Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

00:22, 10/02/2013

Nếu trong chiến tranh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những “vũ khí” sắc bén nhất, nhân tố mang tính quyết định làm nên thắng lợi của những cuộc đấu tranh giữ nước, giành độc lập tự do cho dân tộc thì trong thời bình, sức mạnh ấy được phát huy để tiếp tục sứ mệnh cách mạng thiêng liêng của Đảng trong bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước phồn vinh.

Chiến sĩ biên phòng “3 cùng”  với vùng biên

Gắn bó với vùng biên Ea Súp từ những ngày mới vào quân ngũ, tình cảm quân – dân đã trở thành chất keo đặc biệt, tiếp thêm sức mạnh cho Phạm Văn Hiếu vượt qua những khó khăn, góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ an ninh nơi biên giới. Sau khi học xong lớp chuyển cấp lên đại học của Trường Đại học Biên Phòng ở Sơn Tây, tháng 8-2012 , Hiếu được phân công làm đội trưởng đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia R’vê. Là xã biên giới, địa bàn rộng lại mới được chia tách năm 2006 nên điều kiện phát triển kinh tế  của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 57% tổng số dân toàn xã. Để giúp người dân (chủ yếu là dân di cư theo dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng, với 20 thành phần dân tộc cùng sinh sống) đội của Hiếu đã thực hiện phương châm “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, với người dân.

“Thầy giáo” mang quân hàm xanh Phạm Văn Hiếu hướng dẫn các học viên trong lớp học xóa mù chữ ở Ia Rvê. (Ảnh: L.H)
“Thầy giáo” mang quân hàm xanh Phạm Văn Hiếu hướng dẫn các học viên trong lớp học xóa mù chữ ở Ia Rvê. (Ảnh: L.H)

Trên tinh thần chỉ đạo của đơn vị, đội của Hiếu đã giúp dân làm kinh tế qua việc tìm kiếm, thử nghiệm các mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: mô hình nuôi nhím ở gia đình ông Nguyễn Văn Sánh; 2 mô hình trồng khoai môn ở gia đình ông Hà Công Thức và Hà Văn Ăng ở thôn 13, 14. Không chỉ được gọi bằng cái tên quen thuộc “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, Hiếu cùng anh em chiến sĩ trong đội còn được người dân nơi đây gọi bằng 2 tiếng trân trọng: “thầy giáo!” Chính những thầy giáo mang quân hàm xanh ấy đã đem ánh sáng học thức đến cho nhiều em chưa biết đọc, biết viết nơi đây. Lớp học xóa mù được mở vào tháng 8-2012 với 27 học viên, độ tuổi khá đặc biệt: từ 15 đến 55. Bằng sự nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ cùng sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, chỉ sau 3 tháng các học viên đã biết đọc, biết viết. Phạm Văn Hiếu chia sẻ: “Nhìn các em, các chị, các cô, các bác say sưa đọc, say sưa viết mình như cảm nhận được niềm khao khát học chữ của họ. Đó là niềm vui nhưng cũng chính là sự động viên anh em trong đội không quản ngại vất vả, khó khăn để đêm đêm cùng bà con lên lớp, cùng ê… a  đánh vần với bà con.” Không chỉ làm nhiệm vụ bám địa bàn tại khu vực biên giới, đội của Hiếu còn đến từng gia đình để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ an ninh nơi biên giới… Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao nhận thức cũng như tích cực tham gia xây dựng các phong trào bảo vệ an ninh biên giới. Cũng chính từ việc bám địa bàn, gần gũi bà con mà đội của Hiếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đơn vị giao, phát hiện nhiều nhân tố tích cực để giúp đỡ, bồi dưỡng, rèn luyện giới thiệu đối tượng Đảng, tiêu biểu là anh Xiềm Văn U,  thôn phó thôn 14. Hiện hồ sơ giới thiệu kết nạp Đảng của Xiềm Văn U đã hoàn tất và chuyển lên Huyện ủy xem xét, kết nạp.  Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hiếu và đồng đội của mình đã nhận được sự tin tưởng cũng như những tình cảm thân thiết của bà con vùng  biên. Chính sự đoàn kết quân – dân,  những chiến sĩ mang quân hàm xanh đã cùng nhân dân đồng tâm hiệp lực, khắc phục khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng nếp sống mới nơi vùng biên.

