Multimedia Đọc Báo in

Sáng tạo cùng mùa xuân

15:48, 11/02/2013

Sống là phải có hoài bão, đam mê. Đối với những người làm nghiên cứu khoa học, niềm đam mê, hoài bão chính là động lực thúc đẩy họ không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vun đắp những cái mới đơm hoa kết trái đem dòng mật ngọt cho đời như mạch nhựa sống dâng tràn sinh sôi mỗi độ xuân về.

“Mẹ đẻ” của 2 bộ giống cà phê ghép

Sau 28 năm công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, thành công lớn nhất và cũng là điều mãn nguyện nhất đối với Thạc sĩ Chế Thị Đa - Trưởng bộ môn Cây công nghiệp là đã tìm tòi, chọn tạo thành công 2 bộ giống cà phê ghép có những ưu điểm, tính năng vượt trội, góp phần quan trọng trong công tác cải tạo các vườn cà phê già cỗi ở 5 tỉnh Tây Nguyên và Đồng Nai.

Để chọn tạo thành công một bộ giống phải mất 12 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, hễ nghe thông tin ở vùng chuyên canh cà phê nào có những vật liệu (chồi cà phê) tốt với khả năng kháng bệnh, chịu hạn, cho năng suất cao, chị không ngần ngại thu xếp mọi công việc gia đình, cơ quan để lên đường. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm vui, buồn bởi không phải lúc nào cũng thành công. Những vật liệu đã thu thập hoặc nhập từ nước ngoài được chị lưu giữ ở khu vườn “Tập đoàn giống” của Viện nhằm tiến hành hàng loạt thí nghiệm chọn các dòng vô tính nổi trội nhất, khảo nghiệm khả năng thích ứng thực tế, sau đó thành lập các vườn nhân giống để các cấp, ngành, nông dân cùng khảo sát, kiểm nghiệm hiệu quả mới đưa ra sản xuất đại trà.

Thạc sĩ Chế Thị Đa  bên vườn cà phê thực nghiệm được trồng bằng các giống mới. Ảnh: Nguyễn Xuân
Thạc sĩ Chế Thị Đa bên vườn cà phê thực nghiệm được trồng bằng các giống mới. (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Nhiệt huyết, đam mê và luôn nỗ lực hết mình trong công việc đã đưa chị đến thành công. Các năm 2006 và 2011, Bộ giống cà phê từ TR4 đến TR8 và từ TR9 đến TR 13 do chị chọn tạo đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận là giống quốc gia phục vụ ngành Cà phê Việt Nam với những ưu điểm như năng suất cao hơn 15-20% so với giống đại trà, kích thước hạt R1 đạt từ 75-90%, có khả năng kháng bệnh rỉ sắt, góp phần cải thiện chất lượng cà phê nhân xuất khẩu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi bộ giống được công nhận, chị phối hợp với Viện, các ngành chức năng địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng các vùng cung cấp giống nhằm giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, đồng thời khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang trồng hoặc ghép cải tạo bằng bộ giống mới. Chưa dừng lại ở 2 bộ giống này, chị Đa vẫn đang tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời một loại giống mới nữa.

Vị tiến sĩ nặng nợ với cây lúa

Sinh năm 1973 tại vùng đất trồng lúa Nam Định, từ nhỏ Trần Văn Quang đã có niềm say mê đối với cây lúa và luôn ấp ủ ước mơ trở thành một kỹ sư nông nghiệp để có thể nghiên cứu ra những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng góp phần giúp người nông dân bớt vất vả. Khát khao đó là động lực thúc đẩy anh nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học và trở thành Tiến sĩ, Trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, Khoa Nông học - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và là Phó viện trưởng Viện lúa.

