Multimedia Đọc Báo in

Như cánh chim không mỏi

23:00, 10/02/2013

Thầm lặng cần mẫn gieo mầm ước mơ hay tự nguyện “vác tù và” để trở thành cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, họ là những thầy cô giáo miệt mài với từng con chữ, những cán bộ gần dân nhất như cánh chim không mỏi mang mùa xuân về cho mỗi gia đình, cho mỗi buôn làng thêm yên ấm, tươi vui…

Hạnh phúc được làm cô nuôi dạy trẻ

Cô Hồng Anh (người thứ ba từ trái sang) tham dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn năm 2012. (Ảnh: Nguyên Hoa)
Cô Hồng Anh (người thứ ba từ trái sang) tham dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn năm 2012. (Ảnh: Nguyên Hoa)

Sân Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) giờ tan trường tràn ngập tiếng cười đùa. Các cháu sau một ngày học tập ở trường mong chờ bố mẹ đến đón về nhưng vẫn cố nán lại bên cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Anh tíu tít khoe những điều vừa học, còn phụ huynh tranh thủ hỏi chuyện ăn, ngủ của con mình. Không khí chan hòa, ấm áp ấy luôn hiện diện hằng ngày trong ngôi trường mẫu giáo ở xã vùng sâu này. Cô Anh tâm sự: “Khi chọn dạy lớp mầm non, có người chê tôi khờ khạo vì “tự trói” mình vào vất vả, thiệt thòi nhưng mỗi ngày được gần gũi các cháu, được nhìn những đôi mắt trong veo, nắm những bàn tay nhỏ xinh tin cậy… mọi mệt nhọc đều tan biến”. 35 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô Anh nhớ mãi kỷ niệm của những ngày đầu mới vào nghề. Hồi ấy các thầy, cô giáo phải lên rừng chặt cây, lồ ô, cắt tranh dựng lớp học, đóng bàn ghế cho học sinh và cho mình. Do thiếu kinh nghiệm, chỉ một cơn mưa đầu mùa, lớp học đã ướt sũng, cả thầy và trò xuýt xoa bên nhau. Cô giáo như “gà mẹ” cố dang đôi cánh thật to, thật rộng để ôm ấp, bảo vệ các con khỏi lạnh. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước từ trên núi chảy về xối xả, đường trơn như bôi mỡ, cả cô và trò cố bấm mười đầu ngón chân xuống đất, dò từng bước đi nhưng vẫn bị ngã. Ngày hôm sau đến lớp, phấn, vở viết chưa kịp khô, cô Anh đành mượn sân trường làm bảng đen và vở để các em tập tô từng con chữ. Những khó khăn, vất vả hồi đó khiến nhiều giáo viên nản lòng bỏ đi, lớp học cũng thưa dần học sinh. Tim cô Anh như thắt lại, tự nhủ phải làm một việc gì để “giữ chân” giáo viên, học sinh ở lại trường. Sau nhiều đêm trăn trở, cô Anh nhận ra rằng cần phải gương mẫu trong phong trào tự học, tự rèn, khắc phục khó khăn để theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, có như vậy mới động viên đồng nghiệp gắn bó với nghề, san sẻ tình thương yêu và trách nhiệm của người mẹ, người cô với các bé. Năm 2011 khi được phân công giữ trọng trách Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Phượng (buôn Cư Nun B-là một trong 3 buôn khó khăn nhất xã Dang Kang), cô Anh nguyện tiếp tục là người đưa đò góp phần thu hẹp khoảng cách và tạo điều kiện tốt nhất để các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng. Cô chủ động tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương gom học sinh ở các điểm lẻ học tại các hội trường mượn của thôn về thành 3 điểm thuận tiện cho việc chăm sóc, giáo dục. Trong điều kiện khó khăn của một trường đóng chân ở xã nghèo, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, nhưng cô Hồng Anh đã tổ chức được lớp bán trú với hơn 70% số trẻ tham gia. Đây là trường mẫu giáo đầu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Bông mở lớp bán trú. Như cánh chim không mỏi, cô Anh vẫn hăng say cống hiến, không ngừng chuyên chở những ước mơ của học sinh nơi đất nghèo.

