“Ông mối” cho voi
Ông Đàng Năng Long, người sở hữu nhiều voi nhà nhất Việt Nam (với số lượng 7 con, tại huyện Lak) và cũng là người đầu tiên, duy nhất hiện nay làm “ông mối xe duyên” cho voi nhà tại Dak Lak. Việc làm trái luật tục này bị nhiều người phản đối, nhưng ông vẫn quyết làm vì tình yêu và tâm huyết với voi.
Không sợ Yàng phạt...
Những ngày đầu ghép đôi cho voi, ông Đàng Năng Long đã bị các nài voi, chủ voi ở hồ Lak phản đối một cách quyết liệt. Đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ, voi là loài động vật thiêng liêng trong tâm thức nên việc sinh sản của voi phải được thực hiện ở trong rừng, nơi có thần rừng trú ngụ và chứng giám; voi con sinh ra không được phép có bàn tay thô tục của con người… Do vậy họ cho rằng đây là việc làm trái luật tục mà tổ tiên chưa từng làm, sẽ bị Yàng phạt nặng.
Ông Đàng Năng Long trong lần “ghép đôi” cho voi. |
Ông Long lý giải: Người dân phản đối việc ghép đôi voi là bởi trước đây chưa có tiền lệ. Mặt khác, do những quy định khắt khe trong luật tục tồn tại hàng đời qua như: Khi voi động dục sẽ khó bảo ban, điều khiển, chủ voi đực không được lợi gì vì voi con thuộc sở hữu chủ voi cái, trong khi đó lại bị phạt vạ nặng nếu làm voi cái bị thương khi giao phối; voi rừng ngày trước còn quá nhiều nên không cần phải mất hơn 5 năm (cả thời gian voi mang thai và huấn luyện voi con) để có thêm một chú voi mới. Ngoài chuyện luật tục thì việc ghép đôi voi cũng không đơn giản về mặt tự nhiên, vì voi cần không gian và thời gian để tìm hiểu nhau. Nếu voi không chịu thì có ép cách nào đi chăng nữa đều không ghép được.
Dù bị phản đối quyết liệt, nhưng với cách nghĩ mới và sự tâm huyết trong bảo tồn, duy trì nòi giống voi nhà nên ông Long vẫn quyết tâm làm. Hai đôi voi ông Long ghép thành công đầu tiên là voi Y Trut và voi H’Khun, Béc Khăm và H’Túc. Khi thấy đôi voi làm bạn bên nhau, và mặc dù voi cái chưa mang thai, nhưng đây là tín hiệu vui để ông tiếp tục triển khai ý tưởng của mình.
Trong năm 2012, ông Long tiếp tục ghép thành công thêm 3 đôi voi nữa. Đó là các đôi Ba Nan – Khăm Phăn, H’Khun (khác với H’Khun ở đôi đầu tiên) – Y Mâm, Khăm Sen – Y Chum. Trong đó, riêng voi Khăm Sen là của Y Thăn Uông, còn lại đều là voi của ông Long. Các đôi voi này đều trong độ tuổi sinh sản và hiện được nghỉ ngơi để tăng cơ hội mang thai.
Đàn voi nhà của ông Long phục vụ khách du lịch. |
“Tôi đang có dự định ghép voi H’Kun của khu du lịch Dray Sáp với một con voi đực khác ở huyện Lak (do voi đực Y Trut đã khá già). Voi H’Kun mới 19 tuổi nên nhiều thuận lợi hơn để mang thai”, ông Long chia sẻ dự định.
...Và những trăn trở
Nhiều nỗ lực đã bỏ ra nhưng vẫn chưa thu được kết quả, ông Long vẫn không nản chí. Ban ngày ông “núp kỹ” xem voi giao phối, tối về nghiền ngẫm tìm nguyên nhân, tự lý giải để đưa ra phương án mới.
“Voi tự nhiên khi đến tuổi thì được giao phối theo quy luật. Còn voi nhà bị cách ly giới tính quá lâu, hiện nay hầu hết đã “quá lứa” cả rồi. Chưa kể là rừng để voi tìm hiểu và thức ăn tự nhiên bây giờ ít hơn trước rất nhiều. Ngay cả bãi đất bằng để voi giao phối cũng hiếm hoi, khi rừng đã thành rẫy. Ở khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) có một con voi cái từng sinh sản, cơ hội để mang thai lần thứ hai cao hơn. Nhưng tiếc là ở đấy không có voi đực để ghép đôi và để mang voi đực đi khỏi tỉnh giao phối thì cần rất nhiều thủ tục, thời gian. Đến khi hoàn thành thủ tục thì voi hết động dục rồi…”, ông Long trăn trở.
Một biện pháp khác được ông Long đưa ra là tạo thuận lợi để ghép đôi voi giữa hai huyện Lak và Buôn Đôn, hay trao đổi voi cái trẻ ở Thảo cầm viên (TP. Hồ Chí Minh) với voi cái già trên địa bàn tỉnh để cơ hội voi cái mang thai cao hơn. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích các nài voi tham gia dự án “ghép đôi” voi chăm sóc tốt, tạo thuận lợi cho voi sinh sản bằng giải thưởng 100 triệu đồng/đôi voi mang thai.
Hà Thương
Ý kiến bạn đọc