Những người hiến “tấc vàng” xây dựng công trình phúc lợi
Người ta nói “tấc đất, tấc vàng”, nhưng với tấm lòng “Mình vì mọi người”, nhiều nông dân đã tự nguyện hiến cả nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Nhờ đó, ở những vùng quê nghèo khó, nhiều trường học, con đường, nhà văn hóa được xây dựng để phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất của người dân.
Lão nông hiến đất xây trường
Sau gần 10 năm thành lập, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo đã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, chợ, đường giao thông được xây dựng khang trang. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, còn có sự chung sức đóng góp của người dân, tiêu biểu là lão nông Nguyễn Văn Hòa với việc hiến 2.000 m2 đất để địa phương xây trường học.
Trước đây, phân hiệu Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ở xa trung tâm xã, đường đi lại lầy lội, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến việc dạy và học của thầy trò ở trường gặp rất nhiều khó khăn. Điều này khiến chính quyền địa phương trăn trở và tính đến chuyện khảo sát, tìm địa điểm xây dựng cơ sở trường, lớp mới. Tuy nhiên, xây trường gần trung tâm xã thì khó khăn vì không có đất rộng. Biết được điều này, ông Nguyễn Văn Hòa đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất trồng cao su đang thời kỳ thu hoạch để có mặt bằng xây trường học cho con em. Thấy vườn cao su bị đốn hạ, nhiều người tiếc rẻ... Ông Hòa chia sẻ: Thấy tụi nhỏ đi học xa xôi, có hôm trời mưa ướt hết nên tôi hiến miếng đất để xây trường cho các cháu có nơi học tập. Nhờ vậy, năm 2009 điểm trường này được xây mới khang trang gần khu dân cư, với 5 phòng học đúng tiêu chuẩn, sân chơi rộng rãi, từ đó đến nay việc dạy và học ở đây thuận lợi hơn nhiều. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Amung cho biết: Địa phương đang tiến hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; điều thuận lợi là có sự đồng lòng của người dân, trong đó nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất xây trường học, làm đường giao thông…
Phân hiệu Trường TH Lê Đình Chinh được xây dựng trên phần đất do ông Nguyễn Văn Hòa hiến tặng. |
Hiến đất xây nhà văn hóa thôn
Mặc dù đất sản xuất không rộng, kinh tế gia đình cũng chẳng dư giả gì, nhưng chị Nguyễn Thị Hương (thôn 7, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) vẫn hiến tặng 1.000 m2 đất để thôn làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
Là trưởng ban Mặt trận thôn, lâu nay chị Hương vẫn trăn trở khi thôn chưa có nơi để người dân sinh hoạt nên mỗi lần họp phải mượn nhờ nhà dân hoặc tập trung dưới bóng cây; do vậy các buổi sinh hoạt đều không đạt hiệu quả. Biết được nguyện vọng của bà con muốn có một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng để hội họp nghe phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... chị Hương đã bàn bạc với gia đình hiến cho thôn gần 2.000 m2 đất, trong đó 1.000 m2 để làm nhà văn hóa cộng đồng và 700 m2 làm đường giao thông. Năm 2011, chị và chồng con đã tự nguyện chặt hàng trăm gốc cà phê trưởng thành để giao mặt bằng nhanh chóng cho thôn xây hội trường. Nhờ vậy, người dân thôn 7 đã có nơi sinh hoạt rộng rãi, sạch đẹp; các cháu nhỏ có chỗ để vui chơi. Noi gương chị, nhiều người dân trong thôn cũng đã tự nguyện hiến đất mở rộng con đường liên thôn để việc đi lại thuận lợi. Ông Lê Đức Dũng - Trưởng thôn 7 cho biết: đời sống người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có một điều phấn khởi là đường giao thông, nhà văn hóa được làm đều nhờ đất, nhờ ngày công của bà con.
Lan tỏa một phong trào
Để có những con đường rộng, thẳng và đẹp…phục vụ cho việc đi lại, sản xuất thuận lợi, nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn tạo thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đường giao thông ở thôn 8, Ea Ktur được mở rộng nhờ có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất |
Các tuyến đường giao thông chính của thôn 8, xã Ea Ktur trước đây là đường đất, nắng bụi, mưa lầy khiến việc đi lại rất khó khăn. Mới đây, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ba tuyến đường dài hơn 1,8 km ở đây đã được thảm nhựa với tổng kinh phí 453 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 85%, còn lại do người dân đóng góp. Ngoài ra, để mở rộng đường từ 5 mét lên 7,5 mét, hàng chục hộ đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, chặt cây trồng trong vườn nhà mà không yêu cầu đền bù. Hộ bà Nguyễn Thị Hường, mặt đường lấn vào rẫy sâu 2 mét, dài hơn 100 mét, phải chặt bỏ gần 40 cây cà phê đang thời kỳ kinh doanh nhưng bà không có bất cứ một đòi hỏi gì. Bà Hường chia sẻ: Điều quan trọng là có được con đường kiên cố, mọi người không phải đi lại khổ sở trên đường đất lầy lội vào mùa mưa, dù mình có chịu thiệt một tý cũng vui lòng. Còn trưởng thôn Nguyễn Vinh Quang phấn khởi: Từ ngày có chủ trương làm có đường mới, ai cũng đồng lòng, chung sức; bởi nếu dân không “thông” thì không thể làm được. Trong khi đó, tuyến giao thông thôn 1, xã Ea H’Đing nối với đường liên xã Ea H’Đing – Ea Tar cũng được làm nhờ sức dân. Con đường này chạy qua đất rẫy của 12 hộ dân, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn vì số tiền đền bù lớn. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, tất cả các hộ dân đã tự nguyện hiến đất mà không chút đắn đo; nhiều người còn hăng hái tự tay mình chặt bỏ tiêu, cà phê, san đất. Điển hình như ông Phạm Quang Long, hiến hơn 300 m2 đất, phải chặt bỏ hơn 150 gốc cà phê, trụ tiêu đang thời kỳ khai thác. Ông Long chia sẻ: chặt đi cả trăm gốc tiêu, cà phê, cả nhà tiếc lắm! nhưng đổi lại, thôn sẽ có con đường cho bà con đi rẫy, các cháu học sinh đi học thuận lợi là cả nhà tôi vui rồi...
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc