Một giọt máu hồng thêm lòng nhân ái
Bất chấp thời tiết se lạnh, hàng nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) đã nô nức đổ về Nhà thi đấu Trường Đại học Tây Nguyên để tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo với chủ đề “Một giọt máu, một tấm lòng” do Đoàn trường phát động nhằm bảo đảm lượng máu dự trữ cần thiết cho cấp cứu và điều trị trong những ngày vui Xuân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia hiến máu tình nguyện |
Có mặt tại nơi diễn ra hoạt động hiến máu nhân đạo từ rất sớm, sinh viên Trần Thị Thanh Loan lớp Thú y K11 nhanh chóng lấy phiếu điều tra điền những thông tin cá nhân và hoàn tất các thủ tục cần thiết để sẵn sàng hiến máu. Nở nụ cười thật tươi Loan cho biết: Còn nhớ cách đây không lâu, lần đầu tiên cho máu em run và sợ lắm, nhưng khi thấy nhiều bạn ra về với ánh mắt buồn bã, vẻ mặt tiu nghỉu vì không được hiến máu nên can đảm hơn”. Khác với những lần cho máu trước, Loan cảm thấy vui hơn khi biết những giọt máu của mình cho đi sẽ cứu người trong dịp Tết Nguyên đán. Song cũng như nhiều sinh viên đang học tập tại Trường Đại học Tây Nguyên, Loan cầu mong không xảy ra nhiều vụ tai nạn để mọi người được đón một mùa Xuân trọn vẹn. Với 6 lần tham gia hiến máu tình nguyện, Nguyễn Văn Thân, sinh viên năm thứ 3 Khoa Nông lâm tỏ ra khá am hiểu về quy trình hiến máu cũng như tâm lý của những người lần đầu tiên đi cho máu. Không chỉ cho máu, Thân còn là một tuyên truyền viên “trấn an” những bạn lần đầu tiên tham gia. Thân chia sẻ: “Hiến máu không phải là cho máu, bán máu mà là gửi máu vào kho (ngân hàng lưu trữ máu) để khi cần thiết thì lấy ra. Lượng máu này có thể giúp ích cho một số người khác có cùng nhóm máu”. Không ít người nghe nói đến từ “hiến máu” đã cảm thấy sợ hoặc cho rằng như thế là dại dột, sợ hiến máu sẽ làm sức khỏe yếu đi, sợ kỹ thuật lấy máu gây đau đớn, khó chịu, bị nhiễm một số bệnh qua đường máu… đây là quan niệm không đúng. Hiến máu theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Với suy nghĩ ấy, Thân luôn có mặt tại những đợt hiến máu do Đoàn trường phát động, các sự kiện hiến máu lớn như “Lễ hội Xuân hồng”, “Chiến dịch màu hồng” và sẵn sàng cho máu trực tiếp khi bệnh viện cần. Theo Thân, hiến máu nhân đạo giúp ích cho cộng đồng và nêu cao tinh thần sống vì cộng đồng. Vì vậy mọi người, nhất là đoàn viên thanh niên nên rộng mở tấm lòng để cùng tham gia hoạt động mang đậm nét nhân văn.
Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn trường cho biết, hiến máu nhân đạo được tổ chức thường niên từ năm 2009 tạo điều kiện cho cán bộ, HSSV thể hiện tấm lòng nhân ái đối với cộng đồng. Sau 5 năm phát động, phong trào đã thu hút hàng nghìn HSSV tham dự thu được 2.370 đơn vị máu góp phần cứu sống người bệnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa trong hoạt động xã hội của HSSV toàn trường, cổ vũ mạnh mẽ phong trào hiến máu nhân đạo. Nếu như trước đây một bộ phận sinh viên e ngại cho máu vào những ngày đầu xuân hay do bận rộn thi cử, phải về quê ăn Tết thì nay các em sẵn sàng vì cộng đồng. Với quyết tâm và cũng là phương châm sống của HSSV Trường Đại học Tây Nguyên “Bệnh nhân cần là chúng tôi có”, đợt hiến máu này đã thu hút 2.000 HSSV tham gia, thu được hơn 800 đơn vị máu.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi mỗi chúng ta đang chuẩn bị về nhà để đón một mùa Xuân với biết bao niềm hy vọng, thì tại nhiều bệnh viện hàng nghìn người bệnh đang mong chờ từng giọt máu để được cứu sống, được đón Xuân cùng gia đình. Hành động sẵn sàng hiến máu cứu người của HSSV Trường Đại học Tây Nguyên góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Phi Thảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó trưởng Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh khẳng định.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc