Multimedia Đọc Báo in

“Cổng trường an toàn giao thông”: Góp phần xây dựng văn hóa giao thông

08:15, 09/01/2013

Trước thực trạng vi phạm an toàn giao thông trong giới trẻ có xu hướng tăng, Trường THPT Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột) đã chú trọng thực hiện việc giáo dục cho học sinh kiến thức an toàn giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ tại buổi giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ tại buổi giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”.

Trường THPT Lê Quý Đôn có gần 1.700 học sinh, trước đây vào giờ tan học cảnh tượng học sinh ùa ra, chen lấn, dàn hàng ngang, tụ tập chờ nhau trên lòng đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên. Sau khi nhà trường triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, những hiện tượng trên đã giảm hẳn, thay vào đó là sự trật tự, an toàn và nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh. Để duy trì nền nếp, Đoàn trường đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường thành lập Đội thanh niên xung kích, thường xuyên hoạt động tại cổng trường vào đầu giờ và cuối mỗi buổi học để phân làn, nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc cục bộ và phòng ngừa xảy ra tai nạn. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ngay từ đầu năm học, Ban Chấp hành Đoàn trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Đội Thanh niên xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông và phân công các phần việc cụ thể. Hằng tuần, thông qua giờ chào cờ, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường lồng ghép tuyên truyền những kiến thức liên quan đến Luật Giao thông đường bộ. Trường cũng thành lập Ban Nề nếp do Hiệu phó nhà trường làm Trưởng ban, Tổ Pháp chế công tác học sinh do Bí thư Đoàn trường làm tổ trưởng nhằm tuyên truyền, giáo dục các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; đồng thời tổ chức các diễn đàn, hội thi, hội diễn; vận động học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; thường xuyên mời Cảnh sát Giao thông tới trường tập huấn, phổ biến và tư vấn trực tiếp các nội dung liên quan đến Luật Giao thông đường bộ cho giáo viên, học sinh.

 Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, Đoàn trường đã chủ động đổi mới nội dung và hình thức thực hiện, xây dựng các tiêu chí cơ bản về ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông như học sinh không được uống rượu bia, khi tham gia giao thông không chở số người quá quy định, không lạng lách đánh võng, đi hàng 3 hàng 4 trên đường. Việc xử lý học sinh vi phạm, ngoài biện pháp phạt hành chính của lực lượng chức năng, nhà trường đề nghị Công an gởi thông báo về trường để Ban Giám hiệu có biện pháp xử lý như: hạ bậc hạnh kiểm, cảnh cáo trước toàn trường, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh tìm biện pháp giáo dục. Thầy Nguyễn Văn Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi năm trước đây trường có hàng chục học sinh vi phạm an toàn giao thông nhưng nay chỉ có 2-3 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các em học sinh khối lớp 10 còn nhiều bỡ ngỡ”.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.