Multimedia Đọc Báo in

Một ngày ở Khoa Ung bướu

07:33, 22/04/2013

Căn phòng rộng không quá 20 m2 nhưng là nơi nằm điều trị của hơn chục bệnh nhân ung thư. Sự chật chội, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cộng với nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của người bệnh càng khiến cho Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thêm “nóng”...

Tại Khoa Ung bướu, chiếc giường bệnh rộng 80cm nhưng là nơi nằm điều trị của 2-3 bệnh nhân.                    Ảnh: K.O
Tại Khoa Ung bướu, chiếc giường bệnh rộng 80cm nhưng là nơi nằm điều trị của 2-3 bệnh nhân. Ảnh: K.O

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có hơn 150.000 người mắc ung thư, khoảng 57% trong số đó là nam và 43% là nữ. Riêng tại Dak Lak, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song số lượng người mắc ung thư cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các loại bệnh. Hiện tại, mỗi ngày Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về các bệnh ung thư, ngày cao điểm lên tới 90 bệnh nhân. Điều đáng quan tâm là hầu hết các bệnh nhân đến đây điều trị đều ở vào giai đoạn muộn, chỉ khi cảm thấy đau đớn và khó chịu trong người mới tìm đến cơ sở y tế để thăm khám, lúc này phần lớn khối u đã di căn và việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn, tốn kém. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Hòa, 75 tuổi, ở huyện Krông Pak phát hiện bị ung thư phổi cách đây hơn một năm, khi ấy bệnh đã ở giai đoạn cuối. Mặc dù đến thời điểm này các phương pháp điều trị đối với bệnh ung thư ông đều đã trải qua, tiền viện phí, thuốc men phải trả cũng không phải ít, song bệnh vẫn không cải thiện được là bao, hiện sức khỏe của ông rất yếu, phải hoàn toàn dựa vào việc chăm sóc của người thân, các bác sĩ, điều dưỡng và sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị y tế. Hay như trường hợp của bệnh nhân Mạc Sỹ Dũng, 59 tuổi ở huyện Cư M’gar, phát hiện bị ung thư thực quản cách đây gần 2 năm. Ông cho biết ban đầu khối u chỉ là 1 hạch nhỏ bằng hạt bắp nổi lên ở cổ, sau gần 1 năm hạch đã to lên bằng quả trứng và tự vỡ ra. Giờ đây ông thường xuyên đau đớn, khó ăn uống, sức khỏe ngày càng giảm sút, có lẽ phần đời còn lại của ông sẽ phải gắn liền với giường bệnh và thuốc men…

Vừa đối mặt với nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mà căn bệnh ung thư gây ra, ông Hòa, ông Dũng cùng những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa ung bướu vừa mệt mỏi với sự quá tải nghiêm trọng của phòng ốc bệnh viện. Trên thực tế, Khoa Ung bướu chỉ có 20 giường bệnh nhưng lúc nào cũng có khoảng 60 bệnh nhân điều trị nội trú nên chuyện 2, 3 người nằm ghép một giường bệnh diễn ra thường xuyên, thậm chí có bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, còn thân nhân người bệnh thì mạnh ai nấy lo. Một thân nhân người bệnh than thở: “Những ngày nóng bức mà nằm chen chúc như vậy đến người khỏe mạnh còn thấy mệt mỏi huống hồ chi người bệnh…”. Bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng Khoa Ung bướu cho biết: “Khoa được thành lập từ giữa năm 2012, chỉ có 20 giường bệnh, trong khi lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị nội trú lại đông nên việc quá tải là khó tránh khỏi. Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực rút ngắn ngày điều trị nội trú, tăng cường điều trị giảm nhẹ bệnh nhân giai đoạn cuối (giai đoạn bệnh quá nặng, không thể can thiệp bằng thuốc và các máy móc hiện đại) ngay tại nhà để bệnh nhân không phải nhập viện, song vẫn không cải thiện được là bao”. 

Có lẽ, những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ung bướu chỉ là số ít trong rất nhiều bệnh nhân ung thư trên địa bàn, bởi thực tế còn rất nhiều trường hợp bệnh nhân chưa được phát hiện và vẫn sống bình thường với những nguy cơ mầm bệnh trong người. Thực tế ít ai để ý đến những yếu tố nguy cơ gây ung thư như: khói thuốc lá, lạm dụng rượu bia; chế độ ăn uống không hợp lý; ô nhiễm thực phẩm; ô nhiễm môi trường; các bức xạ ion hóa, tia cực tím; nhiễm vi rút, vi khuẩn; ít vận động thể lực... Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng và chữa khỏi được, trên 80% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Điều quan trọng là phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và điều trị đúng. Về vấn đề này, bác sĩ Giáp khuyến cáo: “Đối với những trường hợp ung thư được phát hiện muộn, tùy theo từng loại bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, như: phẫu thuật để loại bỏ khối u, đồng thời phối hợp với các phương pháp điều trị khác (xạ trị, hóa trị liệu, điều trị miễn dịch...). Tuy nhiên, dù điều trị bằng phương pháp nào cũng tốn kém rất nhiều kinh phí, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Do đó, một biện pháp đơn giản để tránh những hậu quả đáng tiếc là tăng cường công tác phòng bệnh. Thực tế, rất nhiều khối u là do một số bệnh mãn tính diễn tiến mà thành. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Như thế, không những có thể bài trừ được các biến đổi bệnh lý trước ung thư, đặc biệt là đối với các khối u thời kỳ đầu, mà còn có thể giúp chữa trị được dứt điểm...”.

Kim Oanh - Ngọc Lan


Ý kiến bạn đọc