Dân vận khéo việc gì cũng thành công

Dẫn chúng tôi đi trên con đường cấp phối rộng rãi, ông Nguyễn Văn Nhị, Bí thư Chi bộ thôn 7B (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) không ngần ngại khoe: “Trước đây, mấy con đường nội thôn này chỉ rộng từ 3-4 m. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, 93 hộ dân trong thôn đều đồng lòng, nhất trí hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hoa màu mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới”. Nghe ông nói tưởng chừng như mọi chuyện rất dễ dàng nhưng thực ra đó là cả quá trình làm công tác “dân vận khéo” của Ban tự quản thôn, nhất là vai trò của một bí thư chi bộ như ông. Qua rà soát, đánh giá, Ban Phát triển thôn 7B xác định, tiêu chí giao thông, vệ sinh môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những việc cần làm ngay trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Nhưng bài toán đặt ra là làm thế nào để người dân đồng thuận, cùng góp công sức, tiền của thực hiện chủ trương chung. Chi bộ, Ban tự quản, Ban phát triển thôn cùng họp bàn biện pháp, trong đó công tác tuyên truyền, vận động, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở được đặt lên hàng đầu. Không chỉ họp dân tuyên truyền chung, thảo luận cách làm, mức đóng góp, ông Nhị cùng những người có uy tín trong thôn còn lặn lội đến từng xóm, hộ gia đình để vận động. “Để người dân tự nguyện thực hiện 3 cùng (đóng góp, xây dựng, giám sát) trong làm đường nông thôn thì không cách gì hiệu quả hơn công tác tuyên truyền. Vì vậy, buổi trưa đến không gặp, tối chúng tôi lại đến. Đi một lần chưa được thì đi lần thứ hai, thứ ba, nhiều hôm 22 giờ mới về đến nhà nhưng ai cũng thấy vui vì danh sách tự nguyện góp công, hiến đất, phá bỏ hoa màu ngày một dài thêm”, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Nhị chia sẻ. Thực hiện phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Chi bộ, Ban tự quản thôn thống nhất chọn xóm bí thư chi bộ, trưởng thôn triển khai trước sau đó mới đến các xóm còn lại.

A
Ông Nguyễn Văn Nhị (đầu tiên bên trái) cùng Chi bộ, Ban tự quản thôn kiểm tra việc làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Trong quá trình UBND xã hỗ trợ máy móc san ủi mặt bằng, ông Nhị luôn cùng Chi bộ, Ban tự quản, Ban phát triển thôn bám sát giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống kê diện tích đất, cây cối, hoa màu của các hộ trên từng trục đường sau đó lập biên bản hiến tặng có chữ ký của chủ hộ. Cách làm trên đã động viên, khích lệ tinh thần tự nguyện của người dân. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, cán bộ, người dân thôn 7B đã tự nguyện hiến 8.340m2 đất, gần 1.400 cây ăn quả, cà phê, điều và góp hàng trăm ngày công để làm 6km đường cấp phối. Điều đáng nói, các tuyến đường chính, đường nhánh trong thôn đều được mở rộng từ 7-9m, rộng hơn 2 lần so với quy định.

Việc gì có lợi cho dân thì làm

Từng làm Trưởng buôn và hiện là Bí thư Chi bộ buôn Kbung (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin), ông Dhiăm Bdap nắm rất rõ tình hình đời sống bà con. Toàn buôn có 247 hộ nhưng trên một nửa là hộ nghèo, còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa. Để đưa đời sống của bà con đi lên, trước hết phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Xác định điều đó, ông không quản ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, lầy lội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền sao cho bà con dễ hiểu, nhớ lâu những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Khi tư tưởng bà con đã thông, ông vận động mọi người mạnh dạn liên kết với công ty lâm nghiệp đóng chân trên địa bàn nhận khoán trồng rừng và điều. Gia đình ông tiên phong nhận trồng trước 5 sào keo lá tràm, rồi vận động các đảng viên, trưởng, phó các đoàn thể cùng hưởng ứng. Nhờ vậy, hơn 40 ha đất trống, đồi núi trọc trong buôn giờ đây đã được phủ kín màu xanh của cây rừng và điều. Buôn Kbung nằm trong vùng điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mưa thì lụt, nắng lại hạn hán nên 30 ha đất trồng lúa chỉ làm lúa 2 vụ, năm được, năm mất, nghèo đói triền miên.

