Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ cơ sở

07:33, 15/01/2013

Tình cảm, trách nhiệm của người cầm bút chính là được đi, được trải nghiệm thực tế, thể hiện qua những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống. Sự gắn bó mật thiết giữa phóng viên và cơ sở là yếu tố quan trọng giúp thông tin được phản ánh một cách sinh động, vừa bảo đảm tính trung thực, kịp thời, vừa hướng đến cộng đồng, gần hơn với cuộc sống và tạo hiệu ứng xã hội sâu sắc.

Học cách tuyên truyền xây dựng nông thôn mới từ Báo Dak Lak

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn 7 xã Ea Bar  đã tự nguyện đóng góp ngày công, giải tỏa mặt bằng  để bê tông hóa đường nội thôn.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn 7 xã Ea Bar đã tự nguyện đóng góp ngày công, giải tỏa mặt bằng để bê tông hóa đường nội thôn.

Đưa chúng tôi đi tham quan hội trường mới khang trang ngay cạnh căn nhà gỗ cũ, xiêu vẹo được tận dụng làm nơi sinh hoạt, hội họp trước đây, Trưởng thôn 8 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) Nguyễn Châu Sơn cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng, Ban tự quản (BTQ) thôn đã huy động người dân tham gia đóng góp và cùng xây dựng xong hội trường. Kết quả này cũng nhờ học theo những cách làm mà báo chí giới thiệu trong mục “Xây dựng nông thôn mới”, nhất là những bài viết được đăng tải trên Báo Dak Lak. Thông qua những mô hình, bài học kinh nghiệm về huy động sức dân, Ban tự quản, Ban phát triển thôn họp và thống nhất cách tuyên truyền, vận động nhằm huy động “nội lực” trong dân để xây dựng hội trường, từ việc họp lấy ý kiến người dân về mức đóng góp, thiết kế, thi công, giám sát công trình đến việc xuống từng cụm dân cư vận động, giải đáp băn khoăn, thắc mắc …Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Toàn, ngay sau khi được chọn làm xã điểm, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban Phát triển ở 21 thôn, buôn,  phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tìm tòi, thu thập những mô hình huy động đóng góp được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để đọc trên hệ thống loa truyền thanh xã và làm tài liệu tuyên truyền tại các buổi họp ở cơ sở. Ngoài Báo Nhân dân, Nông thôn ngày nay… thì Báo Dak Lak đã trở thành “người bạn đồng hành” của cán bộ, đảng viên ở tất cả các thôn, buôn trên địa bàn. Những tin, bài viết về xây dựng nông thôn mới đăng trên Báo Dak Lak được mọi người tìm đọc và áp dụng bởi đó là “người thực việc thực” ngay trên địa bàn tỉnh, có sức thuyết phục và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, giúp người dân nhận thức rõ nét hơn vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ở nhiều thôn, buôn, bà con đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, giải tỏa mặt bằng không đòi hỏi đền bù để mở rộng, nâng cấp đường, kéo điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, xây dựng hội trường, làm đường giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương… góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Nhịp cầu kết nối thông tin cơ sở

Các  phóng viên tác nghiệp trên tàu  HQ 571  ở Trường Sa. (ảnh minh họa)
Các phóng viên tác nghiệp trên tàu HQ 571 ở Trường Sa. (ảnh minh họa)

