Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh ý tưởng xây dựng con đường hoa xuân Buôn Ma Thuột

20:35, 02/02/2013

Mùa Xuân đang đến thật gần. Chợ hoa Buôn Ma Thuột là một trong những điểm đem lại không khí xuân sớm nhất ở phố núi cao nguyên này. Vừa qua, Báo Dak Lak đã có bài “Con đường hoa xuân Buôn Ma Thuột, tại sao không?”, sau đó đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của độc giả về ý tưởng này để tạo hương sắc cho phố núi nhất là trong những ngày xuân.

* KTS Võ Tấn Chí, Công ty TNHH Xây dựng và Môi giới bất động sản Đất Vàng:

Rất ấn tượng nếu thiết kế thể hiện được những nét độc đáo của thành phố

Xây dựng con đường hoa xuân ở TP.Buôn Ma Thuột là một ý tưởng rất hay, vừa tránh lãng phí nguồn hoa không tiêu thụ hết của nhà vườn trong dịp Tết, vừa góp thêm một địa điểm du xuân cho người dân tỉnh nhà. Theo tôi, mỗi năm Nhà nước có thể dành một khoản trong ngân sách kết hợp với kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp để tổ chức con đường hoa này. Không tham vọng “bì” được với đường hoa Nguyễn Huệ ở TP.Hồ Chí Minh, con đường hoa xuân Buôn Ma Thuột chỉ cần một đoạn khoảng 200-300 mét, thích hợp nhất là đoạn đường Nguyễn Tất Thành từ Ngã Sáu lên đến bùng binh giao giữa Nguyễn Tất Thành-Đinh Tiên Hoàng bởi nếu tổ chức ở đây sẽ không cản trở giao thông, khi cần ngăn xe để tạo thành một quãng phố đi bộ, khu vực này lại ở trung tâm thành phố, người dân sẽ có những góc độ chụp ảnh rất đẹp với một trong những nét đặc trưng của Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, để ý tưởng xây dựng con đường hoa xuân trở thành hiện thực, cần phải có những thiết kế cụ thể sao cho con đường hoa thể hiện được những nét độc đáo riêng của Buôn Ma Thuột, không lẫn với Đà Lạt hay TP.Hồ Chí Minh; cần có những tính toán cụ thể về bố trí không gian, tổ chức dịch vụ, vấn đề an ninh, phòng chống cháy nổ…

* Ông Sơn Xiển, Cơ sở cây cảnh Sơn Lâm, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột):

Quảng bá những nét văn hóa đặc trưng từ con đường hoa xuân

Vẻ đẹp của hoa và cây cảnh níu bước chân người.
Vẻ đẹp của hoa và cây cảnh níu bước chân người.

Hơn 10 năm trở lại đây, hằng năm gia đình tôi đều mang cây cảnh, hoa xuân ra đường hoa xuân Trường Chinh, Phan Bội Châu… để trưng bày và bán hoa xuân. Theo suy nghĩ của riêng tôi, một người trồng cây cảnh, hoa xuân cũng đã lâu năm, nếu ngay tại TP. Buôn Ma Thuột có con đường hoa xuân thì đây là một điều rất tuyệt vời. Bởi theo nhiều lẽ, thứ nhất, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I và phấn đấu trong tương lai sẽ lên trực thuộc trung ương; hai nữa, đặc trưng Buôn Ma Thuột có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên từ đó, con đường hoa xuân sẽ mang những nét văn hóa riêng, hội tụ vùng miền. Con đường hoa này có thể kết hợp giữa hoa cây cảnh với các đặc trưng văn hóa như cồng chiêng, đồ thổ cẩm, mỹ nghệ được làm từ gỗ, gỗ lũa, đá phong thủy… Và nếu con đường hoa xuân trở thành hiện thực, tôi nhất định sẽ sáng tác những mẫu hoa, cây cảnh thật đẹp để trưng bày.

*Chị Đinh Thị Hà, tỉnh Bình Phước, du khách tham quan:

Đây sẽ là điểm du lịch ấn tượng và hấp dẫn

Tôi có nhiều người bạn thời sinh viên tại Buôn Ma Thuột nên cũng rất hay lên thành phố cao nguyên này du lịch, tham quan. Từng tham gia con đường hoa xuân Nguyễn Huệ tại TP. Hồ Chí Minh nên tôi có nhiều cảm nhận về con đường này. Tôi thấy ý tưởng về một con đường hoa xuân ngay chính tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột rất hay, nên hiện thực hóa ý tưởng đó. TP. Buôn Ma Thuột vốn có một vẻ đẹp yên bình, cùng những con đường rợp mát bóng cây, được điểm tô thêm màu sắc của đường hoa xuân sẽ tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Theo tôi nếu hình thành con đường hoa xuân cần có không gian văn hóa, tạo bản sắc riêng cho chính con đường này, như kết hợp vẻ đẹp của hoa với văn hóa cồng chiêng, nhà dài… giúp người dân thành phố nói riêng và du khách nói chung hiểu rõ hơn về văn hóa Tây Nguyên.

*Ông Nguyễn Cảnh Tuấn (Phòng Kế hoạch - Vật tư – Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Dak Lak):

Hoàn toàn khả thi về chuyên môn

Là người tham gia trực dọn vệ sinh thành phố trong đêm  giao thừa từ năm 2007 đến nay, tôi cũng cảm thấy "tiếc của" khi chợ hoa tan mà lượng hoa bày bán không hết bị dẹp bỏ. Vào đêm giao thừa, với tâm lý giữ giá cho mùa sau, thương lái và người trồng hoa chấp nhận chịu “lỗ”, sẵn sàng đập bỏ chứ không bán rẻ như nhiều người lầm tưởng. Thế nên nếu ý tưởng xây dựng con đường hoa xuân thành hiện thực, sẽ “cứu” được một lượng lớn hoa thừa, vừa tránh được lãng phí, vừa giúp người bán bảo đảm thu nhập, và trên hết là người dân có thêm điểm vui xuân lý thú. Về chuyên môn, để phục vụ cho ý tưởng trên, với năng lực thi công của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Dak Lak, bảo đảm “con đường hoa xuân” sẽ được hoàn thành trước 6 giờ sáng để tất cả mọi người có thêm một khu vui chơi trong những ngày Xuân.

*Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hòa Thắng - TP. Buôn Ma Thuột:

Độc đáo nếu xây dựng và tổ chức một cách bài bản

Rõ ràng việc vứt bỏ hoa thừa trong đêm cuối cùng của năm là một thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, muốn ý tưởng xây dựng con đường hoa xuân thành hiện thực thì các nhà quản lý cần xây dựng và tổ chức một cách bài bản. Trước hết, theo tôi việc xây dựng con đường hoa xuân phải có kế hoạch, ý tưởng cụ thể trước mỗi mùa để từ đó có thể định hướng cho người nông dân trong việc gieo trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Kế đến, về lâu dài, để duy trì và phát triển con đường hoa xuân, ngoài việc thu gom “hoa thừa” cần phải có sự đầu tư nhất định để tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn ngay từ lần đầu tiên ra mắt. Nếu làm được như vậy thì những mùa kế tiếp cũng không loại trừ khả năng tổ chức bán vé cho việc tham quan và lấy số tiền ấy phục vụ “tái đầu tư”.

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.