Multimedia Đọc Báo in

Kết nghĩa cho buôn làng thêm vui

23:03, 10/02/2013

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, từ năm 2004, Dak Lak đã thực hiện chủ trương phân công các cơ quan, đơn vị của tỉnh và đóng trên địa bàn tỉnh kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây là một chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, được cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Dưới đây là một số ý kiến của các già làng, trưởng buôn về vấn đề này:

* Già làng Y Chơt Niê, buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar

Bảo đảm an ninh để phát triển kinh tế

Vậy là đã được 6 năm kể từ khi buôn Tu (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) chính thức trở thành “anh em kết nghĩa” với đơn vị Công an tỉnh Dak Lak, và cũng từ đó đến nay tình hình an ninh - chính trị, trật tự  xã hội của buôn luôn luôn được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Nhớ lại những năm trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng tỉa ngô, sắn, sống du canh trên các triền đồi, ít ổn định. Ấy vậy mà từ khi kết nghĩa với đơn vị Công an tỉnh Dak Lak, đến nay, cuộc sống của người dân buôn Tu chúng tôi đã có sự thay đổi rõ rệt. Ngoài việc tặng quà, hỗ trợ bằng vật chất cho bà con, gia đình chính sách, các cháu thiếu nhi trong buôn nhân dịp lễ, tết, đơn vị kết nghĩa còn thường xuyên phối hợp với chính quyền xã Ea Tul vận động người dân buôn Tu tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, định canh định cư, xóa bỏ tập tục canh tác, lối sống lạc hậu... Chưa hết, trong các buổi họp dân, tổ chức sinh hoạt cộng đồng, các đoàn viên thanh niên của đơn vị kết nghĩa còn giúp tôi phát động cho bà con thực hiện nhiều phong trào thi đua như thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, thi đua sản xuất, xóa bỏ mê tín dị đoan, vận động các hộ gia đình sinh đẻ có kế hoạch, dù khó khăn vẫn phải cho con cái được đến trường... Nhờ những việc làm cụ thể đó mà nhiều năm qua, trong buôn không xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau, gây mất đoàn kết… Người dân chúng tôi luôn ý thức chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, chuyên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức thu nhập bình quân lên 15 triệu đồng/người/năm 2012 (cao hơn năm 2010 là 3 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo của buôn đã giảm từ 3- 6% mỗi năm và đặc biệt không còn hộ nào bị đói nữa.

* Già làng Y Ă Mlô, buôn Hồ B, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng

Buôn không có học sinh bỏ học

Đối với người dân buôn Hồ B (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) chúng tôi, Trường Dân tộc nội trú huyện Krông Năng không chỉ là đơn vị kết nghĩa, mà còn là một người bạn tận tình hỗ trợ bà con chăm lo phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Các cán bộ của đơn vị kết nghĩa thường xuyên phối hợp, hướng dẫn tôi cùng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường đầy đủ, khuyến khích học sinh hăng say học tập, rèn luyện đạo đức. Cùng với đó, nhiều năm liền đơn vị kết nghĩa còn đề ra quỹ khuyến học của buôn, trao học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học, học sinh giỏi, con em gia đình chính sách. Mỗi năm học, Trường Dân tộc nội trú huyện Krông Năng còn tạo điều kiện cho các em học sinh của buôn Hồ B có nhu cầu học tập, rèn luyện tại trường, đồng thời, phối hợp với các trường THCS, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn xã Ea Hồ cam kết luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, không để học sinh bỏ học giữa chừng, vận động học sinh đi học đúng tuổi. Thông qua các buổi họp dân, tôi đã giao nhiệm vụ cho các cháu đoàn viên của buôn thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh trong buôn, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện bất thường của các cháu, không để sa vào các tệ nạn xã hội hoặc bỏ học giữa chừng. Việc làm này luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đặc biệt là sự quan tâm của bậc phụ huynh và các cháu học sinh. Nhờ đó mà trong nhiều năm qua, tệ nạn xã hội ở lứa tuổi thanh thiếu niên của buôn giảm mạnh, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Học sinh đỗ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước từ 2- 5 lần.

