Multimedia Đọc Báo in

Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

15:52, 11/02/2013

Thời chiến, họ là những người lính đã hy sinh tuổi xuân, xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc. Về với cuộc sống đời thường, họ tiếp tục trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Bản lĩnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được các thế hệ cựu chiến binh (CCB) tiếp nối, phát huy, tô thắm.

34 năm gắn bó với buôn làng Tây Nguyên

Vốn là thương binh hạng 4/4 nhưng sau khi nghỉ hưu, được Đảng bộ thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng chi bộ tại 3 buôn Wiao A, Wiao B và buôn U cho đảng viên CCB Đinh Văn Ruyến. Với cách làm gần dân, trọng dân, ông được bà con nơi đây xem như một già làng và gọi với cái tên trìu mến “Ma Duyên”.

CCB Đinh Văn Ruyến (bìa phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê với bà con trong buôn
CCB Đinh Văn Ruyến (bìa phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê với bà con trong buôn

Năm 2001, 3 buôn Wiao A, Wiao B và buôn U chỉ có 1 chi bộ ghép với 3 đảng viên. Lúc ấy, đời sống của người dân rất khó khăn, hộ đói, nghèo chiếm 50%, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Để đưa đời sống của người dân đi lên, phải xây dựng chi bộ, các đoàn thể vững mạnh, nhưng muốn làm được điều này, trước tiên cần tạo dựng lòng tin. Nghĩ vậy, không quản ngại khó khăn, vất vả, hằng ngày Ma Duyên đều có mặt ở buôn để nắm bắt tình hình, xử lý công việc một cách sát sao. Vì vậy trong buôn, nhà ai đói, có người ốm đau, hoạn nạn, cháu nào chăm ngoan, học giỏi... ông đều thuộc nằm lòng. Khi lòng dân đã thuận, Ma Duyên cử đảng viên có năng lực trực tiếp xây dựng chi hội CCB của 3 buôn, đến nay đã có 42 hội viên làm chỗ dựa quan trọng cho chi bộ, ban tự quản và là nòng cốt xây dựng các đoàn thể. Các chi hội CCB đã vận động những người còn sức khỏe, có uy tín tích cực tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tổ hòa giải, truyền đạt kinh nghiệm giúp chi đoàn đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên cùng tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi chi hội CCB vững mạnh, Ma Duyên tập trung xây dựng chi bộ đảng. Nhờ vậy, đến năm 2007, từ chi bộ ghép ban đầu đã tách ra thành lập 3 chi bộ Đảng của 3 buôn. Riêng chi bộ buôn Wiao A do Ma Duyên làm Bí thư hiện có 17 đảng viên, trong đó có 14 đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. 34 năm gắn bó với buôn làng, điều tâm đắc nhất của Ma Duyên là chi bộ đã và đang cùng nhân dân chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không còn nhà dột nát, tạm bợ. Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ gìn, phát huy, từ 8 nghệ nhân ban đầu, nay đã đào tạo, phát triển 20 nghệ nhân trẻ vào đội cồng chiêng. Buôn Wiao A, Wiao B và buôn U được công nhận buôn văn hóa cấp huyện 7 năm liền.

Người “kết nối nghĩa tình” CCB

Năng nổ, nhiệt tình, hết mình vì công việc là những đức tính nổi bật của chị Hà Thị Thắm, người đã gần 10 năm làm Chi hội trưởng CCB thôn 2 (xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo). Chị tâm niệm: “Là bộ đội Cụ Hồ, trước hết phải gương mẫu, luôn cố gắng, hết lòng vì công việc, đóng góp cho xã hội được bao nhiêu thì cứ làm”.

