Multimedia Đọc Báo in

Vị tiến sĩ bảo tồn loài cây quý

21:07, 12/02/2013

Có một nhà khoa học đã dồn tất cả tâm huyết trong 5 năm trời để nghiên cứu, nhân giống cây thủy tùng – loài cây quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thành công của ông đã mở ra cơ hội lớn đối với việc bảo tồn, phát triển quần thể thủy tùng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đó là tiến sĩ (TS) Trần Vinh - Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Nhà khoa học “liều lĩnh”


Là một nhà khoa học gắn bó lâu năm với ngành nông, lâm nghiệp, cây thủy tùng có ấn tượng đặc biệt đối với TS. Trần Vinh. Tình trạng quần thể loài cây quý hiếm này ngày càng bị suy kiệt do thoái hóa giống và bị con người khai thác quá mức, khiến ông cảm thấy xót xa. Hiện nay trên thế giới chưa có công trình khoa học nào thật sự bài bản về loài cây này; ở Việt Nam cũng chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu, nhân giống thủy tùng. Với tất cả niềm đam mê và một chút “liều lĩnh”, ông quyết định chọn cây thủy tùng làm đối tượng nghiên cứu của mình. Năm 2007, TS. Trần Vinh bắt đầu hành trình tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện ý tưởng của mình. “Mặc dù đã cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng khi quyết định “ôm” thủy tùng, tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng vì chưa ai thực sự thành công khi nghiên cứu loài cây này, chứ chưa nói đến việc nhân giống đại trà” - TS. Trần Vinh nhớ lại. Từ đó, ông đã dành hết thời gian, tâm sức, tài sản để thực hiện công trình. Chưa có nhiều người nghiên cứu, vốn tài liệu về cây này cũng ít ỏi nên ông phải vào thư viện, lùng sục trên Internet để “nhặt” từng mẩu thông tin vụn vặt làm “vốn” cho đề tài. Khi đã có lý thuyết khoa học cơ bản về cây thủy tùng, ông bắt tay vào tìm hiểu thực tế. Và, cũng chính từ đây ông gặp những khó khăn mà trước đó chưa lường được…

Công việc đầu tiên trong quá trình nghiên cứu thực tế của TS. Trần Vinh là theo dõi quá trình sinh sản của cây thủy tùng. Ông nhận thấy, đây là loài có quả nhưng nõn của hoa đực bị thối, không thụ phấn được nên quả bị rỗng, không có phôi sinh sản. Đây là lý do loài cây này không thể sinh sản hữu tính nên số lượng quần thể ngày càng ít đi. Vì vậy, muốn nhân giống loài thủy tùng, chỉ có thể sử dụng phương pháp vô tính theo ba cách: dâm hom, cấy mô và ghép chồi. Ban đầu, ông thử nghiệm việc tạo cây giống bằng cách dâm hom và cấy mô, nhưng kết quả thành công chỉ đạt 10 – 15%, nhưng khi đem ra trồng thì cây không sống được. Còn giải pháp cuối cùng là ghép chồi, nhưng để làm được điều này khó như “húc đầu vào đá” vì phải tìm được cây ghép cùng họ với thủy tùng. Lúc này, TS. Trần Vinh gần như bế tắc và tưởng như công trình với bao tâm huyết phải bỏ dở. Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, ông đi đến một quyết định táo bạo: ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc (tên khoa học là Taxodium distichum - loài cây có họ hàng gần với thủy tùng). Cụ thể, lấy hạt của cây bụt mọc ươm lên thành cây, chờ đến thời điểm thích hợp thì lấy chồi cây thủy tùng khỏe mạnh ghép vào thân cây bụt mọc để tạo thành cây ghép mới. Ý tưởng là vậy nhưng cũng từ đây những khó khăn, gian khổ lớn nhất trong quá trình nghiên cứu mới đến với nhà khoa học này. Để có chồi ghép, ông phải lặn lội đến những khu vực có loại cây này nằm trong những khu rừng sâu, nằm giữa đầm lầy ở Ea H’leo và Krông Năng, rồi trèo lên cây cao, chọn những cành khỏe mạnh, không sâu bệnh để cắt. Tuy nhiên, việc khó hơn nữa là tìm được cây bụt mọc; bởi loại này cũng… hiếm như thủy tùng. Ông phải gửi mua hạt giống bụt mọc từ Mỹ về (với giá bằng mấy tấn cà phê) đem gieo trong vườn nhà để tiện chăm sóc, phục vụ cho việc ghép chồi nhân giống thủy tùng.