Bận rộn với công việc giảng dạy, nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian cho niềm đam mê từ nhỏ của mình là nghiên cứu về các giống lúa, đặc biệt là lúa lai. Với quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi, đến nay anh đã có hàng chục công trình nghiên cứu về cây lúa lai được đưa vào sản xuất đại trà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Anh là đồng tác giả của một số giống lúa lai được công nhận giống quốc gia như: TH3-3, TH3-4, TH3-5, CT16; giống lúa thuần Hương Cốm; tác giả và đồng tác giả của 38 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành; hướng dẫn thành công 12 thạc sĩ khoa học nông nghiệp; chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp tỉnh về lúa lai. Anh cho biết, các giống lúa lai: TH3-3, TH3-4 và TH3-5 đã được bán bản quyền cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiện nay diện tích trồng các giống này khoảng 10-15 nghìn ha/năm.

Trong nhiều tỉnh thành mà anh đã đến, đưa những giống lúa lai vào sản xuất, Dak Lak có lẽ là vùng đất gắn bó và nhiều tâm huyết nhất đối với anh. Năm 2007, anh “lang thang” vào Dak Lak để tìm “vùng đất hứa” cho sản xuất giống lúa lai với nhận định: do biến đổi khí hậu, trong tương lai diện tích lúa tại nhiều khu vực đồng bằng sẽ thu hẹp nên cần khai thác những vùng đất cao, có tiềm năng canh tác lúa. Vừa đặt chân đến Dak Lak, anh đã bị cuốn hút bởi những cánh đồng rộng thênh thang, khí hậu thích hợp hứa hẹn là vùng đất “thiên thời địa lợi” cho cây lúa lai. Anh đã đến hầu hết các huyện trọng điểm về trồng lúa của tỉnh, đưa nhiều giống lúa lai vào thử nghiệm và trồng đại trà tại Ea Kar, Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’gar… Niềm vui lớn nhất đối với anh và đồng nghiệp là các giống lúa lai được đưa vào sản xuất đã góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của nông dân, nâng cao sản lượng, tăng thu nhập, đặc biệt là có thể làm giàu nhờ cây lúa. Những kinh nghiệm chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chọn giống cây trồng và thực tế đa dạng ở đồng ruộng được anh đưa vào bài giảng một cách sinh động, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên.

“Kỹ sư Hai lúa” và hệ thống bơm nước sử dụng năng lượng sạch

Không tiêu tốn nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường... đó là những lợi ích thiết thực từ mô hình “Hệ thống bơm nước tự động bằng sức nước hoặc gió” của “kỹ sư Hai lúa” Dương Minh Tâm (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III năm 2011.

Từ chuyến đi công tác tại huyện Ea Súp, tận mắt chứng kiến hàng nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang vào mùa khô, anh Tâm đã nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ làm thế nào để giúp bà con nông dân có thể phát triển sản xuất trên vùng đất này mà tốn ít chi phí nhất. Dù chỉ mới tốt nghiệp Trung học cơ sở, nhưng anh đã mạnh dạn tìm tòi nghiên cứu sáng chế ra chiếc máy bơm nước từ sông, suối lên cao có thể phục vụ sinh hoạt hoặc tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần nhiên liệu xăng, dầu hay điện. Qua ứng dụng thực nghiệm tại địa bàn huyện Ea Súp cho thấy giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Anh Tâm cho biết: “Hệ thống bơm nước sử dụng năng lượng nước hoặc gió có thể vận dụng tốt ở nơi có sông, suối để giúp bà con nông dân canh tác vào mùa khô và các địa hình đất có độ chênh lệch cao so với nguồn nước”. Với hệ thống bơm nước phục vụ sinh hoạt gia đình thì công suất hoạt động khoảng 30m3 nước/ngày, còn bơm nước tưới tiêu nông nghiệp khoảng 130m3 nước/ngày. Điều đặc biệt, để chế tạo loại máy này có thể tận dụng những loại phế liệu như: các đầu máy bơm hơi, dây xích xe gắn máy, các thanh sắt... nên chi phí sản xuất thấp.

