Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở xóm nhỏ ven đô

13:44, 03/11/2012

Nằm cách Trung tâm TP.Buôn Ma Thuột chừng 15 km, nhưng xóm Suối Nước (tên thường gọi của người dân địa phương), xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột như một ốc đảo bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nhất là mỗi khi mùa mưa đến…

Gian nan đường vào xóm ốc đảo...

Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường vào xóm nhỏ. Gọi là đường nhưng thực ra đây chỉ là lối mòn được tạo ra do quá trình bà con đi lại sản xuất, bởi có đoạn chỉ vừa một người đi. Mặt đường nhỏ, độ dốc cao, mưa đến chỉ có người dân “bản địa” mới có thể điều khiển xe máy đi trên đoạn đường này. Kể về nỗi khổ trên đoạn đường, chị Tống Thị Vĩnh nhớ lại, hồi giữa tháng 8, lúc đứa con trai của chị bị bệnh nặng, do mới vào đây sinh sống nên anh chị không quen đường đi, phải nhờ người bà con chở đến bệnh viện. Do đường quá trơn, lại ngoằn ngoèo, đứa con của chị gần như kiệt sức vì đường xấu, nên gia đình phải mượn thêm người dùng võng cõng con qua các triền dốc quanh co, khúc khuỷu. Không chỉ với gia đình chị Vĩnh, con đường này trở thành nỗi ám ảnh đối với tất cả người dân địa phương và cả với những ai một lần qua đây. Bởi thế, có gia đình cả tháng trời không biết đến việc đi chợ là gì. Những người không biết đi xe máy phải nhờ hàng xóm mua giùm thực phẩm hoặc ăn tạm những gì có sẵn như bầu, bí, rau các loại và cá khô. Đường xấu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và quá trình phát triển kinh tế của người dân nơi đây, do không thông thương được với các xã lân cận, các trung tâm kinh tế nên việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm đầu ra và vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, chưa kể chi phí vận chuyển cao, sản phẩm bị ép giá, khiến công sức lao động của người dân bỏ ra không đáng là bao. Ông Nguyễn Công Dung, một người sống ở vùng này 6 năm chia sẻ: nông sản làm ra đã khó khăn do địa hình có độ dốc cao, chi phí mua phân bón phải mất thêm tiền vận chuyển, nhưng hàng hóa lại không bán được. Những hôm nắng ráo, may ra có thương lái tìm vào, nhưng mua với giá thấp hơn nhiều so với nơi khác, còn trời mưa thì buộc phải thuê xe càng hoặc xe trâu mới vận chuyển hàng hóa ra ngoài được. Được biết, để vận chuyển mỗi chuyến nông sản ra ngoài trung tâm xã (chỉ khoảng 5km), người dân phải trả chi phí khoảng 500.000 đồng và mỗi bao phân phải trả thêm 10.000 đồng tiền thuê xe. Suối Nước vào mùa mưa giống như một ốc đảo lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Vì thế, dù cách trung tâm xã Ea Kao không xa, nhưng hầu như người dân ở khu vực lân cận không ai biết đến xóm nhỏ này. Thậm chí, một số hộ có bà con ở nội thành Buôn Ma Thuột nhưng sống ở đây cả mấy năm trời không có nổi một người thân đến thăm (!).

Việc vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.
Việc vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.

Còn lắm gian truân!

Xóm Suối Nước có khoảng 40 hộ sinh sống, trong đó gần một nửa có hộ khẩu thường trú tại TP.Buôn Ma Thuột, số còn lại không thuộc địa bàn nào quản lý. Giữa bốn bề rừng núi, người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề, không điện, thiếu nước, nguồn nước sinh hoạt chính chủ yếu dựa vào dòng suối chạy dọc theo các triền núi, mùa mưa thì hứng nước mưa dùng, còn đến mùa khô, khi nước suối cạn kiệt phải dùng nước giếng, tự đào. Nhưng đào giếng ở đây cũng rất khó khăn, chỉ mấy mét là gặp đá, nên một số hộ phải đi xin nước của các hộ khác về dùng. Đêm đến, đèn dầu là thứ ánh sáng duy nhất có nơi xóm nhỏ này, bởi vậy, ở góc bếp của mỗi gia đình không bao giờ hết muối ăn, dầu thắp sáng và bật lửa. Không điện, nước, không ti vi và cả sóng điện thoại cũng lúc được lúc mất, nên việc kết nối với thế giới bên ngoài của người dân xóm Suối Nước cũng rất khó khăn. Muốn sạc pin điện thoại người dân phải mua ắc quy hoặc cứ 5-7 ngày, khi có người ra ngoài trung tâm xã thì gửi kèm điện thoại nhờ sạc pin…; vì thế nên những người sống ở xóm nhỏ chủ yếu là tuổi trung niên hoặc trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi đi học. Ngoài các hộ dân ở đây từ lâu có được đất sản xuất từ việc khai hoang hoặc mua lại của người khác, một nửa số hộ còn lại mới vào đây sống chủ yếu dựa vào làm thuê cuốc mướn. Chẳng hạn, hộ anh Phan Phú Tâm, do sống chung với bố mẹ trong nhà đông người, lại không có công ăn việc làm nên vợ chồng anh đành phải khăn gói vào đây ở tạm tại căn chòi của một chủ rẫy cà phê, khi nào đến mùa thu hoạch, thì phải chuyển đến chỗ ở khác. Bởi vậy, mới chỉ đến đây hơn 1 năm, gia đình anh đã phải 2 lần chuyển chỗ ở. Không có đất sản xuất, không một đồng vốn, đứa con trai 1 tuổi của vợ chồng anh luôn trong tình trạng khát sữa. Khi nào ông bà ngoại (ở tận Thanh Hóa) gửi cho ít tiền mới có tiền mua sữa cho con. Anh bộc bạch, cuộc sống của vợ chồng anh rất cơ cực, nhưng không còn chỗ nào để ở nữa nên đành cư ngụ tại đây.

Việc xâm canh đất đồi núi để làm nương rẫy của các hộ dân ở đây vẫn diễn ra hằng ngày, khiến đất đai bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ lở núi, nguy hiểm đến tính mạng của họ và gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, nhất là vấn đề trật tự an ninh khu vực.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.