Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm thất nghiệp: Sau 3 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc

10:25, 12/01/2013

Sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ tính ưu việt, tác động trực tiếp tới người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, từ năm 2010 đến nay, số đơn vị, doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và số người được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp theo đó cũng tăng lên. Đến thời điểm này, Dak Lak có gần 5.500 lượt đơn vị doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 253.000 lượt người, với tổng số thu gần 150 tỷ đồng. Tính đến tháng 10-2012, đã thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 6.155 lao động với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng. Đáng chú ý, số người đăng ký thất nghiệp ngày càng tăng, cụ thể, năm 2011, toàn tỉnh có 2.323 người đăng ký, tăng 65% so với năm 2010 thì trong 10 tháng của năm 2012 số người đăng ký thất nghiệp là trên 3.200 người, tăng 39% so với cả năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị chức năng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, bên cạnh những mặt tích cực mà chính sách này mang lại thì vẫn bộc lộ không ít bất cập. Điều này thể hiện ở quy trình chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, thời gian đăng ký thất nghiệp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp và thông báo tình trạng tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định trong thời hạn 7 ngày người lao động mất việc làm phải đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm và phải nộp đầy đủ hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký. Đây là khoảng thời gian khá ngắn, nên nhiều trường hợp người sử dụng lao động không kịp thời xác nhận, dẫn đến việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12-36 tháng đều được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp là không phù hợp, dễ bị lợi dụng và không công bằng cho người lao động (người đóng 12 tháng được nhận trợ cấp bằng người đóng 36 tháng). Ngoài ra, quy định người làm việc trong các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng thể hiện nhiều bất cập, là “kẽ hở” để doanh nghiệp “lách luật”, giảm số lao động xuống dưới10 người để không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp; về phía người lao động, đây là những người có nguy cơ mất việc làm cao, cần quan tâm hỗ trợ nhưng lại không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện được tính nhân văn, giúp người lao động giải quyết được những khó khăn trong thời gian chưa có việc làm. Tuy nhiên, với những bất cập, tồn tại như hiện nay, thì các cơ quan chức năng nên có sự xem xét, điều chỉnh để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.