Người con của buôn Kroă C

Về thôn buôn Kroă C, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, hỏi đến Nguyễn Hồng Sơn, Đội công tác 361 - Bộ CHQS tỉnh, bà con ở đây đều biết. Đối với nhân dân nơi đây, anh và các chiến sĩ trong đội CT 361 đã như người thân trong gia đình. Buôn Kroă C, nơi Nguyễn Hồng Sơn được phân công công tác là buôn có tình hình an ninh chính trị khá phức tạp. Thời điểm anh và đồng đội về nhận công tác thì đây là buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ theo đạo Tin Lành, nhưng lại không tham gia sinh hoạt tại điểm  tập trung được chính quyền cho phép mà thường tự tổ chức sinh hoạt theo từng nhóm trong buôn. Điều này gây nhiều trở ngại, khó khăn trong công tác quản lý, nhất là khi những thế lực thù địch vẫn đang hoạt động ngầm nhằm chống phá cách mạng. Kiên trì, nhẫn nại bám địa bàn, sống gần gũi, hòa đồng với người dân… đã giúp anh nhanh chóng được buôn làng đón nhận như một thành viên thân thiết trong gia đình. Sau hơn 1 năm thiết lập, xây dựng mối quan hệ, kết hợp những đợt vận động quần chúng tập trung và cá biệt, vào năm 2011 anh đã thuyết phục được 2 trong số 4 đối tượng vẫn thường xuyên tổ chức sinh hoạt truyền đạo trái phép trên địa bàn cam kết cùng tham gia tập trung tại điểm được chính quyền cho phép. Để tạo sức thuyết phục với bà con, Sơn tiếp tục gặp gỡ, thẳng thắn chỉ ra những sai phạm để người dân ý thức được những việc làm của mình trước pháp luật cũng như những việc làm đó sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng buôn làng như thế nào. Điều này đã mang lại hiệu ứng tích cực: đến tháng 8-2012, Sơn đã thuyết phục được 2 đối tượng còn lại ký cam kết chấm dứt hoạt động truyền đạo trái phép.

Nguyễn Hồng Sơn – Đội viên Đội CT 361.
Nguyễn Hồng Sơn – Đội viên Đội CT 361. (Ảnh: L.H)

Ngoài việc tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, bản thân Nguyễn Hồng Sơn đã cùng cán bộ, đội viên trong đội còn tham gia giúp vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống;  gương mẫu trong thực hiện đời sống văn hóa mới, thực hiện tốt quy định về xây dựng thôn buôn văn hóa. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tiếp cận, nắm bắt tình hình công việc, bản thân anh đã xác định: muốn công tác tuyên truyền, vận động nhanh và hiệu quả nhất thì phải thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, giúp đỡ bà con bằng những việc làm cụ thể; sống chan hòa, đoàn kết, thắt chặt mối quan hệ tình cảm quân – dân, góp phần vì sự bình yên của buôn làng.” Nêu cao phẩm chất  “Bộ đội Cụ Hồ” hết lòng vì nhân dân phục vụ, đó cũng là cách mà Nguyễn Hồng Sơn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Người Bí thư chi bộ hết lòng vì dân

Là Bí thư chi Bộ thôn 1B – thôn điểm của xã điểm Cư Ni (huyện Ea Kar) trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Ngọc Thịnh luôn tâm niệm: “Tiêu chí nào cần làm trước, có thể huy động sức dân, phục vụ nhiều nhất cho đời sống của người dân thì làm trước”. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thiệt, hơn, chi bộ, ban tự quản quyết định chọn giao thông nông thôn là tiêu chí đầu tiên trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

A
Thôn 1B trở thành thôn văn hóa cấp huyện tiêu biểu 3 năm liền, có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Thịnh. (Ảnh: N.X)

