Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” Góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sống của bà mẹ, trẻ em
Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015 (Đề án 704) của Trung ương Hội LHPN Việt Nam được Chính phủ phê duyệt ngày 19-5-2010 là một trong 3 đề án lớn đang được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phối hợp triển khai.
Sau gần 2 năm thực hiện, Đề án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sống của bà mẹ, trẻ em.
Chủ động xây dựng mô hình
Không khí của buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) bỗng trở nên sôi động, nhộn nhịp hẳn lên khi 60 thành viên cùng bước vào phần “Hái hoa dân chủ”. Hàng loạt câu hỏi thường gặp trong sinh hoạt, cuộc sống của mẹ và con gái lần lượt được nêu lên: “Nếu hai bạn khác giới chơi thân với nhau thì có phát sinh tình cảm không? Vì sao lại dùng các biện pháp mạnh để dạy con? Khi con đã đến tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải làm gì? Chị hãy cho biết nguyên tắc cơ bản nào sau đây để dạy con là đúng? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể trẻ em? Làm thế nào để trở thành con ngoan, trò giỏi?...”. Tuy phần lớn thành viên CLB là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nông, ít có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin nuôi dạy con cái, hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản còn hạn chế nhưng thông qua việc sinh hoạt CLB đã trả lời, lý giải, nêu ví dụ cụ thể, sinh động về vấn đề kết hôn, bình đẳng giới, sự phát triển của cơ thể bé gái, quan hệ với bạn khác giới... Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pak Trịnh Thị Oanh chia sẻ: “CLB “Kết nối mẹ và con gái” được thành lập nhằm cụ thể hóa những nội dung của Đề án 704. Thay vì tuyên truyền suông từ văn bản thì thông qua các hoạt động văn nghệ, trò chơi sôi động, CLB lồng ghép các nội dung như chăm sóc sức khỏe sinh sản, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi dậy thì, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cách phòng tránh, các biện pháp tránh thai, cách chia sẻ, tâm sự với con tuổi mới lớn… CLB đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái”.
Thành viên CLB “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu trả lời các câu hỏi trong phần “Hái hoa dân chủ”. |
Cùng với CLB “Kết nối mẹ và con gái” ở xã Ea Hiu, để thực hiện hiệu quả Đề án 704, tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương, Hội Phụ nữ các cấp đã thành lập các CLB như: “Kết nối giữa bố, mẹ và con” (huyện Cư M’gar), “Nuôi, dạy con tốt” (huyện Cư Kuin), “Những ông bố, bà mẹ nuôi dạy con tốt” (huyện Ea Kar), “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Mẹ và bé” (TP. Buôn Ma Thuột)… Các CLB trên đã linh hoạt trong cách thức tổ chức sinh hoạt như xây dựng tiểu phẩm, trao đổi, tọa đàm, hỏi – đáp nhanh, hái hoa dân chủ, hội thi… nhằm cung cấp những kiến thức nuôi dạy, giáo dục con, tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó, cởi mở giữa các thành viên trong gia đình.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động
Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, Hội LHPN tỉnh đã chọn xã Ea Tiêu và Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) để triển khai thực hiện thí điểm Đề án, tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt, tiến hành khảo sát thực trạng và nhu cầu nuôi, dạy con của 1.000 ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi tại 6 xã, phường thuộc các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Ea H’leo, Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, đi sâu tìm hiểu thực trạng nuôi dạy con; sự hiểu biết, kiến thức, thái độ, hành vi nuôi dạy con; những yếu tố tác động ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con; nhu cầu và mong muốn của các ông bố, bà mẹ trong việc nuôi dạy con hiện nay. Qua khảo sát cho thấy, 55% ông bố, bà mẹ nắm được các kiến thức cơ bản về nuôi con dưới 5 tuổi; 45% thường nuôi dạy con bằng kiến thức, kinh nghiệm của bản thân… Đặc biệt, 85% bố mẹ có con ở tuổi vị thành niên lúng túng trong việc giáo dục con, thiếu kiến thức hiểu biết về tâm, sinh lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng chia sẻ, trao đổi với con.
Tỉnh hội cũng chỉ đạo Hội LHPN 15 huyện, thị xã, thành phố khảo sát nắm tình hình, thực trạng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại địa phương làm cơ sở cho công tác tuyên truyền Đề án với nhiều hình thức phong phú. Trong đó, tập trung truyền thông lồng ghép vào các chương trình, hoạt động của ngành, đoàn thể như “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN tỉnh; chương trình “Tăng cường truyền thông lồng ghép và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình” của ngành Y tế hay cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình xây dựng nông thôn mới… Nội dung của đề án còn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, các CLB, tổ, nhóm như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB chăm sóc sức khỏe vị thành niên, tổ phụ nữ không có con, em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội…
Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 704 tỉnh khẳng định, đây là Đề án có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như nâng cao kiến thức cho người dân về nuôi, dạy và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, để Đề án thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, ngành, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng của người dân.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc