Multimedia Đọc Báo in

Có những sinh viên xa nhà nhớ… tết

08:39, 18/02/2013

Cuối tháng chạp, những chiếc lá bàng đỏ rụng tả tơi, khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên, sinh viên hối hả mang ba lô ra các ngả đường đón xe về quê ăn tết sau những tháng ngày dài xa quê khiến không gian trở nên vắng lặng. Lúc này, những bạn sinh viên không có điều kiện về đoàn tụ cùng gia đình lại càng quay quắt nỗi nhớ cái tết đầm ấm nơi quê nhà.

Khóc trong đêm giao thừa

Kỹ sư Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Trung tâm phục vụ Học sinh Sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, hằng năm, trước khi nghỉ tết một tuần, nhà trường sẽ thông báo lịch đăng ký ở lại ăn tết cho các sinh viên tại khu ký túc xá của trường. Những em ở lại sẽ được nhà trường chuyển về ở một phòng, mua sắm hoa, quà, bánh tết và tổ chức giao lưu, ăn tất niên, lì xì cho các em đầu năm mới.

Một số sinh viên không có điều kiện về quê, phải đón tết một mình đã tranh thủ kiếm việc làm thêm để quên…tết. Chàng sinh viên Bùi Đình Dần, quê ở Nghệ An đã trải qua tuổi thơ đầy gian khó khi người cha qua đời lúc mới tròn 1 tuổi. Anh trai phải nghỉ học từ lúc lớp 7 để đi làm phụ giúp mẹ. Hoàn cảnh khó khăn nên trong những năm học cao đẳng, cậu đã phải ăn tết xa quê và tìm việc làm thêm để quên đi không khí tết. Dần chia sẻ: “Những năm trước, tết mà không có tiền về nhà em thường xin làm thêm ở các cây xăng, công việc nhẹ nhàng, lương khá cao, bán được nhiều còn có thưởng nữa. Đêm 30 tết, người đến đổ xăng nhiều, bận túi bụi, khi vãn khách cũng gần đến thời khắc giao thừa. Gọi điện thoại về nhà nghe không khí đón tết ở quê, em không khỏi tủi thân, buồn muốn rơi nước mắt”. Trong khi đó, với các bạn sinh viên học Khoa Y năm cuối ở Trường Đại học Tây Nguyên thì năm nào cũng phải ở lại trực tết, đón tết tại ký túc xá, bệnh viện. Bạn H’Kiên, quê ở Lâm Đồng, sinh viên Y khóa 04, Trường Đại học Tây Nguyên nhớ lại: tết Canh Dần 2010 là lần đầu tiên H’Kiên phải ăn tết xa nhà. Ban đầu nhận lịch trực tết, ai cũng xị mặt, bởi đón tết xa nhà ai mà chẳng buồn, chẳng nhớ. Trực đúng ngày 30, mùng 1 tết, công việc ngập đầu, hầu như giờ nào cũng có xe cấp cứu đến. Phần lớn là bị chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay…. phải đứng phụ mổ liên tục, khiến nỗi nhớ nhà vơi đi phần nào. Bên cạnh nỗi buồn nhớ tết quê thì những bác sĩ tương lai lại mang một nỗi niềm khác: nỗi buồn khi chứng kiến những người ra đi trong những ngày vui xuân đón tết. Còn những ngày không trực, nỗi nhớ gia đình càng da diết hơn khi thấy cảnh nhà nhà sum vầy bên nhau vui xuân đón tết. Do vậy, cả nhóm mở ti vi xem suốt đêm và ra “quy định”: “không ai được khóc vì nhớ nhà”. “Xa nhà ngày tết sao mà không buồn, không nhớ, khi có người thân điện thoại hỏi thăm, nước mắt tự nhiên trào lên, chỉ một tiếng nấc là cả phòng thút thít khóc theo”, H’Kiên chia sẻ.

Giao lưu đón tết tại Trường Đại học Tây Nguyê
Giao lưu đón tết tại Trường Đại học Tây Nguyên

Ký ức tết xa quê     

Những cái tết xa nhà luôn in đậm trong mắt các bạn sinh viên với những cảm giác, kỷ niệm riêng. Nhưng hầu hết các bạn đều mong tới ngày tựu trường, gặp lại bạn bè, người thân. Chị Bùi Kim Khánh, dân tộc Mường ở Nghệ An, cựu sinh viên lớp 04 khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên nhớ lại: “Năm đó tôi có lịch trực tết vào ngày 30 và mùng 4 tết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do vậy, nếu về cũng không có thời gian, điều kiện càng không cho phép nên tôi ở lại ký túc xá và được thầy giáo Nguyễn Văn Cương mời về nhà ăn tết. Đó là lần đầu tiên tôi gói bánh chưng, mua sắm tết, chuẩn bị mâm cỗ đón giao thừa…không phải ở nhà mình. Đến bây giờ, khi đã đi xa rồi, đã có việc làm ổn định tại Bệnh viện 30-4 ở TP. Hồ Chí Minh nhưng lâu lâu tôi vẫn về thăm gia đình cô thầy. Khi tết đến, những kỷ niệm xưa lại tràn về nguyên vẹn”. Với những bạn sinh viên, thời điểm đó, niềm mong chờ nhất vẫn là ngày tựu trường đông đủ bạn bè. Khi ở lại là buồn, là tủi, là khóc nhưng tết xong họ lại là những người hạnh phúc nhất khi được thầy cô hỏi thăm, bạn bè mang quà quê tới chia vui. Người thì cái bánh chưng, bánh giò, người thì kẹo, bánh… Cái yên lặng đáng sợ bị xua tan, sân trường đông vui trở lại.

Chị Bùi Kim Khánh (thứ hai từ phải qua) chụp hình lưu niệm với gia đình thầy Nguyễn Văn Cương
Chị Bùi Kim Khánh (thứ hai từ phải qua) chụp hình lưu niệm với gia đình thầy Nguyễn Văn Cương

Bạn Nguyễn Thị Thủy (quê Hà Tĩnh), cho biết: “Năm trước mình làm thêm ở các sạp bán quần áo, tạp hóa ở chợ để mua sắm quần áo mới. Đến chiều 30 thì về huyện Cư M’gar đón tết với bạn. Năm nay tuy đi làm rồi nhưng vẫn chưa dôi ra được bao nhiêu, mình dự tính kiếm việc làm thêm ở các quán cà phê, nhà hàng để vừa quên thời gian, vừa có tiền gửi về cho mẹ”.

Những năm gần đây, số lượng sinh viên ở lại trường ăn tết không nhiều như trước nhưng theo thầy Nguyễn Văn Cương, hằng năm vẫn có một số bạn không có được may mắn về đoàn tụ cùng gia đình đón tết. Trong ký ức của ông vẫn còn hình ảnh những cô cậu sinh viên đón tết xa nhà rất đáng thương. Ví dụ như, cách đây khá lâu, có chị em cô sinh viên mồ côi quê ở miền Bắc vào học ĐH Tây Nguyên nhưng quá nghèo nên phải ở lại trường đón tết. Gần tết mà trong phòng hai em chẳng có gì ăn, các thầy cô ở khu tập thể trường người cho ít gạo, người cho cái bánh chưng, bánh giò, gói kẹo và gom giấy báo cũ để hai chị em ra chợ bán, lấy tiền mua áo mới. “Có những sinh viên giờ đã thành đạt, đã công tác, sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn gọi điện về, vẫn nhắc lại những cái tết xa nhà thời sinh viên và coi đó là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời”, thầy Cương tâm sự.

Hoài Hương


Ý kiến bạn đọc