Tôn vinh nghề nông tại sao không?
Hiện nay, mọi ngành nghề trong xã hội đều có các hoạt động nhằm tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu cho ngành nghề của mình như nghề giáo, nghề y, nghề luật, doanh nhân... nhưng nghề nông và người nông dân chưa được tôn vinh, coi trọng đúng mức, xứng đáng với sự đóng góp của họ cho đất nước.
Thậm chí nhiều người coi nghề nông, làm nông là nghề thấp kém nhất trong xã hội, nhiều người bông đùa, ví những người quê mùa, lạc hậu là "đồ nông dân". Nghề nông từ xưa đến nay đều có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển đi lên của đất nước, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, chiến tranh hay hòa bình. Hiện nhiều người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay cho rằng nông dân, làm nông là nghề nghèo nhất, thấp kém nhất trong xã hội. Điều này hoàn toàn sai lầm. Họ chỉ nhìn thấy một phần về thực tế nghèo khổ, vất vả của người nông dân ở nơi này, nơi khác mà nói bừa, nói ẩu. Thực tế thì trong số những người nghèo khó, nông dân còn chiếm số đông, nhưng trong xã hội hiện nay nhiều nông dân có đời sống rất khá giả, có nhiều đại gia là nông dân do họ biết cách làm ăn đúng đắn, khoa học. Mặt khác, ở Việt Nam từ xa xưa cho đến tận bây giờ, có ai mà không gắn bó với nông dân, xuất thân từ nông dân. Các thế hệ lãnh đạo hiện nay từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, kể cả những người đứng đầu đất nước hầu hết là từ nông dân mà ra, thuở thiếu thời đều "chăn trâu, cắt cỏ", nếu không chí ít cũng có ông bà, cha mẹ là nông dân.
Đã đến lúc phải nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng, vị trí vai trò nông dân, nghề nông, xem đây là việc làm phải thường xuyên, liên tục, có hệ thống từ cấp Trung ương đến cơ sở. Điều này góp phần thay đổi nhận thức về nghề nông, nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... dù là nước phát triển hàng đầu thế giới và số lượng nông dân, người làm nông rất ít nhưng họ rất coi trọng nghề nông, người làm nông. Mặc dù, làm nông nghiệp thì ở đâu cũng vất vả như nhau nhưng họ vẫn được xem là nghề như bao nghề khác và còn được xã hội ưu ái và hỗ trợ. Các nước này sẵn sàng từ bỏ lợi ích lớn từ các hiệp định thương mại mang lại cho nền kinh tế nếu thấy có thể gây hại cho nông dân.
Đối với nước ta, sự phát triển kinh tế - xã hội vẫn phải dựa chủ yếu vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lấy nông nghiệp làm mũi nhọn. Trước mắt cần có các hành động cụ thể, thiết thực tôn vinh nông dân, nghề nông; tiếp đó có chính sách bảo vệ, hỗ trợ người nông dân như vay vốn đầu tư, vật tư nông nghiệp; giảm các loại thuế, phí, lệ phí; đền bù, giải phóng mặt bằng trong thu hồi đất; cần tăng cường quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Có như vậy, mới bảo đảm cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ người nông dân, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, nhanh chóng.
Vĩnh Linh
Ý kiến bạn đọc