đất và các loại cây trồng, trị giá trên 60 triệu đồng; ông Đặng Quang Lực (xã Ea Týh) hiến 300m2 đất và tường rào, trị giá 120 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Tình (Ea Ô) hiến 800m2 đất, trị giá 30 triệu đồng…

Tham gia đóng góp công sức xây dựng các công trình dân sinh ở địa phương.
Tham gia đóng góp công sức xây dựng các công trình dân sinh ở địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng trong tư tưởng, tình cảm, ý thức của mỗi người, khó có thể đo đếm được kết quả bằng những con số, ngôn từ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục: nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu chủ động, sáng tạo trong vận dụng thực hiện; lúng túng trong việc chọn nội dung, chuyên đề nghiên cứu, sinh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, hình thức chưa phong phú, sức lan tỏa chưa rộng do một số đơn vị chưa chú trọng phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình trong phong trào “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung khắc phục có hiệu quả những hạn chế nêu trên và chú trọng vào một số nội dung chủ yếu, gồm: đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể bằng những hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị được giao; giải quyết những vấn đề nổi cộm, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng chi bộ, cơ quan, đơn vị gắn với quy định về những điều đảng viên không được làm. Mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đã xây dựng, báo cáo chi bộ, cơ quan, đoàn thể nơi mình sinh hoạt, cuối năm lấy kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức là một trong những tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng, đánh giá kết quả phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân, tập thể. Tiếp tục tổ chức giới thiệu, học tập một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghiên cứu, liên hệ, trao đổi nội dung chuyên đề trong sinh hoạt hàng tháng của chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị. Tăng cường giáo dục đạo đức, phong cách, lối sống trong thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sinh động, phong phú, phù hợp đặc điểm tuổi trẻ. Cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; khen thưởng, biểu dương, phổ biến kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả song song với việc phê phán, chấn chỉnh những đơn vị, địa phương triển khai một cách hình thức…

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.