Từng tham gia chiến đấu, phục vụ quân đội hơn 33 năm nên ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong dân. Vì vậy, trong các cuộc họp, ngoài việc nói rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lợi ích khi xây dựng nông thôn mới, chi bộ chú trọng lấy ý kiến đóng góp của người dân từ quy hoạch điện, đường, trường, trạm, khu vui chơi giải trí đến tổ chức ma chay, cưới hỏi, cách giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn… để xây dựng thành nghị quyết. “Nghị quyết của chi bộ không phải là những điều to tát, cao xa mà phải thực sự gần gũi, thiết thực với cuộc sống người dân, do chính nhân dân xây dựng nên thì khi triển khai thực hiện mới đạt kết quả tốt” - ông Thịnh bày tỏ. Từ suy nghĩ đó, trước khi triển khai làm đường, chi bộ phát phiếu thăm dò đến tận từng nhà của 50 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ trong việc đóng góp, xây dựng, giám sát làm đường. Qua đó, phương án nhân dân đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện hiến đất, giải tỏa mặt bằng làm đường đã nhận được sự đồng tình nhất trí cao. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, gần 1 km đường rộng 5 m rải đá dăm đã hoàn thành bởi sự đóng góp 100% của người dân. Với cách làm tương tự như trên, chi bộ, ban tự quản thôn 1B đã huy động nội lực trong dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: cổng chào, hội trường, sân luyện tập thể dục thể thao, mua sắm loa đài, bàn ghế hội họp… Trong phát triển kinh tế, tùy điều kiện cụ thể của từng khu dân cư, hộ gia đình, chi bộ khuyến khích bà con tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng đất đai, lao động địa phương. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, ông cùng ban tự quản, các đoàn thể của thôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng tình làng nghĩa xóm, tạo sự đoàn kết trong nội bộ đảng, trong nhân dân. Nhờ những nỗ lực của ông và các đồng chí trong chi bộ, thôn 1B từ khá trở thành vững mạnh, đạt tiêu chí thôn văn hóa cấp huyện từ năm 2008; chi bộ từ trung bình vươn lên trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu 3 năm liền…

“Tỏa sáng” từ những việc làm nhỏ ý nghĩa

Với suy nghĩ học và làm theo gương Bác từ những việc làm nhỏ ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã sáng tạo, khéo léo lồng ghép 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với từng nội dung, chuyên đề. Tâm đắc và cảm nhận sâu sắc đức tính cần, kiệm của Bác, chị đã đề ra chương trình hành động cụ thể sao cho giảm được thời gian nhưng hiệu suất công việc lại cao. Trước đây, bắt đầu cuộc họp của Hội Phụ nữ xã hay thôn, lúc nào cũng muộn so với thời gian triệu tập hàng giờ đồng hồ. Nhờ sự gương mẫu luôn đi đúng giờ của chị, đến nay, các buổi giao ban, sinh hoạt Hội đã được tổ chức đúng thời gian quy định. Để vận động hội viên làm theo đức tính cần, kiệm của Bác, từ chủ trương chung, chị đã cụ thể hóa và phát động phong trào xây dựng “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”. Sau khi phân tích tình hình thực tế, Ban chấp hành Hội quyết định chọn thôn 4 và thôn 7 làm điểm triển khai. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhằm tuyên truyền, nói rõ cách làm, mục đích, ý nghĩa của phong trào nên nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo hội viên. Cứ sau mỗi buổi đi chợ, nấu cơm, chị em lại bỏ một hai nắm gạo, vài đồng tiền lẻ vào ống tiết kiệm. Chị còn đưa ra ý tưởng đặt “Hũ gạo tình thương” tại các điểm xay xát trên địa bàn xã nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp vào hũ gạo chung.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (phải) tìm hiểu việc sử dụng vốn vay phục vụ sản xuất của hội viên
Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (phải) tìm hiểu việc sử dụng vốn vay phục vụ sản xuất của hội viên

Hiệu quả của phong trào ngày càng được nhân rộng, đến nay đã có 26/32 chi hội xây dựng hũ gạo, heo đất tiết kiệm, thu được gần 841 kg gạo và trên 135 triệu đồng, giúp 113 chị em nghèo có thêm vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, tặng quà 34 trẻ em tàn tật, mồ côi, mua sắm thêm vật dụng gia đình tặng phụ nữ neo đơn, khó khăn. Để “tiếp sức” cho hội viên phát triển kinh tế, ngoài việc thành lập các tổ vay vốn, nhóm tín dụng tiết kiệm, phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo, xây dựng các mô hình trình diễn, chị Trinh còn phát động hội viên đóng góp, xây dựng Quỹ “Vì phụ nữ nghèo”. Tuy mỗi người chỉ đóng 5.000 đồng/năm nhưng với số lượng hội viên đông, nên từ năm 2008 đến nay, quỹ đã huy động được trên 78 triệu đồng, giúp hội viên nghèo, phụ nữ làm chủ hộ vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Điều đáng nói, số tiền lãi thu được từ nguồn quỹ trên, HPN xã lại trích ra hỗ trợ cho những phụ nữ có hoàn cảnh thực sự khó khăn từ 1,5 - 2,5 triệu đồng sửa chữa lại nhà cửa. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã kịp thời động viên tinh thần, giúp chị em ngày càng tin tưởng vào tổ chức hội. Niềm vui của chị Trinh được nhân lên không chỉ bởi chị được chọn đi dự lễ tuyên dương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn tỉnh năm 2012, mà qua việc làm của chị đã góp phần giúp 17 hội viên thoát nghèo, trong đó có nhiều phụ nữ làm chủ hộ như: Trương Thị Lệ (thôn Xuân Vĩnh), Lê Thị Bích Liên (thôn Xuân Ninh), Nguyễn Thị Kim Minh (thôn 5), Nguyễn Thị Hoa (thôn 6)…

