Multimedia Đọc Báo in

Hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ khuyết tật: Cần lắm sự đồng hành sẻ chia

08:38, 17/04/2013

Không chỉ dạy văn hóa, những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển và Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (HTPT-GDHNTKT) tỉnh còn tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trẻ khuyết tật với mong muốn giúp các em hòa nhập cộng đồng. Nhưng những nỗ lực đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đồng hành, sẻ chia và một tấm lòng nhân ái của cả cộng đồng.

Những nỗ lực

Giờ học, thực hành làm hoa voan và các sản phẩm thủ công bằng giấy của các em khuyết tật nữ tại Trung tâm HTPT-GDHNTKT tỉnh không ồn ào, sôi động như các tiết học của trẻ bình thường. Các em không nghe, nói được nên mọi hoạt động giao tiếp đều thông qua ký hiệu ngôn ngữ bằng chữ cái ngón tay. Vì vậy, từng thao tác kỹ thuật giáo viên đều phải thực hành trực tiếp, chậm rãi để các em kịp nắm bắt. Do khả năng nhận biết hạn chế nên mỗi em chỉ có thể đảm nhận một công đoạn như làm khuôn, vào voan, kết thành bông, tạo cành… Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên lớp dạy làm hoa voan của Trung tâm bộc bạch: “Dạy trẻ em khuyết tật phải thật sự nhẫn nại, chịu khó. Những học sinh khối lớp 3, 4, 5 sẽ được học hướng nghiệp 4 tiết/tuần. Mỗi lớp có từ 5-10 em mà chỉ có 1 giáo viên nên cũng khá vất vả. Nhưng mỗi khi nhìn các em chăm chú, cẩn thận, tỉ mỉ thực hiện từng động tác và nét mặt hớn hở khi hoàn thành một chi tiết của sản phẩm tôi lại tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa”. Em Lê Kiều Linh (sinh năm 1994) là một trong những học sinh lớn tuổi nhất tham gia lớp học làm hoa voan cố gắng dùng ký hiệu bằng tay để chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ cô giáo tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên chỉ sau 3 tuần em đã biết làm nhiều loại như hoa mai, đào, hồng, cẩm chướng, thược dược, đồng tiền… Em mong muốn sau khi ra trường tìm được việc làm bằng nghề đã học để phụ giúp thêm cho bố mẹ”. Những trẻ khuyết tật nam sẽ được theo học lớp dạy nghề tranh ghép gỗ mỹ nghệ. Từ các công đoạn đơn giản như thực hành cắt đường thẳng, cong, tròn, zic zăc đến những khâu phức tạp hơn như tạo hình đồi núi, con vật, người… trong một bức tranh ghép gỗ mỹ nghệ, thầy giáo Hoàng Văn Thuấn đều phải “cầm tay chỉ việc” cho từng em. “Khi cắt bằng tay thành thạo, các em sẽ được chuyển sang thực hành cắt bằng máy. Nhưng đối với các em, khó nhất vẫn là công đoạn mài để biến những chi tiết thô trở nên tinh xảo, sắc nét, đẹp mắt”, thầy Thuấn cho biết.

Cô và trò Trung tâm HTPT-GDHNTKT tỉnh trong giờ thực hành làm hoa voan.
Cô và trò Trung tâm HTPT-GDHNTKT tỉnh trong giờ thực hành làm hoa voan.

Cần cộng đồng mở rộng vòng tay nhân ái

Chỉ từ những vật dụng đơn giản, vô tri như dây kẽm, sáp, keo dán, voan, chỉ, giấy, gỗ… các em khuyết tật đã “thổi hồn”, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, hữu dụng như chậu hoa, hộp quà, thiệp, bức tranh, chén, đĩa, ly, con kiến, lật đật… Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay mà thầy và trò Trung tâm đang phải đối mặt là đầu ra của sản phẩm và việc làm cho các em khi ra trường. Mặc dù giáo viên của Trung tâm đã nhiều lần đưa sản phẩm đi giới thiệu, chào hàng ở các cửa hàng bán hoa, đồ lưu niệm nhưng hầu như không tiêu thụ được. Vì vậy, các mặt hàng chủ yếu được trưng bày ngay tại Trung tâm, người mua đều là khách quen. “Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là cơ hội tìm kiếm việc làm cho các em bằng chính những nghề đã được học, bởi hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đều “ngại” nhận người khuyết tật vào làm việc. Đa số những em xin được việc đều trái với ngành nghề đã học như chăm sóc hoa lan, điện cơ, điêu khắc gỗ, bán hàng…”, thầy Thuấn bộc bạch.

Trung tâm HTPT-GDHNTKT tỉnh hiện có 110 học sinh, trong đó có 41 nữ, 20 em dân tộc thiểu số. Không chỉ dạy văn hóa, từ năm 2009 đến nay, các em còn được Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề làm hoa voan, các sản phẩm thủ công bằng giấy, cắt may, tranh ghép gỗ… Thầy Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Các em theo học ở Trung tâm đều bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ hoặc khuyết tật vận động. Với mong muốn tạo thêm cơ hội giúp các em hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm ổn định cuộc sống, Trung tâm đã nỗ lực triển khai hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các em. Trong năm 2013, Trung tâm sẽ tổ chức Hội chợ việc làm, tạo cơ hội để các doanh nghiệp và người khuyết tật gặp gỡ, trao đổi. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có một trường dạy nghề dành riêng cho trẻ khuyết tật nhằm giúp các em phát huy khả năng, học được nghề phù hợp, trở thành những công dân có ích cho xã hội”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc