Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế

19:34, 23/03/2013

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak vừa ban hành Chương trình thực hiện số 21-Ctr/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020 theo Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị. 

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong những năm qua, công tác BHXH và BHYT trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng kể, góp phần ổn định đời sống của nhân dân và chính trị - xã hội. Số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và đảm bảo, chất lượng và phạm vi dịch vụ y tế từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em…, đều được chăm sóc sức khỏe thông qua Quỹ BHYT.


Trong tương lai, người dân tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao hơn.    Ảnh: Kim Oanh
Trong tương lai, người dân tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao hơn. Ảnh: Kim Oanh

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh còn chậm, số người tham gia BHXH và BHYT vẫn còn ít. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 47% lực lượng lao động tham gia BHXH và khoảng gần 68% dân số tham gia BHYT. Thực trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều. Tình trạng lạm dụng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh; thái độ phục vụ bệnh nhân khám, chữa bệnh có BHYT của một số cán bộ y tế còn gây bức xúc cho người bệnh; chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả khá nhiều cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng… Nguyên nhân của thực trạng này được phân tích là do công tác BHXH, BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp chưa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Điều này thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ chưa đúng hoặc thờ ơ của một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, công chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó thì việc tuân thủ pháp luật và xử lý vi phạm về bảo hiểm chưa nghiêm; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa sâu rộng và còn nhiều hạn chế. Sự chủ động của cơ quan BHXH để tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động chưa cao…, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm, nhất là việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình thực hiện số 21 với quan điểm chủ đạo là: Các cấp, các ngành phải xem BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Cần phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Theo đó, mục tiêu của chương trình này là triển khai có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là BHXH tự nguyện. Đẩy mạnh thực hiện tốt mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao hơn. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT; tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khoẻ theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, Chương trình cũng đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến năm 2020. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt chính là tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định công tác BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Biểu dương kịp thời những điển hình tốt và những kinh nghiệm; phê phán, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Chính quyền và các tổ chức mặt trận, đoàn thể phối hợp với ngành BHXH làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT.

Các cấp các ngành tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và triển khai có hiệu quả các quy định về BHXH, BHYT. Mở rộng chính sách hỗ trợ đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; BHYT cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời  tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT. Trong đó tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế trong toàn tỉnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi từ BHXH, BHYT.

Việt Hoàng


Ý kiến bạn đọc