* Chị H’Lâu Rcom, trưởng buôn C, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp

Đời sống người dân buôn C đã thay đổi nhiều

Từ năm 2001 đến nay, buôn C (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã được 14 đơn vị là các khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn huyện Ea Súp nhận kết nghĩa. Hằng năm, các đơn vị kết nghĩa đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực thông qua các phong trào quần chúng, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị trong buôn, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa… Các đơn vị trên còn phối hợp với ngành chứng năng huyện Ea Súp tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo điều kiện để bà con áp dụng hiệu quả, thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó, người dân chúng tôi đã thực hiện định canh định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy như trước. Điều đặc biệt là hằng năm, các đơn vị kết nghĩa đã phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, như nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm mỹ nghệ… mỗi năm tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong buôn với thu nhập cao, ổn định… Từ những việc làm trên, đời sống của người dân buôn C nay đã thay da đổi thịt, nhiều hộ gia đình đã làm giàu chính đáng như hộ Y Thinh R’com, Y Ba H’ra, Ma Plel… thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

*Già làng Y Lưng Liêng Hót, buôn Liêng Ông, xã Dak Phơi, huyện Lak

Đổi thay nhờ “cây cầu kết nghĩa”

Từ trước đến nay, đời sống của người dân trong buôn chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa. Đã vậy, diện tích đất canh tác ít, năng suất lao động không cao nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Mặt khác do đất canh tác của đồng bào trong buôn chủ yếu ở các đồi núi xa, muốn đến nơi phải băng qua một con suối lớn. Vào mùa mưa, nước lũ tràn về, người dân không thể lội qua nên đành bỏ hoang nương rẫy khiến đời sống càng thêm khó khăn. Thế nhưng nhờ có đơn vị kết nghĩa là Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên mà cuộc sống của người dân trong buôn đã có nhiều khởi sắc. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, tặng quà hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn trước mắt, Công ty đã đầu tư làm một cây cầu treo bắc qua sông với trị giá gần 100 triệu đồng. Từ khi có cây cầu, bà con nông dân đã có điều kiện chăm sóc cây trồng nên năng suất tăng lên rõ rệt. Giao thương thuận tiện nên các loại nông sản như cà phê, lúa, ngô, đậu thu hoạch đến đâu được bà con vận chuyển về đến đó nên đã không bị tiểu thương ép giá như trước đây. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã sắm được các tiện nghi như xe máy, ti vi, máy kéo…góp phần cải thiện đáng kể tình hình kinh tế xã hội của buôn.

*Già làng Y Bhăt Kbuôr, buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột

Thắm tình kết nghĩa

Nhiều năm qua, buôn Cuôr Kăp là đơn vị kết nghĩa của nhiều cơ quan như Báo Dak Lak, Thành ủy Buôn Ma Thuột, Công ty Cà phê Việt Thắng... Nhờ sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa cùng với sự nỗ lực của đồng bào, buôn Cuôr Kăp đang thay da đổi thịt từng ngày. Từ sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa đã giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong buôn có nhà ở, tạo điều kiện cho bà con vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh quan tâm về vật chất, các đơn vị kết nghĩa còn mang đến cho bà con sự động viên tinh thần quý giá. Thế nên cứ dịp lễ, tết, bà con nhất là người già và trẻ nhỏ lại háo hức chờ đón các đơn vị kết nghĩa về buôn. Trong số các đơn vị kết nghĩa, già thích nhất là Báo Dak Lak. Không chỉ xây tặng 2 căn nhà tặng hộ nghèo trong buôn mà mỗi khi các cháu trong chi đoàn Báo Dak Lak về thăm buôn là nhà sinh hoạt cộng đồng vui như hội. Bên cạnh đó, những tình cảm chân thành của Báo Dak Lak nói riêng, các đơn vị kết nghĩa nói chung đã góp phần không nhỏ trong việc cảm hóa, giáo dục nhiều thanh niên trong buôn, giúp chúng tu chí làm ăn… Già mong rằng trong thời gian tới các đơn vị kết nghĩa sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Quốc Anh – Lê Thành

 

 


Ý kiến bạn đọc