A

Ông Y Dhiăm Bdap bên khu rừng trồng của gia đình (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Trước thực trạng đó, một mặt ông kiến nghị xây dựng kênh mương thủy lợi, mặt khác ông tìm tòi, áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt, chọn các giống ngắn ngày để đưa việc canh tác lúa lên 3 vụ/năm. “Đầu năm 2010 khi thấy tôi cày ruộng làm lúa vụ 3, ai đi qua cũng ngao ngán lắc đầu vì sợ thất bại. Nhưng vì đây là việc làm có lợi cho cả gia đình mình và bà con nên tôi quyết tâm làm bằng được”, ông Y Dhiăm bộc bạch. Sau 3 tháng, 2 sào ruộng nước nhà ông cho thu hoạch trên 20 bao lúa. Khi đã thành công, ông cùng Ban tự quản buôn tổ chức họp dân, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chọn giống, chăm sóc. Đến nay đã có 40% số hộ trong buôn trồng lúa vụ 3 nhờ vậy không còn lo đói giáp hạt nữa.  Ông còn tích cực vận động bà con chuyển từ độc canh cây lúa gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, ông cùng Ban tự quản buôn xây dựng các con đường giao cho từng đoàn thể quản lý, đồng thời vận động các hộ hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ hoa màu để mở rộng, nâng cấp 3 km đường giao thông nội thôn từ 3m lên 5m. Sau 10 năm gắn bó với buôn làng trên cương vị là Trưởng buôn, Bí thư chi bộ, cái được và cũng là niềm vui lớn nhất đối với ông là buôn đã giảm 30 hộ nghèo, nhiều tập tục lạc hậu được loại bỏ.

Nặng lòng với thổ cẩm

Trong thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa ngày càng phong phú, mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ thì các sản phẩm thổ cẩm không còn là lựa chọn hàng đầu của người dân tộc bản địa. Cũng vì lẽ đó mà số lượng chị em theo nghề khung cửi ngày một ít đi. Với cương vị Bí thư Chi bộ buôn Tara (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak), chị H’Tươk Niê luôn canh cánh nỗi niềm là phải làm một điều gì đó để tiếng thoi lách cách của khung cửi lại vang lên, sắc màu thổ cẩm không bị phai mờ. Chị chủ động gặp gỡ các nghệ nhân lớn tuổi trong buôn động viên, khuyến khích nên cố gắng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm nhưng họ lắc đầu từ chối với lý do sản phẩm dệt ra không biết bán cho ai. Không nản lòng, những lần họp thôn, họp chi bộ chị lại tuyên truyền, vận động chị em dệt vải, thêu áo để làm đẹp cho mình, nếu làm ra những sản phẩm có chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vẫn có thể tăng thu nhập cho gia đình, hơn nữa những sản phẩm thổ cẩm còn mãi với buôn Tara…

q

Chị H’Tươk Niê (trái) đến tận nhà vận động người dân duy trì nghề dệt (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Những lúc gặp bạn bè, người quen hay có khách du lịch thăm buôn chị tranh thủ giới thiệu cái đẹp, nét độc đáo trong từng sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Nếu du khách muốn tìm hiểu về nghề dệt, chị sẵn lòng đưa đến tận nhà nghệ nhân, trong trường hợp khách cần nhiều mẫu mã chị lại tất tả đến từng nhà nghệ nhân gom sản phẩm để khách có thêm sự lựa chọn. Những lúc buôn làng tổ chức lễ hội hay có dịp đi tham quan trong và ngoài tỉnh chị H’Tươk không quên “diện” bộ váy thổ cẩm thật đẹp và tự tin khoe “đó là những đường nét, hoa văn thể hiện sự khéo léo, tinh tế và cả sự kiên trì, chứa đựng tâm hồn của người con gái Êđê”. Mỗi lần đi qua nếp nhà dài, tiếng thoi lách cách vang lên, lòng chị H’Tươk lại rộn lên niềm vui khôn xiết. Chị chỉ mong sao làng nghề truyền thống xã Hòa Đông được hình thành để sản phẩm thổ cẩm từ những tấm chăn, chiếc túi, những bộ váy, áo với những họa tiết, hoa văn độc đáo đến được với nhiều người và có chỗ đứng trên thị trường.