Vào lập nghiệp ở vùng đất mới, với bản lĩnh được tôi luyện trong chiến đấu, hai vợ chồng CCB Hà Thị Thắm không lùi bước trước khó khăn. Bằng cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, sau nhiều năm gây dựng, anh chị đã có một cơ ngơi khá: trang trại chăn nuôi, ao cá, 1 ha cà phê kinh doanh, lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng/năm. “Từ khi ông ấy bị bệnh hiểm nghèo, mọi việc trong nhà mình tôi đứng mũi chịu sào, cơ nghiệp vất vả tạo dựng được không lẽ bỏ dở. Trừ những lúc lo công tác Hội, chăm chồng ốm, hễ về đến nhà là lại xắn tay áo lao vào công việc của trang trại”, chị Thắm cười nói. Bận bịu là thế nhưng năm 2006, khi được chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ kết nghĩa, giúp đỡ chi hội CCB buôn Đung A (xã Ea Khăl), với trách nhiệm của một chi hội trưởng CCB, chị không ngần ngại nhận lời. Để công tác kết nghĩa đạt kết quả, chị phân công từng hội viên trong chi hội kết nghĩa với một gia đình hội viên buôn Đung A; đồng thời chủ động đề xuất, tổ chức cho 2 chi hội sinh hoạt chung nhằm hướng dẫn cách thức điều hành, ghi chép biên bản, sổ sách và xây dựng tổ chức Hội. Nhờ vậy, từ 5 hội viên ban đầu, chỉ sau một năm kết nghĩa, chi hội buôn Đung A đã phát triển lên 21 hội viên. Nắm bắt thực tế đời sống nhiều hội viên buôn kết nghĩa còn khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, chị đề ra kế hoạch xây dựng Quỹ “Đồng đội”. Ban đầu, nhiều hội viên trong buôn rất ngần ngại vì sợ số tiền đóng góp bị thất thoát, chị lại tổ chức họp và đến từng nhà giải thích rõ ý nghĩa hoạt động của quỹ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Đến nay, Quỹ “Đồng đội” của buôn Đung A đã huy động được trên 40 triệu đồng, giúp 3 hội viên nghèo vay phát triển kinh tế. Với điều kiện và kinh nghiệm của một người sản xuất kinh doanh giỏi, chị còn tận tình hướng dẫn bà con cách thức làm ăn, cho mượn con giống trả chậm để chuyển đổi từ độc canh cây hoa màu, cà phê sang chăn nuôi heo siêu nạc, heo rừng lai, nhím, cây công nghiệp khác… Từ sự giúp đỡ của chị, gia đình Ama Khoan, Ama Let, Ama Pheo, Ama Khanh, Ama Minh… đã có cuộc sống ổn định hơn, 100% hội viên trong buôn đều được công nhận là “CCB gương mẫu”, gia đình CCB văn hóa.

Chủ tịch Hội CCB xã “3 trong 1”

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, tích cực đóng góp xây dựng địa phương, hỗ trợ các hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống là những việc làm đã được ông Nguyễn Tấn Chính, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) duy trì, phát huy trong suốt những năm qua.

Ông Nguyễn Tấn Chính (thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ Hội CCB tỉnh, huyện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hội viên
Ông Nguyễn Tấn Chính (thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ Hội CCB tỉnh, huyện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hội viên

Năm 1980, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, ông Chính lập gia đình với hai bàn tay trắng. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó cùng những phẩm chất được rèn luyện trong quân ngũ đã giúp ông vượt qua khó khăn và xây dựng nên cơ nghiệp. Từ chỗ không vốn liếng, đất đai, ông làm đủ nghề để kiếm sống, đến nay ông đã trở thành chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản với tổng giá trị tài sản của gia đình trên 7 tỷ đồng, hằng năm giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương, mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Cuộc sống no đủ, ông không quên chia sẻ với bà con thôn 12, nhất là con em hội viên CCB, hễ ai gặp khó khăn, hoạn nạn ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông đã cho 15 hội viên CCB mượn 130 triệu đồng không tính lãi, đồng thời đứng ra thế chấp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho 40 hội viên CCB, nông dân vay 1 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hằng năm, gia đình ông đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết… Nhờ sự giúp đỡ của ông, 6 hội viên CCB trong xã đã thoát nghèo bền vững. Không chỉ tích cực trong phong trào của Hội, với trách nhiệm người Bí thư Chi bộ thôn 12, ông Chính đã khởi xướng và cùng một người dân trong thôn đầu tư trên 48 triệu đồng mở rộng, nâng cấp đường cấp phối từ thôn 12 và 17 vào nghĩa trang Đoàn Kết…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc