Đưa Quy chế dân chủ vào cuộc sống ở Pơng Drang
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm và phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Việc triển khai và thực hiện QCDC ở xã Pơng Drang (huyện Krông Buk) đã tạo động lực làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Pơng Drang đã được bê tông hóa nhờ nguồn lực sức dân. |
Xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ đạt kết quả tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ xã Pơng Drang thường xuyên tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ xã đến từng thôn, buôn; đồng thời cấp hơn 4.000 cuốn Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho các hộ gia đình... Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, về quyền và nghĩa vụ của công dân trên các mặt hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội. Các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và việc huy động đóng góp như: giải quyết chế độ, chính sách, xây dựng các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng... đều được công khai và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của xã để mọi người biết và thực hiện. Nhờ được thông tin đầy đủ, được tham gia bàn bạc công khai, các hộ gia đình đều ý thức trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Cụ thể, trong năm 2011-2012, xã Pơng Drang đã nhựa hóa và bê tông hóa 5.197 mét đường với tổng kinh phí 3.460 triệu đồng; trong đó nhân dân đóng góp 3.220 triệu đồng, xã hỗ trợ 240 triệu đồng. Tiêu biểu trong phong trào huy động sức dân đóng góp tiền và ngày công lao động để làm đường như thôn 8A, từ năm 2010 đến 2012, thôn đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 1.400 mét đường với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng, số tiền đóng góp tùy theo mức độ thụ hưởng trực tiếp của mỗi hộ gia đình khi con đường được nhựa hóa đi qua. Riêng năm 2013, thôn đang hoàn thiện thêm 430 mét đường với kinh phí dự kiến khoảng 300 triệu đồng. Không những thế, người dân còn đóng góp hơn 130 triệu đồng để xây dựng hội trường và cổng chào của thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa xã hội của người dân địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện việc huy động sức dân có sự thống nhất, công khai minh bạch các khoản thu, chi để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông Trần Thanh Hóa (thôn Tân Lập 5) chia sẻ, thông qua các buổi tuyên truyền, vận động đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn không chỉ ông mà người dân trong khu vực đều rất nhiệt tình hưởng ứng, riêng gia đình ông do diện tích đất chạy dọc theo trục đường khá lớn nên phải đóng hơn 27 triệu đồng. Bởi một khi những con đường đất đỏ được nhựa hóa, bộ mặt nông thôn không những được thay đổi, mà còn giúp cho việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và nông sản của người dân được dễ dàng, thuận tiện.
Nhờ thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, trong những năm qua, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Pơng Drang đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 332 hộ năm 2011 (chiếm tỷ lệ 9%) xuống còn 258 hộ vào năm 2012 (chiếm tỷ lệ 6,9%). Từ nguồn lực sức dân, trong năm 2012, xã đã vận động hơn 79 triệu đồng ủng hộ quỹ "Vì người nghèo"; xây dựng 10 căn nhà đại đoàn kết với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; vận động trên 290 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam… Qua đó đã giúp nhiều hộ dân có nhà ở ổn định, phát triển kinh tế, như hộ ông Lê Thanh Thiết (thôn 9), trước đây gia đình ông phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát, nhờ chính quyền địa phương và bà con nhân dân hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, gia đình ông đã yên tâm để phát triển kinh tế, hiện nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Có thể nói, khi dân chủ được phát huy, sẽ tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tới, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc