Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn phong trào Thanh niên tình nguyện

08:01, 11/01/2013

Phong trào Thanh niên tình nguyện đã trở thành một trong những hoạt động mang đậm sắc thái tuổi trẻ, thể hiện nét đẹp vì cộng đồng. Từ việc giúp nhân dân làm nhà, làm đường, thắp nến tri ân, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, khám chữa bệnh cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… tuổi trẻ tỉnh nhà đã đảm nhận hàng trăm công trình, phần việc mang “thương hiệu” thanh niên.

Thanh niên tình nguyện hè chung tay cùng nhân dân làm sân chơi cho thanh thiếu nhi xã vùng xa Ea Ô.
Thanh niên tình nguyện hè chung tay cùng nhân dân làm sân chơi cho thanh thiếu nhi xã Ea Ô.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Xã Ea Ô (huyện Ea Kar) những ngày cuối năm rộn ràng niềm vui mùa màng bội thu. Trên con đường làng bằng phẳng, các em học sinh vừa tan trường tíu tít nô đùa. Trên cánh đồng, người nông dân chất những bó lúa vàng rộm lên xe để trở về nhà sau một ngày hăng say lao động. Màn đêm vừa buông xuống, trục đường chính thôn 7A đã sáng trưng ánh điện. Ông Lãnh Văn Hạng, trưởng thôn phấn khởi cho biết: “Đó là hệ thống điện thắp sáng với chiều dài hơn 1,5km do các cháu sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) hè vừa rồi về tình nguyện làm tặng dân làng. Có điện sáng sủa, năm nay bà con cũng ăn tết sẽ vui hơn”. Trước đây chưa có hệ thống chiếu sáng ban đêm, đoạn đường này thường xảy ra tai nạn giao thông, thanh niên hay tụ tập gây gổ, người già không dám ra đường vì sợ xe cộ chạy ẩu… Nhưng giờ thì mọi thứ đã khác, đường sá đi lại thuận lợi, ban đêm cả làng sáng trưng như một thị trấn nhỏ. Lợi ích thấy rõ nên mỗi hộ dân trong thôn ai cũng vui vẻ góp thêm từ 5 - 7 nghìn đồng/tháng để trả tiền điện.

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã đi qua nhưng với người dân xã Ea Ô, dấu ấn những công trình, phần việc của thanh niên tình nguyện vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, thanh niên tình nguyện đã tổ chức dọn vệ sinh môi trường, ủng hộ, giúp đỡ ngày công làm 2 căn nhà tặng 2 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 2 sân bóng chuyền cho thanh thiếu niên thôn 1A và 2C; làm đường điện thắp sáng, tu sửa 2km đường liên thôn, làm mới 3 cây cầu, sửa  chữa 2 căn nhà cho các hộ nghèo; góp hàng trăm ngày công lao động thu hoạch mùa cho các hộ gia đình chính sách… Ông Phùng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết: “Sự giúp sức từ nhiều phía, trong đó có lực lượng thanh niên tình nguyện đã góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay xã đã đạt 8 tiêu chí,  gần đạt 3 tiêu chí là văn hóa, thủy lợi và quy hoạch. Theo Đề án xây dựng nông thôn mới, xã phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí của cuộc vận động”.

 Đoàn  y - bác sĩ  trẻ tư vấn  sức khỏe  cho người dân xã Ea Bung (Ea Súp).
Đoàn y - bác sĩ trẻ tư vấn sức khỏe cho người dân xã Ea Bung (Ea Súp).

Một hoạt động Đoàn có sức lan tỏa mạnh mẽ là xây dựng nhà nhân ái tặng các gia đình cán bộ Đoàn, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống… Trong năm Hội LHTNVN tỉnh đã khởi công xây dựng 13 căn nhà trị giá 395 triệu đồng, các cấp bộ Hội trực thuộc xây dựng và sửa chữa 67 căn nhà, với tổng trị giá 1.248 triệu đồng. Anh Y Le Byă, thanh niên buôn Mrê (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được nhận ngôi nhà kiên cố do Hội LHTNVN tỉnh xây tặng, xúc động nói: “Đây là món quà  tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến, có nhà rồi  gia đình tôi sẽ an tâm làm lụng để ổn định cuộc sống”.

Xung kích, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Về với đồng bào vùng sâu, vùng xa khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí là một trong những hoạt động thường xuyên của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh. Đến xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) vào một ngày cuối năm, khi theo đoàn y-bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ về khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân nơi đây, tôi mới cảm nhận được sự nhiệt tình các bạn trẻ mang trên mình chiếc áo Blue. Nơi đây đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Anh Nguyễn Bá Phát, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh Viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Cứ mỗi đợt khám chữa bệnh cho người dân, chúng tôi lại phát hiện nhiều người bị các bệnh nguy hiểm, bệnh mãn tính như: thần kinh, xương khớp, bệnh tim, thiếu máu... qua đó có những chỉ định điều trị cụ thể. Chúng tôi thấy tự hào vì đã góp một phần nhỏ sức lực của mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”. Bà Nguyễn Thị Minh (58 tuổi) ở thôn 5, mắc nhiều căn bệnh, trong người thường xuyên đau nhức, mệt mỏi, khó thở nên rất phấn khởi khi được các bác sĩ trẻ tận tình thăm khám, cấp thuốc và hướng dẫn cách sử dụng. Bà Minh chia sẻ: “Năm trước có đoàn thầy thuốc về khám, cho thuốc thấy bệnh tình cũng thuyên giảm, nay lại được bác sĩ trẻ về tận thôn thăm khám, phát thuốc tôi vui lắm. Mong rằng các bác sĩ trẻ sẽ tổ chức nhiều đợt tình nguyện như thế này để người dân nghèo nơi khác cũng được chăm sóc như tôi”.

Bác sĩ Ngô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết: “Công việc ở các bệnh viện lúc nào cũng quá tải, song với trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng, mỗi năm Hội đều tổ chức hàng chục đợt khám bệnh tình nguyện, động viên hội viên sắp xếp công việc cùng tham gia”. Những chuyến đi thực sự có ý nghĩa khi đoàn tình nguyện đến những nơi còn nhiều khó khăn, đặc biệt quan tâm đối tượng là thương, bệnh binh, gia đình chính sách, cựu TNXP, trẻ em khuyết tật và người già, hộ nghèo. Chỉ tính năm 2012, Hội Thầy thuốc trẻ các cấp đã phối hợp tổ chức 37 hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho 17.125 người dân với tổng kinh phí khoảng 897 triệu đồng. "Mỗi chuyến đi là một lần chúng tôi được trải nghiệm thực tế và chia sẻ khó khăn với người dân vùng sâu vùng xa. Niềm vui lớn mà chúng tôi nhận được là sự tin tưởng của người dân, là sức khỏe của cộng đồng -  Bác sĩ trẻ Ngô Thị Linh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tâm sự.

Năm 2012 công tác Đoàn bám sát chủ đề “Thanh niên Dak Lak chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng văn minh đô thị”. Anh Y Vinh Tơr, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết: “Để phong trào đi vào chiều sâu, tác động đến suy nghĩ, hành động của đoàn viên thanh niên, đoàn thanh niên các cấp đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc cụ thể, phù hợp và đã triển khai khá hiệu quả”.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.