“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Đó là tâm niệm của chị H'wơt Ênhuôl (buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Không những chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình mà từ nhiều năm nay chị H’wơt Ênhuôl còn tích cực trong phong trào giúp đỡ các hộ nghèo vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nhắc đến cái tên H'wơt Ênhuôl, những người dân nghèo buôn Dhă Prông luôn tỏ lòng cảm phục và biết ơn người đã cho họ những cái cần câu cơm thiết thực. Khó mà kể hết những trường hợp được chị giúp đỡ, lúc chỉ là cây cà phê giống, những cặp lợn con, bao lúa; có lúc là những khoản tiền hàng chục triệu đồng cho các hộ nghèo mượn không tính lãi. Từ sự hỗ trợ đó, nhiều gia đình đã vươn lên trong cuộc sống, có nguồn thu nhập ổn định. Điển hình là gia đình chị H'nghen, do không có vốn sản xuất nên cả nhà quanh năm chỉ đi làm thuê cuốc mướn. Năm 2010, nhờ chị H'wơt hỗ trợ hơn 300 cây cà phê giống, 2 cặp heo con trị giá gần 10 triệu đồng, nay chị đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi heo; mấy sào cà phê cũng đang được chăm sóc tốt, sắp cho thu hoạch. Cũng đã không ít lần, thấy cuộc sống một số gia đình quá khó khăn, chị vác từng bao lúa đến cho, hay cho mượn mấy triệu đồng để rồi xóa nợ chỉ bằng một ngày công. Chị H'Brit, một phụ nữ nghèo thường xuyên được chị H'Wơt hỗ trợ lúa và tiền tâm sự: gia đình tôi có đến 5 miệng ăn mà không ruộng vườn, nương rẫy nên hằng ngày phải đi làm thuê. Mỗi lần đi cắt lúa hay hái cà phê cho chị H'Wơt thì ngoài tiền công, chị thường cho thêm bao lúa để ăn, hay những khi con ốm không có tiền chữa bệnh cũng được chị H'Wơt cho mượn. Với những gia đình chưa có kinh nghiệm sản xuất, chị thường đến tận nhà hướng dẫn phương pháp, cách thức chăn nuôi và chọn trồng loại cây gì để có năng suất cao.

A
Chị H’wơt Ênuôl (người đứng bên phải) giúp đỡ cây giống cho phụ nữ trong buôn. (Ảnh: T.H)

 Bằng nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ 2 ha cà phê, chăn nuôi heo sinh sản và mô hình vườn ươm cây giống, từ năm 2007 đến nay chị H'Wơt liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Cư Êbur. Để có được thành quả như ngày hôm nay, người phụ nữ này đã trải qua bao khó khăn, gian khổ. Chị H'Wơt chia sẻ: "Vì đã từng trải qua những ngày cơ cực nên tôi luôn thấu hiểu khó khăn của những người nghèo. Trước đây, gia đình tôi cũng rất khó khăn, có lần một cán bộ xã đến thăm thấy vậy đã tặng một cặp heo con. Từ đó, tôi bắt đầu gây giống để phát triển chăn nuôi và có nguồn vốn đầu tư trồng cà phê, xây dựng sự nghiệp như ngày hôm nay. Bây giờ cuộc sống đã khấm khá, tôi sẵn sàng giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi".

Người nặng lòng với nạn nhân mang nỗi đau "da cam"

Rời quân ngũ, ông Ngô Song Hào (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin (HNNCĐDC/DIOX) không nghỉ ngơi mà lại bắt đầu cuộc hành trình mới: mang nụ cười hạnh phúc đến cho những nạn nhân bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin.

