Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên sống đẹp

16:54, 25/03/2013

Như những ngọn lửa hồng, qua các hoạt động xã hội sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với những buôn làng vùng sâu, vùng xa, sưởi ấm những con tim, mảnh đời kém may mắn.… Các bạn chia sẻ, trải lòng mình để có thêm động lực phấn đấu, rèn luyện, sống có ước mơ, hoài bão hơn.

Học được sự yêu thương

Đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên năm 2010, Huỳnh Thị Ngọc Mai, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng đã “mê tít” các hoạt động xã hội do Đoàn trường phát động. Ngọc Mai hăm hở tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Tình nguyện Mùa Đông…với mong muốn “chia” niềm vui đến với trẻ em nghèo, kém may mắn, giúp sĩ tử an tâm, tự tin “vượt vũ môn”. Hình ảnh cô sinh viên dáng người “mủm mỉm” với nụ cười luôn nở trên môi đến từng nhà dân vận động học sinh tham gia lớp ôn tập hè, hô hào đoàn viên thanh niên địa phương dọn vệ sinh nơi ở, làm đường giao thông nông thôn, giúp bà con thu hoạch ngô, đậu… đã tạo được tình cảm, niềm tin trong lòng bà con về màu áo xanh tình nguyện. Một Ngọc Mai năng động, nhiệt tình, sống có trách nhiệm đã gắn kết 50 con tim đồng điệu của Câu lạc bộ “Ước mơ xanh” cùng thực hiện nhiều phần việc tình nguyện có ý nghĩa: dạy chữ cho trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang, cơ nhỡ tại các cơ sở tình thương, tổ chức hoạt động Vui hội trăng rằm cho trẻ em xã Yang Ré (huyện Krông Bông), chào đón năm học mới ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak)…Ngọc Mai chia sẻ: “Tận mắt chứng kiến những đứa trẻ khi sinh ra không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, vẫn khát khao được học chữ, tôi thấy mình may mắn. Đứng trên bục giảng nhìn ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các em như rạng ngời niềm tin vào tương lai chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và cần phải sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”. Không như những trẻ em bình thường, các em ở cơ sở tình thương, mái ấm thiếu tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, do đó những buổi học cho các em không bó hẹp với kiến thức văn hóa khô khan mà là những câu chuyện, lời động viên. Cách dạy học “mở” này đã xóa dần khoảng cách của sự tự ti, mặc cảm, giúp các em thêm tin yêu cuộc sống, ham học. Qua các em, Ngọc Mai học được sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ.


Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên  đến với ruộng đồng...
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên đến với ruộng đồng...

 

Sống là cho... đâu chỉ nhận riêng mình

Cũng như nhiều bạn lần đầu tiên hiến máu, Đặng Văn Thân, sinh viên năm thứ 3 Khoa Nông lâm sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bị lây bệnh…, nhưng khi trực tiếp cho máu, được nhân viên y  tế giải thích, chàng kỹ sư nông nghiệp tương lai mới hiểu hết ý nghĩa nhân văn của hoạt động này. Khi Đoàn trường, Hội Sinh viên phát động phong trào hiến máu nhân đạo, Thân mạnh dạn tham gia và trở thành một trong những tình nguyện viên hiến máu tích cực nhất của trường. Mỗi lần hiến máu trái tim Thân lại có thêm một niềm vui khó tả, không chỉ vậy, mỗi khi Đoàn trường tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách ở xã căn cứ, thăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng là Thân lại chuẩn bị “hành trang” lên đường. Thân chia sẻ, những hoạt động do Đoàn trường, Hội Sinh viên tổ chức là sân chơi bổ ích để khẳng định nhân cách sống của mình. Không phủ nhận, hiện nay có một bộ phận thanh niên, sinh viên sống thiếu trách nhiệm, vị kỷ, nhưng đại đa số vẫn luôn tự vấn “ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Bằng chứng sinh động là bất chấp thời tiết giá lạnh, sự bận rộn của những ngày cuối năm, họ vẫn  tình nguyện tham gia hiến máu cứu người, hay  hòa mình vào tiếng cười của những em nhỏ khuyết tật, đồng hành cùng đồng bào vùng sâu vùng xa biên giới… Hãy bắt đầu một ngày mới bằng một hành động làm đẹp, dù là việc nhỏ nhất bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui.


… và giúp hộ nghèo xã Nam Ka (huyện Lak) làm nhà.
… và giúp hộ nghèo xã Nam Ka (huyện Lak) làm nhà.

 

Sống đẹp mỗi ngày

Là một trong 35 gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” của tỉnh, Trần Thị Thùy Vân, lớp giáo dục mầm non K10 cho biết, cuộc sống hiện đại với môi trường làm việc ngày càng năng động, nhiều sức ép và cạnh tranh thì kỹ năng mềm là yếu tố không thể thiếu. Điều này không thể có được nếu sống thụ động, không can đảm tìm tòi trong cuộc sống quanh mình, để mặc tuổi trẻ trôi qua vô ích. Không nên sợ thất bại, vì những vấp ngã cũng sẽ là bài học quý giá, là một phần kinh nghiệm định hình những bước đi vững vàng hơn trong tương lai. Bốn năm đại học là quãng thời gian đẹp nhất để thực hiện hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Và, Vân thừa nhận, xả rác ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ơ trước những số phận kém may mắn... là những chuyện có thật trong một bộ phận giới trẻ, thậm chí nhiều thanh niên còn vướng vào tệ nạn xã hội. Đáng quan ngại là nhiều bạn sinh viên không đồng tình với những hành vi xấu, nhưng không có phản ứng gay gắt, thậm chí thờ ơ, lãnh đạm. Vì vậy, mỗi sinh viên cần thay đổi cách nghĩ, không ngừng học hỏi, trau dồi để sống tốt hơn. Với cương vị Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích của Trường, Vân chủ động tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức nhiều chương trình văn nghệ với những chủ đề mang tính thời sự sâu sắc, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Theo Vân, đây là cách tốt nhất để sinh viên tránh xa tệ nạn xã hội, dần hình thành lối sống đẹp và sẵn sàng dấn thân.

Anh Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn Trường cho biết, trong những năm qua, Đoàn trường và Hội Sinh viên thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện; những buổi văn nghệ, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ... nhằm chuyển tải nội dung giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống văn hóa cho sinh viên. Thông qua các hoạt động này, sinh viên phát huy năng lực trí tuệ, khẳng định lẽ sống và lối sống vì cộng đồng.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc