Xây dựng nông thôn mới: Những kết quả bước đầu
Sau 2 năm (2011-2012) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc với những con đường liên thôn, buôn được nhựa hóa, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả được thực hiện… Đây được xem là những thành công bước đầu trong lộ trình XDNTM ở Dak Lak.
Từ việc huy động sức dân
Với quan điểm tập trung hoàn thành các tiêu chí dễ, không cần kinh phí nhiều, các xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng “chiến lược” cụ thể để phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Khâu đột phá đầu tiên là huy động nội lực của dân thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp tiền, góp sức để xây dựng và mở rộng các trục đường giao thông thôn, xóm, nội đồng; đầu tư đường điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt lan tỏa rộng khắp vùng nông thôn. Qua 2 năm, các hộ dân trên toàn tỉnh đã đóng góp hơn 450 tỷ đồng, hiến trên 75.000 m2 đất và hơn 17.000 ngày công lao động. Trong đó điển hình là xã Ea Ô, huyện Ea Kar, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, bà con đã tự nguyện hiến 150.000 m2 đất, 7.000 cây cà phê, 6000 cây điều, 330 m2 tường rào và sân bê tông, với tổng trị giá 5 tỷ đồng, cộng với 1 tỷ đồng ngân sách xã hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, san ủi 70 km đường liên thôn, xóm rộng từ 6-9m (gấp 2 lần so với quy định). Nhiều địa phương thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn cũng là một bước đột phá, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sống và làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương cũng rất chú trọng đến công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên cơ sở các hoạt động sản xuất được ưu tiên lồng ghép với nhiều mô hình, dự án và đào tạo nghề. Đến nay, đã có 17 đề án và 346 mô hình phát triển sản xuất đang được triển khai, như: mô hình cánh đồng mẫu ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, với quy mô 10 ha, 60 hộ tham gia theo hình thức liên kết 4 nhà; mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ ở Krông Pak, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4c ở Cư Kuin…Bên cạnh đó, 147 HTX và 264 tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả cũng đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân nông thôn…
Làm đường nông thôn đạt chuẩn tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar). |
Khó khăn về nguồn vốn
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, qua 2 năm thực hiện chương trình, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó, cấp tỉnh, huyện, xã đã thành lập và cơ bản kiện toàn xong bộ máy tổ chức về công tác XDNTM; có 13 xã đạt 9-11 tiêu chí, 49 xã đạt 5-8 tiêu chí, 90 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trên thực tế, một số nội dung trọng tâm của chương trình triển khai còn chậm, nhất là về công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới cấp xã. Trong 2 năm đã có 148 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung, nhưng mới có 97 xã được thẩm định; 110 xã hoàn thành việc lập đề án và mới có 64 xã được thẩm định. Nguyên nhân là do các văn bản, thông tư hướng dẫn của Trung ương và một số bộ, ngành liên quan về chậm, khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong quá trình thực hiện; chất lượng các quy hoạch XDNMT chưa đạt yêu cầu thể hiện ở việc phân tích, xử lý số liệu, đánh giá hiện trạng nông thôn tại các xã chưa sát với thực tế làm kéo dài thời gian thẩm định. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ và người dân về nhiệm vụ XDNTM còn hạn chế; công tác tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn còn lúng túng, thiếu tính đồng bộ. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như huy động các nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế, nhất là từ doanh nghiệp, tín dụng; cơ chế đầu tư, giải ngân và thanh quyết toán còn vướng mắc; chưa chú trọng đến các hoạt động về xây dựng thiết chế văn hóa, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn… Theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn đầu tư, những năm qua, tỉnh đã cố gắng huy động từ nhiều nguồn nhưng cũng không đáng kể so với nhu cầu. Bởi theo tính toán, đầu tư cho XDNTM ở mỗi xã đạt 19 tiêu chí phải mất khoảng 300 tỷ đồng, đây thực sự là một thách thức lớn đối với các xã XDNTM, do vậy thời gian tới các bộ, ngành Trung ương cần phải có biện pháp chỉ đạo quyết liệt và cơ chế chính sách đầu tư phù hợp nhằm góp sức giúp cho các địa phương tăng tốc để cán đích trong năm 2015.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc