Phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng: Nơi hội tụ sức trẻ
Trên mỗi lĩnh vực đều có dấu ấn của tuổi trẻ, nơi nào có khó khăn cũng là nơi tuổi trẻ xung kích đi đầu... Bằng những cách làm riêng, quy tụ sức trẻ, thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tỉnh nhà đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
ĐVTN tổ chức lớp ôn tập hè cho học sinh vùng khó khăn trong “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”. |
Trên con đường đã và đang đi của tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Dak Lak nói riêng, lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Thấm nhuần lời dạy ấy, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng loạt và có hiệu quả nhiều hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2007 – 2012, các phong trào xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng trên địa bàn đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, phát triển mạnh mẽ và rộng khắp thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN, được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao. Điểm nổi bật của các phong trào là “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè” và “Tháng Thanh niên” được tổ chức hằng năm đã thu hút hằng chục nghìn lượt ĐVTN các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, cán bộ công chức, viên chức trẻ cùng lực lượng đối ứng tại cơ sở… tình nguyện về các xã nghèo, khó khăn của tỉnh đảm nhận những công trình, phần việc thanh niên, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên thanh niên và nhân dân, tổ chức các lớp ôn tập hè, phổ cập tin học, mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tổ chức sinh hoạt và hoạt động vui chơi cho thanh thiếu nhi tại địa phương… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh còn gắn kết các lực lượng xã hội đồng hành cùng tuổi trẻ thực hiện các hoạt động: tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; xây dựng nhà nhân ái; tặng học bổng, hỗ trợ và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức chương trình “Chăn ấm mùa Đông” và các hoạt động cứu trợ cho đồng bào tại các vùng thiên tai, lũ lụt… với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chung tay, góp sức cùng cộng đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, ĐVTN tỉnh nhà còn đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên mang ý nghĩa thiết thực. Đầu tiên phải kể đến là phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị của tuổi trẻ TP. Buôn Ma Thuột. Xác định rõ vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tuổi trẻ, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, những năm qua, Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã triển khai cho các cơ sở đoàn trực thuộc đảm nhận các tuyến đường kiểu mẫu bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, không vi phạm an toàn giao thông; thực hiện phong trào “Thanh niên thành phố Buôn Ma Thuột với văn hóa giao thông” qua việc tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa, hội diễn, ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông trong ĐVTN; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ý thức phòng chống tệ nạn xã hội cho thanh niên, đặc biệt quan tâm tới đối tượng thanh niên dễ vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; giáo dục, định hướng phong cách sống, hành vi, văn hóa ứng xử cho thanh thiếu nhi thông qua các chương trình “Khi tôi 18”, “Chia sẻ ước mơ”, “Kết nối yêu thương”… Hay như công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của ĐVTN huyện Ea Súp. Trong 5 năm (2007-2012), Huyện Đoàn Ea Súp đã thành lập được 12 đội xung kích an ninh với trên 300 đoàn viên thanh niên thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và sẵn sàng ứng phó trước những vấn đề cấp bách của địa phương; xây dựng 25 hòm thư tố giác tội phạm; tổ chức các đợt tuyên truyền, phát tờ rơi về tác hại ma túy, động viên, thuyết phục, giúp đỡ thanh niên tham gia cai nghiện... Đặc biệt, với sự hình thành của mô hình “Tiếng kẻng dân phòng” tại các xã Ia T’mốt, Ea Rốc và Ia R’vê đã cho thấy sự tham gia tích cực và có hiệu quả của tuổi trẻ trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của người dân vùng biên giới. Rồi các mô hình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn vay của Huyện Đoàn Cư Kuin; đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm của Huyện Đoàn Krông Pak; đồng hành với thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học của Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên… cũng đã quy tụ, tập hợp được đông đảo ĐVTN, tạo môi trường để thanh niên phát huy sức trẻ, xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Từ thực tiễn tình hình thanh niên, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, năm 2103 với điểm nhấn là Tháng Thanh niên, một số lĩnh vực đã được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn chọn để triển khai thực hiện nhằm phát huy phẩm chất dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn; sáng tạo, xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như: phong trào tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế - xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; tuổi trẻ với an toàn giao thông, nói không với tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... Những hoạt động này sẽ tiếp tục là nơi để ĐVTN chia sẻ, cống hiến và khẳng định bản thân mình. Và chính những phong trào xung kích, tình nguyện ấy đã thực sự trở thành trường học thực tiễn cho lớp lớp thanh niên tỉnh nhà tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, đóng góp sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Kim Oanh - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc