Multimedia Đọc Báo in

Những nữ “thủ lĩnh”năng động

17:04, 25/03/2013

Năng động, nhiệt tình, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ là những phẩm chất đáng quý của các nữ “thủ lĩnh” trên mỗi lĩnh vực công tác.

Đối với họ, thành công lớn nhất không chỉ là sự tin yêu, quý mến mà cả những đổi thay, ấm no, hạnh phúc của cuộc sống người dân.

Nữ chủ tịch xã vùng ba năng động

Chuyển từ Bắc Giang vào Dak Lak lập nghiệp với tấm bằng Trung cấp hành chính, chị Nguyễn Thị Châm được tiếp nhận vào làm văn thư và là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) từ năm 1999. Với sự xông xáo, năng nổ, nhiệt tình trong công việc, 5 năm sau chị được tín nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng UBND xã, đến năm 2010 được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, rồi Chủ tịch UBND xã cho đến nay. Để có thể đảm đương công việc, chị vừa tranh thủ thời gian học đại học chuyên ngành hành chính công tại Phân viện Hành chính Tây Nguyên, đồng thời đi sâu, đi sát tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống của người dân để kịp thời có hướng chỉ đạo giải quyết, giúp đỡ. “Là chủ tịch của một xã vùng 3 với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm trên 80%, tôi gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, những lề thói cũ trong phát triển sản xuất, chăn nuôi của bà con. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm và từng bước nâng cao đời sống người dân phải bắt đầu từ những việc thiết thực nhất”, chị Châm chia sẻ. Qua khảo sát nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở địa phương là do thiếu tư liệu sản xuất, vốn, lao động, không có việc làm, không biết cách làm ăn... chị đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa, cà phê, chăn nuôi bò vỗ béo, heo, gà thả vườn, hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, chính quyền xã phối hợp với các ngành hữu quan của huyện hỗ trợ người dân về y tế, giáo dục, cứu đói giáp hạt, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, làm nhà ở theo chương trình 134, 135, 167…  Đặc biệt, thông qua việc xây dựng Đề án “Giảm nghèo bền vững xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak giai đoạn 2013 – 2015”, cuối năm 2012, xã đã được UBND tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, mua 100 con bò giống cấp cho 100 hộ nghèo. Là người trực tiếp soạn thảo đề án nên để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, chị Châm trực tiếp phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và mỗi đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trợ giúp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý và xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Nhờ vậy, đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo xã Ea Yiêng đã giảm xuống còn 73%, đời sống của phần lớn người dân ổn định hơn trước. Bận rộn là vậy nhưng những ngày nghỉ cuối tuần, chị lại tranh thủ cùng chồng gieo trồng 3 sào hoa màu, chăn nuôi heo để có thêm thu nhập chăm lo cho 2 con ăn học. Nói về bí quyết “giữ lửa” cho công việc và hạnh phúc gia đình, nữ chủ tịch 41 tuổi này bày tỏ: “Nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dành cho công việc ngày càng nhiều, nhưng đã là phụ nữ thì không thể sao nhãng thiên chức làm vợ, làm mẹ”.


Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Nguyễn Thị Châm (bìa trái) kiểm tra việc chăn nuôi bò được hỗ trợ từ Đề án giảm nghèo cho  người dân ở buôn Kon Wang.
Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng Nguyễn Thị Châm (bìa trái) kiểm tra việc chăn nuôi bò được hỗ trợ từ Đề án giảm nghèo cho người dân ở buôn Kon Wang.

 

Công tác Hội là niềm vui

Đảm nhiệm công việc của một chi hội trưởng phụ nữ thôn, đến phó ban chuyên trách dân số xã, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Sar (huyện Ea Kar), gần 16 năm qua, chị Hoàng Thị Tuyết (dân tộc Tày) luôn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với lợi thế của một cán bộ Hội người dân tộc thiểu số lại nhanh nhẹn, nhiệt tình, thành thạo chữ viết và tiếng phổ thông, chị không quản ngại đi xuống tận các thôn, buôn nắm bắt tình hình đời sống của người dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên mọi việc gặp rất nhiều khó khăn. Không ngại khó, ngại khổ, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác Hội, đồng thời tranh thủ cả những khi đi làm đổi công cùng chị em để tuyên truyền. Hội Phụ nữ xã Ea Sar có trên 1.200 hội viên, trong đó một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh hoạt ở 13 thôn, buôn, số phụ nữ nghèo chiếm 30% mà nguyên nhân chủ yếu là do đẻ nhiều, đẻ dày, thiếu vốn, tư liệu, kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy, ngoài việc đi đến từng hộ gia đình phân tích, thuyết phục thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chị còn tìm đến các cộng tác viên dân số lâu năm để trao đổi, học hỏi, cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Trong các buổi sinh hoạt Hội tại thôn, buôn, chị tranh thủ lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số.


Chủ tịch Hội  Phụ nữ  xã  Ea Sar Hoàng Thị Tuyết thăm hỏi trẻ em  bị  bệnh tim ở thôn Thanh Sơn.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Sar Hoàng Thị Tuyết thăm hỏi trẻ em bị bệnh tim ở thôn Thanh Sơn.

Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã nhận thức được lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình và dừng lại ở 2 con. Để giúp chị em vươn lên, chị Tuyết cùng Ban Chấp hành Hội xây dựng kế hoạch phân công từng chi hội giúp đỡ từ 1-2 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phát động phong trào nuôi heo đất, ống tiền, hũ gạo tiết kiệm, thành lập các tổ vay vốn, nhóm tín dụng tiết kiệm, vận động chị em có kinh tế khá giúp hội viên khó khăn… Bên cạnh đó, gia đình chị còn mạnh dạn cải tạo 3 ha cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng ca cao, mía, canh tác thêm 3 sào ruộng và chăn nuôi heo, bò. Những kinh nghiệm tích lũy được trong thực tiễn sản xuất chị không ngần ngại truyền đạt, hướng dẫn cho bà con, hội viên áp dụng. “Mình càng tâm huyết với công tác Hội bao nhiêu thì càng phải dành nhiều thời gian bấy nhiêu. Để đến được tận các thôn, buôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay cho hội viên nhiều hôm phải đi bộ, đi nhờ xe máy cày và thậm chí ở lại qua đêm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng mỗi năm thống kê thấy danh sách hộ phụ nữ nghèo của xã giảm dần, đời sống hội viên ngày càng ổn định là mình lại cảm thấy vui và hãnh diện vì đã làm tròn trách nhiệm”, chị Tuyết chia sẻ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc