Để hạn chế vi phạm về tốc độ của các phương tiện vận tải đường bộ
Có thể nói căn bệnh chủ quan của nhiều lái xe là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tai nạn giao thông từ va quẹt nhỏ cho đến thảm khốc.
Bất cứ người dân nào tham gia giao thông, hoặc là hành khách trên các chuyến xe thì chẳng xa lạ gì việc tài xế đua tốc độ. Ngoài những khu vực có cảnh sát giao thông chốt chặn, đo tốc độ thì gần như tất cả các tài xế đều chạy nhanh hết mức có thể. Các xe có gắn thiết bị giám sát hành trình khi tốc độ vượt quá quy định 70-80 km/h sẽ phát tín hiệu bíp bíp, đèn nháy đỏ liên tục, nhưng việc cảnh báo là của máy, còn việc chạy đua là chuyện của lái xe. “Người ta chạy, người ta biết, mấy người đừng rỗi hơi!” - đó là phản ứng thường thấy của lái xe khi có người nhắc nhở hạn chế tốc độ.
Trong quá trình lưu thông, nhiều tình huống bất ngờ khiến lái xe trở tay không kịp đã tạo nên những vụ va chạm, tai nạn giao thông. Có thể ví dụ: đường đang rất đẹp bỗng dưng sóng trâu, ổ voi sâu hoáy; bên này dốc thì nắng đẹp, lưng chừng dốc bên kia mưa rào, nước chảy thành suối trên đường gây trơn trượt; những đoạn đường thi công dở dang, đào cống, rãnh, làm cầu đường các đơn vị thi công cẩu thả quên không đặt biển báo hiệu; xe đang chạy có người chán đời lao vào xe, hay ném thẳng hòn đá vào giữa mặt tài xế…
Ở các tình huống bất ngờ, kể cả người ta giăng cây cối, gạch đá ngăn đường, đào hố, đường trơn trượt... lái xe chỉ có chạy chậm thì mới có cơ hội thoát khỏi tai nạn. Nếu như tất cả các lái xe đều có suy nghĩ: phía trước mình là tai nạn đang chờ, phải thật cẩn thận, phải giảm tốc độ đến mức có thể để lường, tránh hết mọi tình huống thì đâu ra nông nỗi...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có chế tài thật mạnh kiểm tra, giám sát tốc độ của tất cả các loại xe, chứ không riêng gì xe khách. Tất cả các xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình; các chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh xe phải có đội ngũ theo dõi máy, gọi điện buộc tài xế phải tuân thủ tốc độ cho phép. Nếu chủ xe, doanh nghiệp nào để xảy ra tai nạn liên quan đến tốc độ phải chịu trách nhiệm đền bù, phải đi tù, phải đình chỉ hoạt động. Chỉ cần buộc trách nhiệm vào người chủ phương tiện thì sẽ hạn chế được rất nhiều, không cần phải rải cảnh sát giao thông ra đường để bắn tốc độ, vừa không hiệu quả, vừa phát sinh nạn mãi lộ.
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc