Multimedia Đọc Báo in

Tết ấm cho những cảnh đời bất hạnh

23:58, 04/02/2013

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh (TTBTXH) lại hối hả, tất bật với các hoạt động chuẩn bị Tết với mong muốn mang lại một cái Tết đầm ấm, bù đắp cho những người thiếu thốn tình cảm gia đình đang được nuôi dưỡng ở đây… 

Khi nhìn thấy bà Nguyễn Thị Thu, thôn 1, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) đến, cậu bé Hòa (bị bại não) khóc nức lên vì vui mừng khi gặp bà nội. Chị Phan Thị Trung, cán bộ khu nuôi dưỡng, chăm sóc người già và người khuyết tật của TTBTXH vui lây niềm vui của bé Hòa, nhanh chóng làm thủ tục cho bà đón cháu, trao lại những món quà mà các nhà từ thiện tặng và mặc cho cháu bộ quần áo dài để đi đường đỡ lạnh. Chị tâm sự: “Ngày Tết là ngày sum họp, đoàn tụ nên dù hầu hết đều có hoàn cảnh rất đáng thương, éo le nhưng các đối tượng ở đây cũng mong muốn được về bên gia đình. Năm nay, có hơn 20 người có nguyện vọng về nhà ăn Tết nên chúng tôi đang cố gắng liên lạc, thuyết phục gia đình họ đến đón về. Còn với những người ở lại, chủ yếu là người khuyết tật nặng, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, bệnh nhân tâm thần và một số đối tượng không có người thân, các cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng làm mọi cách để mang lại một cái Tết đủ đầy với mong muốn bù đắp lại những thiếu thốn tình cảm cho họ”. Công tác tại TTBTXH gần 15 năm, chị Trung cũng có từng ấy năm đón Tết với những người đang được nuôi dưỡng ở đây. Những ngày cận Tết, các cán bộ, nhân viên của trung tâm đều có những hoạt động nhằm “khuấy động” bầu không khí, mang lại hương vị ngày xuân như: sắm sửa quần áo, giày dép mới; tổ chức gói bánh chưng; ăn tất niên, chúc Tết và lì xì cho mọi người.  Ngày Tết, những cán bộ, nhân viên trong ca trực đều ân cần đến chúc Tết từng người, tổ chức hát hò, quây quần hàn huyên với các đối tượng để họ bớt chạnh lòng, không còn cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Nỗi ám ảnh nhất với chị Trung và những cán bộ, nhân viên khác là những trường hợp có người mất hoặc đau ốm đúng vào dịp Tết. “Có những năm, mùng 1 hoặc mùng 2 Tết đã xảy ra trường hợp mất hoặc đau ốm phải nhập viện, chủ yếu là những người già yếu hoặc bệnh nhân tâm thần. Khi đó, những cán bộ, nhân viên trong ca trực phải đứng ra lo liệu mọi việc, tổ chức mai táng hoặc nếu họ nhập viện thì phải đi theo chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Ngày Tết xảy ra những chuyện như thế thì buồn lắm. Vì thế, chúng tôi phải lưu ý chăm sóc cẩn thận, để ý kỹ xem các cụ già hay các cháu nhỏ có mặc đủ ấm chưa, có bỏ bữa hay có biểu hiện đau ốm gì không bởi dịp cuối năm cũng là thời điểm trời lạnh, gió độc” – chị Trung bộc bạch.

Chị Bùi Thị Lân, Phó Giám đốc TTBTXH đến động viên các cụ ở lại  đón Tết tại trung tâm.
Chị Bùi Thị Lân, Phó Giám đốc TTBTXH đến động viên các cụ ở lại đón Tết tại trung tâm.

Sang năm 2013 cũng là tròn 5 năm anh Phạm Hồng Thanh gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Với anh và các cán bộ ở đây, ngày Tết cũng vẫn làm việc bình thường như những ngày khác nếu đến ca trực. Để cho có không khí Tết, các anh tổ chức văn nghệ, trò chơi cho các bệnh nhân được nuôi dưỡng ở đây. Anh Thanh kể: “Dường như cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng của ngày đầu năm mới, vào ngày Tết, các bệnh nhân tâm thần trở nên “trầm tính”, ít lên cơn quậy phá hơn. Họ còn chúc Tết các cán bộ, nhân viên nữa. Đặc biệt, khi tổ chức văn nghệ thì họ hát hò, nhảy nhót rất nhiệt tình, vui vẻ”. Vào dịp cuối năm, các cán bộ, nhân viên ở trung tâm cũng vận động gia đình bệnh nhân tâm thần đến đón họ về đoàn tụ với gia đình nhưng số người được về rất ít, có những gia đình phó mặc luôn người thân của họ cho trung tâm mà chẳng đoái hoài gì đến. Còn có những trường hợp bệnh nhân tâm thần được đưa về nhà nhưng mới mùng một hoặc mùng hai Tết, gia đình đã đưa lên “trả” vì không chăm sóc được.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Giám đốc TTBTXH cho biết, TTBTXH hiện đang nuôi dưỡng 386 đối tượng chính sách, trong đó có 140 trẻ em mồ côi, 39 người khuyết tật nặng, 46 người già cô đơn không nơi nương tựa, 136 bệnh nhân tâm thần nặng và 25 đối tượng khác. Ngày tết, những người ở lại đón tết tại trung tâm chủ yếu là người già yếu đơn thân, người khuyết tật nặng và bệnh nhân tâm thần. Vì thế, mọi cán bộ, nhân viên trung tâm đều cố gắng đến mức tối đa, tạo mọi điều kiện tốt nhất để những đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây đón một cái Tết đủ đầy, đầm ấm nhằm bù đắp những bất hạnh và những thiếu thốn mà họ phải chịu. Bên cạnh việc sắm sửa quần áo, giày dép mới cho mọi đối tượng, năm nào cũng vậy, vào ngày 24 Tết là trung tâm lại tổ chức buổi tiệc tất niên, chúc Tết và lì xì cho tất cả mọi người. Những bữa ăn trong ngày Tết cũng tươm tất hơn. Đặc biệt, năm nay, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Dak Lak phối hợp với Tỉnh Đoàn và Hội LHTNVN tỉnh có kế hoạch tổ chức gói bánh chưng, biểu diễn văn nghệ và vui chơi cùng với các cháu mồ côi của trung tâm. Ngoài ra, vào dịp cuối năm, có rất nhiều đoàn từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến thăm, động viên và an ủi những người có đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. Chị Liên, chủ nhà hàng Thanh Lịch, người gần như Tết năm nào cũng đều đến với Trung tâm bằng tấm lòng thiện nguyện chia sẻ, khó có thể bù đắp hết được những mất mát, khiếm khuyết của những mảnh đời nơi đây, là người được sống một cuộc đời lành lặn, may mắn hơn nên bản thân cũng muốn sẻ chia, cùng với cộng đồng góp phần mang đến một cái Tết ấm cho những người có hoàn cảnh bất hạnh.

Hương Thủy


Ý kiến bạn đọc