HHằng năm giữa Báo Dak Lak và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng-quân sự trên địa bàn tỉnh thông qua việc thực hiện các chuyên mục quốc phòng toàn dân định kỳ mỗi tháng. Là phóng viên được phân công phụ trách tuyên truyền lĩnh vực này, gắn bó với lực lượng vũ trang tỉnh từ năm 2008 đến nay có lẽ tôi may mắn có được lực lượng bạn đọc hùng hậu, trung thành, ổn định nhất. Các chuyên mục được thực hiện đều đặn hằng tháng, đưa những thông tin phong phú, đa dạng về hoạt động của các Ban Chỉ huy Quân sự cơ sở luôn được các anh háo hức chờ đón, xem đó như là “món ăn tinh thần”, động viên cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Thông qua việc định hướng tuyên truyền hằng tháng của Ban Tuyên huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cũng như những đề tài phát hiện được, tôi ưu tiên tập trung tuyên truyền đúng trọng tâm, đúng thời điểm những hoạt động triển khai nhiệm vụ ở các cơ sở đã làm tốt công tác quốc phòng-quân sự, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, vì vậy có những thời điểm hoạt động tuyên truyền chỉ nhấn mạnh đến cơ quan quân sự địa phương nào đó. Là “người nhà” trong lực lượng vũ trang nên các anh chỉ huy “quá hiểu” điều ấy, song nhiều lúc điện thoại của tôi cũng nhận được những tin nhắn “trách móc”, “giận dỗi” vì lâu nay ít quan tâm tuyên truyền địa bàn các anh phụ trách. Thế là bất kể khi có hoạt động nào các anh cũng gọi điện thông báo, nhờ “phóng viên đến động viên anh em”, thậm chí các anh còn nhiệt tình, sẵn sàng cho xe lên đón về “gặp mặt anh em cơ sở”. Và sau khi tin tức đã đăng điện thoại tôi lại nhận được những cuộc gọi, tin nhắn cảm ơn về tình cảm, trách nhiệm của phóng viên đối với cơ sở. Cứ thế Báo Dak Lak ngày càng trở thành “sợi dây” nối kết, xây dựng, củng cố mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó với lực lượng vũ trang tỉnh, trở thành nhịp cầu kết nối thông tin giữa người phụ trách lĩnh vực đối với cơ sở.

Đường về cơ sở bớt xa…

Không khí lạnh kèm mưa nhỏ khiến tôi ngần ngại đi thôn Ea Nơh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 80 km để lấy tư liệu viết bài cho số báo Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Tôi gọi điện thoại đến Phòng GD-ĐT Krông Bông đề nghị giới thiệu về trường, Trưởng phòng không khỏi ái ngại: “Mùa này đi bản Mông vất vả đấy, phải ăn, ở trong bản với bà con phóng viên có chịu được không?”. Nghe tôi quả quyết: “Khó mấy em cũng đi” anh vui vẻ nói: “cô cứ xuống huyện sẽ có người đưa vào tận trường, ai lại nỡ để nữ phóng viên một mình lặn lội vào điểm trường vùng sâu, vùng xa cơ chứ”. Sáng hôm sau tôi đón chuyến xe buýt đầu tiên, đúng 6giờ 30 phút có mặt tại Phòng GD-ĐT huyện, cứ ngỡ chưa đến giờ hành chính sẽ làm phiền cơ sở nhưng đã thấy các thầy, cô giáo chờ sẵn. Xoa tay cho bớt lạnh, Trưởng phòng vỗ vai tôi: “Phóng viên vất vả quá, mưa gió, lạnh lẽo cũng phải đi cơ sở. Công việc cuối năm bận bịu lắm nhưng nhà báo đề nghị là tụi mình sẵn lòng ngay, mình là độc giả trung thành của Báo Dak Lak đấy nhé!”. Sự động viên chân tình đã xua tan những mệt nhọc của chặng đường dài gần 60 km trên xe buýt từ TP. Buôn Ma Thuột về Krông Bông, tôi tiếp tục hành trình khi các thầy thúc giục phải đi nhanh vào trường để còn kịp về trong ngày bởi mùa này hay mưa mà đường thì xấu. Suốt chặng đường hơn 20 km từ trung tâm huyện vào các điểm lẻ của Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) rồi đến tận nơi, tôi cảm nhận rõ rệt những khó khăn của các thầy, cô giáo bám lớp, bám trường để đem con chữ đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Quá ngỡ ngàng về điều kiện dạy và học thiếu thốn đủ bề, tôi thốt lên: “Liệu có ai biết về điểm trường với hơn 300 học sinh này không nhỉ?” Câu hỏi rơi vào khoảng không yên lặng khiến tôi bỗng áy náy như mình đã “lỡ lời”. Một lúc sau, thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong nói: “Cô đã đặt chân đến đây có nghĩa là mọi người đã biết về điểm trường, biết điều kiện dạy-học của thầy và trò nơi đây. Ít ra cũng đã có phóng viên Báo Dak Lak cảm thông, chia sẻ khó khăn với chúng tôi nên mới về thăm  trường”. Chia tay điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn, chia tay thầy, cô giáo nặng nợ với con chữ trong tôi ngổn ngang nỗi niềm. Dù sao, tình cảm của cơ sở dành cho phóng viên đã khiến tôi hiểu, thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.

Nguyễn Xuân - Đăng Triều - Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.