Vì sự bình yên ở xã vùng biên

“Không quản đêm ngày, mưa gió và không ít lần đối diện với nguy hiểm nhưng chỉ cần nhân dân bình yên là mình cảm thấy hạnh phúc” đó là chia sẻ của anh Trương Văn Chất, Trưởng Công an xã Ia R’vê (huyện Ea Súp). Với đặc thù của một xã có đông người dân tộc thiểu số, tôn giáo và trên 17km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, trách nhiệm Trưởng Công an xã của anh càng nặng nề hơn. Bất kể thời gian, thời tiết khi dân cần, chính quyền giao nhiệm vụ là anh có mặt. Có lần đang ngủ, nhận được tin báo của quần chúng ở xã có một nhóm thanh niên tụ tập gây gổ, đánh nhau với thanh niên xã khác, anh lập tức đến giải quyết vụ việc. Bằng nghiệp vụ sắc bén và sự khéo léo anh nhanh chóng giải tán đám đông, hòa giải mối hiềm khích của hai bên. Điều làm anh vui nhất là đã vận động bà con trong xã tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ theo quy định của Bộ Công an. Để đạt kết quả này anh đã lặn lội đến tận từng hộ, gặp từng đối tượng tuyên truyền, giải thích. Sự cởi mở, thân thiện của anh trong những lần trò chuyện đã giúp bà con nhận ra việc tàng trữ vũ khí, súng đạn là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho bản thân và những người thân cũng như cho cộng đồng nên đã tự nguyện mang súng đến nộp. Đối với các đối tượng tình nghi tàng trữ vũ khí không chịu hợp tác, anh tìm cách tiếp cận theo dõi, nắm chính xác thông tin và phối hợp với ngành chức năng trấn áp, bắt buộc giao nộp.

A
Anh Trương Văn Chất giải thích cho người dân về sự nguy hiểm khi cất giấu vũ khí, chất nổ trong nhà (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Còn nhớ năm 2011, sau khi nghe ngóng thông tin biết đối tượng Lò Văn Tha (thôn 3) có 1 khẩu súng kip trong nhà, anh đã đến vận động nhưng đối tượng một mực từ chối, anh kiên trì vận động cả những người thân trong gia đình đối tượng. Sau nhiều lần làm công tác tư tưởng, Lò Văn Tha đã hiểu sự nguy hiểm nên tự nguyện giao nộp súng cho anh Chất. Tính từ năm 2010 đến nay, nhờ nắm bắt tình hình, nguồn tin sát sao và sự kiên nhẫn trong công tác tuyên truyền, anh Trương Văn Chất nói riêng, công an xã Ia R’vê nói chung và đội công tác của Đồn Biên phòng 737 đã vận động bà con trên địa bàn giao nộp 20 khẩu súng các loại. Anh bộc bạch, cứ một khẩu súng được giao nộp là thôn xóm sẽ bớt đi hiểm họa về tính mạng con người, tài nguyên rừng bớt đi mối nguy bị tiêu diệt, tàn phá, báo hiệu cuộc sống ở xã vùng biên Ia R’vê sẽ thêm thanh bình, no ấm. Chia tay anh lúc màn đêm bắt đầu chùng xuống vùng biên, khi những làn gió heo hút thổi se se lạnh, cũng là lúc anh Chất và các chiến sĩ công an lặng thầm sải bước tuần tra trên tuyến biên giới mang lại sự bình yên cho nhân dân.

Nguyên Hoa-Nguyễn Xuân-Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc