Đa dạng các hình thức truyền thông nâng cao chất lượng dân số
Dak Lak có quy mô dân số hơn 1,8 triệu người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31% dân số); trình độ dân trí không đồng đều; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế… Trước những thách thức đó, để thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, vấn đề truyền thông chuyển đổi hành vi cho người dân là giải pháp được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đặt lên hàng đầu.
Một trong những “kênh” truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình phát huy hiệu quả cao là hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của 184 cán bộ chuyên trách và hơn 3.474 cộng tác viên dân số. Bằng tâm huyết và sự nhiệt tình, đội ngũ này đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số, pháp lệnh dân số sửa đổi; vận dụng sáng tạo trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân; cung cấp thông tin với nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình từng vùng, từng đối tượng.
Vận động sự vào cuộc của toàn xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Hằng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã ký kết với các ban ngành, đoàn thể; vận động sự tham gia của các tổ chức, những người có uy tín… phối hợp thực hiện công tác dân số. Từ đó, người dân cũng như các hội viên trong các tổ chức đoàn thể, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Nam giới với việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” và mô hình tư vấn sức khỏe vị thành niên-thanh niên… Các hội viên đã gương mẫu thực hiện và tham gia tuyên truyền, vận động làm chuyển biến hành vi của cộng đồng.
Việc triển khai Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” đã góp phần quan trọng làm chuyển biến về nhận thức, tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình của người dân. Ở nhiều thôn, buôn, tổ dân phố, các chỉ tiêu về công tác dân số cũng được đưa vào trong quy ước, hương ước… và thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã trở thành một trong những tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở dân cư” trong bình xét gia đình văn hóa, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa.
Nhờ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi dưới nhiều hình thức nên nhận thức của xã hội về dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh hiện đại đạt 72,4%; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên nay chỉ còn 1,27%; hằng năm mục tiêu giảm sinh luôn đạt so với chỉ tiêu đề ra và đạt từ 0,8%o đến 1%o; tuổi thọ bình quân 69 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 25%... Những kết quả đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân: Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 975 USD/người/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 70%...
Thúy Khuyền
Ý kiến bạn đọc