Máy bơm nước sử dụng năng lượng nước hoặc gió đang được thử nghiệm tại huyện Ea Súp. Ảnh: Thúy Hồng
Máy bơm nước sử dụng năng lượng nước hoặc gió được thử nghiệm tại huyện Ea Súp. (Ảnh: Thúy Hồng)

Với mong muốn giúp nông dân phát triển sản xuất, anh Tâm cũng đã thí nghiệm thành công mô hình "Trồng cây nông nghiệp ngắn ngày theo phương pháp hình trụ". Thay vì sản xuất theo cách truyền thống trước đây, nay chỉ cần đổ đất vào một ống nhựa loại lớn (cao khoảng 2 mét) có thể trồng được hàng chục cây dùng lấy quả và lá dọc theo thân đường ống. Mô hình mang lại nhiều lợi ích như tăng năng suất, số lượng cây trồng trên cùng một diện tích đất; không tốn chi phí làm cỏ; giảm thiểu phân bón, công cải tạo đất; hạn chế tối đa các bệnh về cây trồng có tính truyền nhiễm theo đất; giảm ô nhiễm môi trường đất; áp dụng được phương pháp tưới nhỏ giọt với chi phí thấp... Từ những đóng góp thiết thực trên, anh Dương Minh Tâm vinh dự là một trong 2 đại diện của tỉnh Dak Lak tham dự Hội nghị Gặp gỡ tài năng trẻ khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2012.

Trả lại sức khỏe cho người bệnh

Tốt nghiệp ngành Y học Cổ truyền, Trường Đại học Y - Dược Hà Nội (năm 2009), bác sĩ Lê Văn Phòng (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) trở về công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh với mong muốn góp sức trẻ xây dựng quê hương.

Tuy tuổi đời cũng như tuổi nghề còn rất trẻ nhưng bác sĩ Phòng được bạn bè, đồng nghiệp và bệnh nhân dành nhiều tình cảm quý mến. Từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học cho đến khi là thầy thuốc trực tiếp chữa bệnh, anh tâm niệm phải cố gắng thật nhiều trong chuyên môn cũng như luôn rèn luyện y đức với mong muốn “trả lại” sức khỏe cho người bệnh. Anh tâm sự “Nhiều lúc thấy bệnh nhân đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật, là bác sĩ chưa chữa trị khỏi bệnh cho họ tôi thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm. Chính người bệnh đã thôi thúc tôi phải cố gắng học tập, nghiên cứu tìm những phương pháp chữa bệnh hiệu quả”. Trực tiếp chữa trị, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (TBMMN), anh nhận thấy rất ít người có khả năng phục hồi chức năng nếu như không được điều trị đúng thuốc và kịp thời. Với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, anh miệt mài nghiên cứu và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Anh cho biết, để hạn chế những di chứng cho bệnh nhân TBMMN có nhiều phương pháp điều trị và phòng bệnh. Trong Tây y, thuốc thường dùng để làm giãn cơ có nhược điểm là làm yếu tất cả các cơ (kể cả cơ không bị co cứng) và dùng lâu ngày sẽ bị “lệ thuộc thuốc”, phải tăng liều dùng và hiệu quả có phần giảm đi. Trong Đông y, có rất nhiều phương pháp để làm giãn cơ như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, xông hơi, chườm đắp thuốc. Anh đã kết hợp cách chữa trị Đông y lẫn Tây y; kết hợp kỹ thuật tập luyện đúng tư thế với việc vận động phần cơ thể bị liệt mỗi ngày từ hai đến ba lần, sau đó tùy theo sự tiến triển của bệnh nhân để ứng dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng phù hợp, giúp họ phục hồi nhanh.

Năm 2012, anh và đồng nghiệp đã thực hiện đề tài: “Đánh giá hiệu quả phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người do TBMMN trong 5 năm (từ tháng 1-2007 đến tháng 12-2011) tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh” nhằm tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân cách phòng, tránh các nguy cơ gây ra TBMMN và cách tập phục hồi chức năng sau tai biến tại gia đình.

Xuân Lệ Thúy Hùng


Ý kiến bạn đọc