Multimedia Đọc Báo in

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ từ mỗi địa chỉ nhân đạo

07:44, 22/04/2013

Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác dân vận luôn được Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cư M’gar quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, từ khi Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động vào năm 2008, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn có ý thức phát huy tinh thần trách nhiệm, hoạt động đạt hiệu quả cao hơn trong công tác dân vận.

Ban CHQS huyện Cư M’gar tặng quà các gia đình  có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Pôk B, thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar).
Ban CHQS huyện Cư M’gar tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Pôk B, thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar).

Ngay sau khi Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được phát động, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Cư M’gar đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của đơn vị thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: trợ giúp tiền hằng tháng, hằng quý; tư vấn, giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình; giúp xây nhà tình nghĩa, sửa nhà; ủng hộ khám, chữa bệnh... Trong quá trình thực hiện đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành trong huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ của huyện khảo sát, xác định đối tượng trên địa bàn huyện, nắm chắc từng hoàn cảnh của các đối tượng khó khăn, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, động viên, thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng. Nếu như trước đây, những hoạt động hướng về cơ sở của Ban CHQS huyện chỉ thực hiện theo từng đợt nhất định thì thông qua Cuộc vận động, đơn vị đã gắn kết với 2 địa chỉ nhân đạo cụ thể để hỗ trợ thường xuyên. Từ đó, bằng nguồn quỹ từ tăng gia sản xuất của đơn vị và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên để trợ giúp các đối tượng. Mỗi ngày đóng góp 1.000 đồng vào thùng quỹ và góp vào “hũ gạo vì người nghèo” đã trở thành thói quen của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện, Ban CHQS huyện đã có 2 địa chỉ nhân đạo hỗ trợ thường xuyên và tổ chức hỗ trợ theo từng đợt vào những dịp lễ tết đối với 27 hộ nghèo, gia đình chính sách của buôn Pôk B (thị trấn Ea Pôk); buôn H’Mông (xã Ea Kiết); tổ dân phố 5 (thị trấn Quảng Phú) thuộc huyện Cư M’gar và xã Yang Mao (huyện Krông Bông) bằng những suất quà như: gạo, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, quần áo cũ… do cán bộ chiến sĩ đơn vị đóng góp.

Ông Y Bôc Byă, trú tại buôn Ja Rai, xã Ea Kuêh là một trong hai đối tượng được Ban CHQS huyện nhận hỗ trợ thường xuyên. Sinh ra trong gia đình khó khăn, đông anh em, cũng như bao người con của núi rừng Tây Nguyên yêu cách mạng, năm 19 tuổi ông lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lập gia đình được vài năm sau thì ông bị bệnh, sức khỏe suy kiệt dần, rồi bị bại liệt cho đến nay. Mất khả năng lao động, sinh hoạt cho bản thân cũng rất khó khăn, phải có người giúp đỡ, nỗi đau của ông lại càng nhân lên khi ba đứa con của vợ chồng ông lần lượt sinh ra đều bị tàn tật. Hiểu được những nỗi bất hạnh, khó khăn, vất vả của gia đình ông, Ban CHQS huyện đã tổ chức thăm nom, động viên, đồng thời hỗ trợ cho gia đình ông mỗi năm 1,8 triệu đồng tiền mặt và hỗ trợ thêm bằng hiện vật vào những dịp lễ, tết. Số tiền tuy không nhiều, hiện vật tuy giản dị nhưng có ý nghĩa tinh thần to lớn, giúp gia đình ông cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện cho biết, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của người lính, tham gia nhiệt tình, để tiếp thêm động lực giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh éo le vươn lên trong cuộc sống. Việc làm ý nghĩa này đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân các dân tộc trong huyện. Đó cũng là một trong những hoạt động thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện trong công tác dân vận cũng như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Để bảo đảm tính bền vững và ngày càng nhân rộng hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần nghĩa cử nhân đạo và hưởng ứng tinh thần kêu gọi “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” của Hội Chữ thập đỏ Trung ương. Đồng thời xây dựng kế hoạch, cử cán bộ thường xuyên bám nắm địa bàn, phát huy vai trò của tổ công tác dân vận, kịp thời động viên, hướng dẫn các đối tượng vượt khó vươn lên, tư vấn về việc thực hiện các mô hình tăng gia sản xuất và chăn nuôi phát triển kinh tế… gây thêm nguồn ngân quỹ để mức hỗ trợ được nâng lên cũng như giúp đỡ được nhiều đối tượng hơn nữa.

Nguyễn Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.