Ông Vinh kiểm tra cây ghép mới
Ông Vinh kiểm tra cây ghép mới

Bảo tồn loài cây quý

Vất vả, khó khăn ròng rã mấy năm trời, đến năm 2011 giống cây thủy tùng chính thức được ông lai ghép thành công. Nhìn những gốc ghép đầu tiên phát triển tốt, ông vui mừng trào nước mắt vì bao công sức lâu nay đã cho quả ngọt. Việc nhân giống thành công cây thủy tùng theo phương pháp ghép chồi trên thân cây bụt mọc của ông đã được chứng nhận thông qua luận án tiến sĩ “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng tại Việt Nam”, do hội đồng khoa học Trường ĐH Lâm nghiệp xét duyệt.
Thủy tùng (còn gọi là thông nước) tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) là loài cây quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam, có giá trị lớn về khoa học, kinh tế và môi trường, được xem như hóa thạch sống của ngành cây hạt trần, vì cây này xuất hiện cách nay khoảng 10 triệu năm. Nguy cơ tuyệt chủng của loài “hóa thạch sống” này càng trầm trọng hơn khi tin đồn về tác dụng chữa các bệnh nan y như ung thư, thấp khớp… của thủy tùng khiến nhiều người đổ xô săn lùng. Trên thế giới, thủy tùng hiện chỉ còn tồn tại ở Lào, Trung Quốc và Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất, với gần 260 cây ở Ea H’leo và Krông Năng - Dak Lak. “Việc nhân giống thành công cây thủy tùng là một sự kiện rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn loài cây cực kỳ quý hiếm này; nhưng điều tôi mong muốn cuối cùng là nhân rộng phát triển quần thể loài cây này thành những cánh rừng thủy tùng cho con cháu đời sau” – TS. Trần Vinh chia sẻ.
Nhận thấy, triển vọng đem thủy tùng trồng tự nhiên là hoàn toàn khả thi, lứa đầu tiên ông tiến hành ghép chồi 1.000 cây. Sau 1 năm trồng trong vườn, cây phát triển tốt, đường kính đạt 40 cm, cao 2,5 m và đặc biệt có ưu thế nổi bật so với cây mọc tự nhiên là có thể trồng trên cạn. Ông khẳng định: nếu trồng với số lượng đủ lớn và sinh cảnh phù hợp, thủy tùng hoàn toàn có khả năng tự thụ phấn, sinh sản bằng hạt tạo thành quần thể lớn trong tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần một dự án thật sự bài bản mới có thể cứu vãn được thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng. Một tín hiệu lạc quan đối với tương lai của loại cây quý này là vào tháng 9-2012, Khu bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng được thành lập tại thôn Trấp K’sơ, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ Dak Lak đang triển khai đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thủy tùng ở Dak Lak”, theo đó trong năm 2013 sẽ trồng 200 cây giống thủy tùng ghép do TS. Trần Vinh tạo giống tại những khu vực có điều kiện tự nhiên hợp với loại cây này tại huyện Ea H’leo và Krông Năng. Tuy là loài cây quý hiếm nhưng thủy tùng lại dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần chăm sóc nhiều như một số loại cây rừng khác nên nếu được hỗ trợ, chuyển giao cho người dân thì việc bảo tồn và phát triển loại cây này cũng không quá khó khăn – TS. Trần Vinh tâm sự một cách đầy tin tưởng. Ông cho biết: “Nếu được trồng phổ biến và người dân không chặt phá thì những cánh rừng thủy tùng sẽ dần trở lại với Tây Nguyên, làm phong phú thêm hệ sinh thái rừng cho các thế hệ mai sau…”

Minh Thông
 


Ý kiến bạn đọc