Tham gia công tác ở HNNCĐDC/DIOX tỉnh từ những ngày đầu thành lập (năm 2005), với suy nghĩ dành những năm tháng còn lại để giúp đỡ, sẻ chia nỗi đau da cam với các gia đình từng là đồng chí, đồng đội mình năm xưa, ông đã không quản gian khó, tìm hiểu giúp đỡ để nhằm mang nhiều niềm vui đến với họ. Công việc đòi hỏi ông phải đi nhiều, đến cả những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng người để kịp thời làm chế độ hỗ trợ tiền, xây dựng nhà ở cho người bị di chứng chất độc da cam (CĐDC). Hơn 7 năm công tác tại tỉnh Hội, ông đã giúp bảng danh sách những người nhiễm CĐDC được hưởng chế độ và hỗ trợ của Nhà nước càng dài thêm. Đó cũng là niềm hạnh phúc của ông vì đã góp chút công sức nhỏ bé chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Những trường hợp bị di chứng da cam mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong số đó ông Hào chẳng thể nào quên được hoàn cảnh của gia đình ông Lê Xuân Lượng (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) khi nỗi đau đối với gia đình ông là quá lớn. Trong số 3 người con của ông Lượng thì có 2 người bị di chứng chất độc da cam từ bố. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn, vất vả nay càng khó khăn hơn khi bản thân ông liên tục bị bệnh tật hành hạ, không thể đi lại được. Những bữa cơm của gia đình chẳng mấy khi có tiếng cười, mà thay vào đó là bao suy nghĩ, lo toan cho cuộc sống của các con sau này. Để giúp ông Lượng có tiền chữa bệnh, ông Hào đã vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm được hơn 40 triệu đồng. Cũng nhờ số tiền này, ông Lượng đã đi lại được, có thể lao động trở lại để kiếm tiền nuôi các con. Ông Hào tâm sự: "Được góp một phần nhỏ bé để xoa dịu phần nào nỗi đau da cam cho gia đình các đồng đội của mình là niềm hạnh phúc của tôi. Bây giờ, còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục tham gia công tác này, vì những nạn nhân của CĐDC hầu hết đều có cuộc sống khó khăn, vất vả; nỗi đau mà họ đang chịu đựng dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đến nay, ông Hào và các thành viên trong tỉnh Hội đã tiến hành khảo sát, kiểm tra và lập hồ sơ cho hơn 1.466 đối tượng nhiễm CĐDC đủ điều kiện đề nghị công nhận hưởng chế độ, chính sách; trong đó có 950 người bị nhiễm trực tiếp và 516 người nhiễm gián tiếp. Ông còn cùng các thành viên trong Hội trực tiếp đi kêu gọi, vận động nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền, quà, xây dựng nhà tình nghĩa với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng giúp nạn nhân CĐDC vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Chủ tịch xã gần dân

Một người nhạy bén trong công việc, linh hoạt trong giao tiếp, có tác phong gần gũi nhân dân - đó là nhận xét chung của người dân trong vùng khi nhắc đến anh Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Hòa Đông (huyện Krông Pak).

Những năm về trước, Hòa Đông được xem là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự (ANTT) nên khi được giao nhiệm vụ Trưởng công an xã (từ năm 2001), trọng trách của anh càng nặng nề hơn. Qua thực tế tại địa phương, anh đã xây dựng nguyên tắc làm việc cho bản thân: luôn tích cực trong việc bám sát địa bàn, gần gũi, xây dựng lòng tin đối với nhân dân để người dân thường xuyên cung cấp các nguồn tin về tình hình ANTT trên địa bàn, từ đó xử lý kịp thời, chính xác các vụ việc trong thẩm quyền cho phép. Nhờ những mối liên hệ mật thiết với nhân dân mà mọi thông tin “nóng” anh luôn nắm bắt rõ ràng, cụ thể. Quyết tâm đưa xã ra khỏi danh sách “điểm nóng” vào năm 2010, anh đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy xã những cách làm hay, thiết thực, trong đó chú trọng giải pháp liên hệ chặt chẽ với gia đình và người uy tín trong khu dân cư để phổ biến pháp luật kết hợp với răn đe, từ đó cảm hóa các đối tượng cá biệt.

a

Anh Nguyễn Đình Vượng (áo trắng) khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh: H.T)

