“Làng nhô” mỏi mòn chờ điện thắp sáng
Đã 25 năm trôi qua kể từ ngày rời quê lúa Thái Bình vào Dak Lak xây dựng kinh tế mới, nhưng hơn 52 hộ dân hiện đang sinh sống ở thôn Nà Ven, xã Ea Wer huyện Buôn Đôn vẫn chưa một ngày có ánh điện lưới mà phải sử dụng đèn dầu và bình ắc quy…
Thiếu điện nên trong 25 năm qua người dân thôn Nà Ven phải dùng đến bình ắc quy để thắp sáng. |
Tìm đến thôn Nà Ven, chúng tôi mới thấy được cuộc sống vất vả của người dân nơi đây khi đã định cư trên vùng đất mới này 25 năm nhưng hầu như tài sản đáng giá nhất trong mỗi gia đình chỉ là cái tivi đen trắng cũ. Thôn Nà Ven được người dân nơi đây quen gọi là “làng nhô” bởi đơn giản về mùa mưa lũ cả thôn nhô lên như một “ốc đảo” lọt thỏm giữa biển nước mênh mông. Thôn được thành lập vào tháng 3 năm 1988, có hơn 100 hộ từ huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vào Dak Lak xây dựng kinh tế mới. Do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, điện sinh hoạt thiếu, nước sinh hoạt cạn kiệt vào mùa khô nên nhiều hộ dân không chịu nổi đã quay trở về quê cũ, một số hộ khá giả hơn thì chuyển đi nơi khác sinh sống, còn lại hơn 50 hộ với 192 nhân khẩu vẫn kiên trì bám trụ cho đến ngày hôm nay (giảm gần một nửa so với khi bắt đầu vào lập làng); trong đó gần 60% hộ thuộc diện đói nghèo. Chị Vũ Thị Diến tâm sự: “Ngày mới từ Quỳnh Phụ theo chồng vào đây, tôi tưởng như không thể trụ lại được vì điện không có, nước cũng không... nhưng sống riết rồi cũng quen. Giờ đây, tôi chỉ mong có điện để con cái có điều kiện học hành và cải thiện đời sống sinh hoạt…”. Ông Trần Văn Cao, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Thôn Nà Ven là khu vực khó khăn nhất của xã Ea Wer. Người dân mơ ước có điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất. Năm 1999, UBND huyện Buôn Đôn và ngành Điện đã có chủ trương kéo điện sinh hoạt cho thôn. Bằng chứng là đã cho xe ôtô chở cột điện và đào hố từ trung tâm xã Ea Wer đến đầu thôn rồi nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì xe lại quay trở vào chở hết cột điện đi. Kể từ đó đến nay vẫn chưa có một thông tin gì về việc kéo điện lưới cho người dân sinh hoạt. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị đến các ngành chức năng huyện Buôn Đôn, mong muốn có điện thắp sáng, sinh hoạt, nhưng yêu cầu này không hiểu sao lại chưa được quan tâm giải quyết?
Trong những năm qua, để khắc phục tình trạng không có điện, tìm ánh sáng cho con cháu học bài và xem tin tức thời sự trên tivi, người dân nơi đây chỉ còn cách mua bình ắc quy về dùng. Tính ra, để được xem tivi, mỗi nhà phải mất ít nhất khoảng 2 triệu đồng tiền ắc quy/năm. Mỗi khi bình hết điện, họ lại phải chạy xe hơn 5km để nạp điện ắc quy (6.000 đồng/lượt). Ông Cao cho hay: “Sử dụng bình ắc quy thì tivi cũng chỉ xem thời sự buổi tối, nếu có phim hay lắm thì hẹn giờ để xem một ít thôi để còn giữ bình điện được lâu. Mỗi nhà có tivi phải đầu tư hai chiếc bình ắc quy để có thể xem tivi trong 1 tuần. Do không có điện nên việc sắm tivi màu để xem thời sự là chuyện rất xa vời đối với bà con. Dùng điện thoại di động mỗi khi hết pin cũng phải chạy 5km ra trung tâm xã sạc, đợi đầy pin rồi mới trở về…”. Còn Trưởng thôn Nà Ven Nguyễn Đức Giang tâm sự: Ước mơ lớn nhất của người dân thôn Nà Ven là sớm có điện để cuộc sống bớt khổ, trẻ em có điều kiện học hành góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ. Tháng 3-2012, Đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đến thăm bà con nhân dân thôn Nà Ven đã chỉ đạo UBND huyện Buôn Đôn sớm có chủ trương kéo điện sinh hoạt cho người dân. Cùng đi với đoàn, chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Trần Văn Nhượng đã hứa sau 1 tuần sẽ cho khảo sát đường dây nhưng đến nay vẫn không thấy thực hiện?
Mang theo ước mơ có điện của người dân thôn Nà Ven, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo địa phương để mong có được một lời lý giải. Ông Nguyễn Tất Phong, Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết: “Xã Ea Wer còn 2 trong số 13 thôn, buôn chưa có điện lưới quốc gia. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên để kéo điện lưới quốc gia về thôn Nà Ven. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có kết quả”. Theo ông Phong, việc ngành Điện không kéo điện về thôn Nà Ven là do địa bàn thôn này rộng, dân cư thưa thớt, hiệu quả đầu tư thấp. Trước đây, người dân trong thôn cũng đã nhiều lần họp, bàn về việc đóng góp tiền xây dựng tuyến điện. Mỗi gia đình dự kiến sẽ góp 5 triệu đồng. Nếu cả thôn đồng tình thì số tiền cũng chỉ mới được 300 triệu đồng. Trong khi dự kiến công trình phải chi phí đến tiền tỷ. “Trong tương lai không xa nếu không có điện thì trên bản đồ hành chính xã Ea Wer sẽ không còn cái tên “làng nhô” Nà Ven nữa” – ông Phong trăn trở.
Chia tay thôn Nà Ven, chúng tôi trở về nhà khi ánh đèn phố phường đã bật sáng, trái ngược với không gian tĩnh mịch nơi “làng nhô”. Chúng tôi hiểu một điều rằng người dân rất mong có điện lưới thắp sáng để góp phần tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Không biết đến bao giờ niềm mơ ước này của người dân thôn Nà Ven mới thành hiện thực? Câu trả lời xin giành cho các ngành chức năng!
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc