Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ “ăn theo” lễ đền chùa ngày đầu năm

10:09, 03/03/2013

Với mong muốn cầu an, cầu may cho một năm mới tốt đẹp hơn, bắt đầu từ mùng 1 Tết đến ngày rằm tháng Giêng, số lượng người dân hành hương về các đền, chùa trên địa bàn tỉnh rất đông. Nhưng bên cạnh tín ngưỡng thiêng liêng nơi cửa phật vẫn còn một số nơi xuất hiện những hình ảnh phản cảm, gây không ít bức xúc cho khách hành hương, trong đó phải kể đến các dịch vụ “ăn theo”.

Không khó bắt gặp trước các cổng chùa bề thế, uy nghiêm là hình ảnh của những người bán hàng rong, đồ chơi trẻ em và các lễ vật đi chùa như chim phóng sinh, nhang, vàng mã. Điều đáng nói ở đây là tình trạng chèo kéo, năn nỉ khách mua lễ vật ngay tại cổng đền, chùa gây nhiều phiền toái cho khách đi chùa. Đặc biệt, các lễ vật ở đây được bán với giá đắt đỏ, thậm chí gấp 2, 3 lần so với bên ngoài, nhưng vì ở nơi chốn thiêng liêng nên nhiều khách chấp nhận mua giá cao mà không trả giá. Chẳng hạn, giá một bó nhang nhỏ ngoài thị trường khoảng 2 đến 3 nghìn đồng thì trước cổng chùa bán với giá 5 nghìn đồng. Bên cạnh đó, một số người còn tìm cách “móc túi” khách hành hương bằng việc phô tô các sách tử vi, tướng số, mỗi tờ phô tô tương ứng với 1 năm tuổi có giá 2 nghìn đồng. Dịch vụ này cũng hái ra tiền, do chỉ tốn mấy đồng tiền lẻ nên số lượng người mua khá đông. Những thợ chụp ảnh cũng tranh thủ lúc đông khách để kiếm tiền, với giá cao hơn 2 lần so với bên ngoài, mỗi tấm hình chụp ở đây có giá khoảng 20 nghìn đồng. Một số khách cẩn thận, sợ bị chặt chém nơi chốn trang nghiêm thì chuẩn bị lễ vật ở nhà, nhưng cũng không tránh khỏi bị làm phiền. Chị Nguyễn Thị Mận (huyện Cư Kuin) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm tháng Giêng, cả gia đình chị đều lên phố đi chùa để cầu cho con cái mạnh khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc, gia đình hạnh phúc hòa thuận; nhưng chị rất ghét cảnh năn nỉ mua lễ vật ở các đền, chùa. Vì thế, trước khi đi chùa chị chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ lễ vật nhưng vẫn bị đội ngũ bán hàng bao vây nài nỉ mua lễ.

Người ăn xin và người bán lễ vật, sách tử vi án ngữ trước cổng đền
Người ăn xin và người bán lễ vật, sách tử vi án ngữ trước cổng đền


Trong khi đó, những người làm nghề ăn xin cũng lợi dụng cổng chùa để kiếm tiền. Với bộ dạng khắc khổ, quần áo rách rưới và chiếc mũ rách nát là những vật bất ly thân của đội quân “cái bang”. Những đối tượng này án ngữ ngay tại cổng chùa, hễ bất cứ ai đi qua cũng đều ngửa mũ xin tiền. Nhiều người rất bực bội khi gặp phải cảnh tượng này, bởi lúc vào cũng như lúc ra cổng đều chạm phải ăn xin, nhưng với quan niệm đầu năm làm việc thiện thì cả năm sẽ gặp may nên nhiều khách không ngần ngại cho tiền những đối tượng này. Một trong những dịch vụ không bao giờ thiếu ở các đền, chùa ngày đầu năm là xem bói toán. Trong vai một người đi chùa, tôi tiếp cận với một vị thầy bói,  mặc dù “thầy” bảo xem chỉ tay để phán, nhưng theo quan sát của tôi, lúc phán, mắt “thầy” cứ lấm la lấm lét nhìn xem xung quanh. Nếu quanh “thầy” là những người đi chùa như tôi thì cùng lúc thầy vừa phán vừa mời tiếp khách khác xem bói. Quan sát khoảng 1 giờ đồng hồ, tôi nhận ra với khách nào “thầy” cũng phán một cách chung chung về hôn nhân gia đình, công danh, sự nghiệp và đường con cái. Mặc dù trước khi xem “thầy” bảo là tùy tâm của gia chủ, nhưng hầu như người nào hỏi càng nhiều thì mức phí càng tăng lên, từ khoảng 50 đến 100 nghìn đồng. Để tránh lực lượng quản lý chùa, các thầy bói thường len lỏi tiếp cận các đám đông để dễ bề “tác nghiệp”. Bên cạnh đó, dịch vụ trông giữ xe thời vụ theo đó cũng mọc lên nhan nhản. Chỉ với vài tấm bạt và mấy chiếc cọc là người trông  xe có thể kiếm bộn tiền vào những ngày này. Giá trông xe gần khu vực đền, chùa cũng cao hơn các điểm giữ xe bên ngoài, trung bình khoảng 5 nghìn đồng/xe máy.
Vẫn biết, đó chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nếu những cảnh tượng này tiếp tục tiếp diễn ở các đền, chùa, không những gây phiền nhiễu cho khách mà còn làm mất đi vẻ tôn nghiêm ở chốn thiêng cửa phật. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để dẹp những cảnh này; đồng thời tiến hành niêm yết giá các dịch vụ để bảo đảm quyền lợi của khách hành hương và trên hết để khách không còn phải chứng kiến cảnh phiền toái như đã nói ở trên.

Hoàng Tuyết
 


Ý kiến bạn đọc