Qua 18 năm gắn bó với nhiệm vụ, anh Vượng đã đến tận các thôn, buôn vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, tích cực, chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội. Nhờ đó đã xây dựng được mô hình thôn, buôn bảo đảm ANTT trên địa bàn. Được sự tin tưởng, giúp đỡ của người dân, từ năm 2010 đến nay anh Vượng cùng đồng nghiệp phối hợp cùng các cơ quan chức năng trấn áp thành công 5 vụ cướp, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản; đưa 10 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, đề nghị đưa 5 đối tượng vào trường giáo dưỡng; triệt phá băng nhóm đầu trọc mới nhen nhóm trên địa bàn… Với những nỗ lực không mệt mỏi của người Trưởng công an xã và sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền và người dân địa phương, Hòa Đông đã thoát khỏi điểm nóng về ANTT, trở thành xã dẫn đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc 3 năm liền (từ 2008 đến 2010).

Ở cương vị là Chủ tịch UBND xã từ năm 2011 đến nay, anh Vượng vẫn sát cánh cùng toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức, phấn đấu đưa Hòa Đông trở thành xã vững mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh. Chỉ tính trong năm 2012, ngoài nguồn ngân sách xã gần 700 triệu đồng, người dân tại địa phương đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công để nâng cấp, sửa chữa 25km đường thôn, buôn… tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Với những đóng góp vào phong trào chung, năm 2011 anh Vượng là một trong những tấm gương tiêu biểu của Dak Lak được tham dự hội nghị điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm do Bộ Công an tổ chức và được tặng Bằng khen về thành tích công an nhân dân làm theo lời Bác; Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 năm, 2010-2011. Năm 2012 anh được biểu dương cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trưởng thôn khéo làm dân vận

Với vai trò của một trưởng thôn, anh Nguyễn Thanh Việt (thôn Hòa Tây, xã Ea Bông huyện Krông Ana) luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, là người có vai trò “gắn kết” cán bộ và toàn thể nhân dân ở khu dân cư cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Việt tham mưu cho chi bộ thôn chọn việc vận động nhân dân làm đường bê tông, xây dựng cổng chào và hội trường thôn là việc làm cụ thể học tập và làm theo gương Bác. Thấm nhuần lời Bác dạy “Lấy dân làm gốc”, anh Việt đã cùng Ban tự quản và các đoàn thể trong thôn đến tận nhà hộ dân để giải thích về tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình phúc lợi. Để việc vận động, tuyên truyền của mình không mang tính chung chung, ở mọi phong trào, gia đình anh luôn là hộ đi đầu làm gương để người dân noi theo. Anh cho hay: mọi việc nếu mình làm trước, dân thấy thiết thực, mang lại nhiều lợi ích lâu dài, nhất định họ sẽ đoàn kết, đồng lòng làm theo. Mọi việc dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay phức tạp, nếu thông qua dân, lấy ý kiến thống nhất từ phía người dân thì bà con sẽ đồng lòng thực hiện. Không chỉ vận động ở các hộ dân, anh còn đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn kêu gọi họ tham gia vào phong trào chung của thôn. Với phương châm “nhà nhà, người người cùng tham gia xây dựng nông thôn mới”, trong năm 2012, anh Việt đã vận động 100% hộ dân trong thôn góp trên 250 triệu đồng để xây dựng hội trường và cổng chào thôn.

a
Anh Nguyễn Thanh Việt (phải) vận động người dân đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: H.T)

Làm xong 2 công trình nói trên, anh Việt vẫn còn một nỗi day dứt, bởi một số đoạn đường giao thông trong thôn rất chật hẹp, lầy lội vào mùa mưa, là yếu tố cản trở sự phát triển của địa phương. Trong khi đó, nếu chờ vốn cấp trên thì không biết đến bao giờ. Tiếp tục phương châm phát huy sức mạnh nội lực, sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong địa bàn, anh Việt tiếp tục vận động những hộ gia đình có đường chạy qua đóng góp tiền, tự tháo dỡ công trình kiên cố để làm đường; các hộ khác tham gia ngày công, những cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng góp đá để cùng chung tay sửa chữa các tuyến đường lầy lội. Giờ đây, những con đường, công trình công cộng được làm từ tinh thần đoàn kết, từ sức dân đã hoàn thành, mở ra cơ hội mới cho Hòa Tây trong giao thương phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống tinh thần…

 Hương- Xuân -Thúy- Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc