Tết cổ truyền Bunpimay trên đất Việt
Như bao người dân của đất nước Lào, năm nay những sinh viên Lào và người Việt gốc Lào đang học tập, sinh sống trên mảnh đất cao nguyên Dak Lak đã được đón Tết cổ truyền Bunpimay đầy ấm áp, thân thương như ở chính quê hương mình.
Buộc chỉ cổ tay cầu chúc nhiều may mắn trong năm mới trong ngày hội Tết cổ truyền Bunpimay. |
Rời nước Lào theo bố mẹ đến vùng đất cao nguyên Dak Lak sinh sống từ năm 10 tuổi, cũng từ đó đến nay, chưa năm nào bà H'biệt Lào (54 tuổi) được đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc mình vui và ý nghĩa như năm nay. Hơn 40 năm xa quê, chừng đó thời gian với một đứa trẻ mới lên 10 tuổi những ký ức về ngày Tết cổ truyền và phong tục, tập quán của dân tộc, của cha ông liệu có còn trọn vẹn. Thế nên khi nghe chính quyền địa phương thông báo về việc tổ chức ngày hội Tết cổ truyền Bunpimay, từ sáng sớm, bà H'biệt đã cùng con, cháu gác lại mọi công việc thường ngày tề tựu ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chuẩn bị đón năm mới theo đúng nghĩa truyền thống của các bộ tộc Lào. Bà H'biệt Lào chia sẻ: "Đi xa lâu năm lại không có điều kiện trở về quê để đón Tết cổ truyền nên bây giờ tôi cũng không nhớ rõ lắm những phong tục, tập quán của đất nước Lào. Những năm trước, cứ đến ngày Tết cổ truyền Bunpimay, gia đình tôi chỉ làm một con gà và nấu đĩa xôi để cúng rồi buộc chỉ cổ tay cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc cho con cháu mà thôi. Năm nay, được tham dự ngày hội Tết cổ truyền các bộ tộc Lào ở Việt Nam khiến tôi và mọi người rất vui".
Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào hay còn gọi là Lễ hội Té nước, thường diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 4 dương lịch hằng năm với nhiều hoạt động như: Té nước, buộc chỉ cổ tay, phóng sinh, xây tháp cát, hái hoa tươi... Vào những ngày này, người Lào thường lên chùa tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại xức vào người để trừ tà, chữa bệnh, gột rửa những điều xấu xa và cầu mong được sống lâu, khỏe mạnh. Sau đó, họ bôi phấn và té nước lên nhau như lời cầu chúc an lành, may mắn trong năm mới. Khi đến nhà thăm nhau, chủ nhà thường cột chỉ vào cổ tay khách để chúc phúc... Thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc là điều không thể thiếu trong ngày hội Tết cổ truyền Bunpimay. Người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, lạp có nghĩa lộc. Lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Mọi người có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì năm mới sẽ có nhiều lộc.
Tết cổ truyền năm 2013 dù không được xây tháp cát, phóng sinh, lên chùa tắm Phật... nhưng những sinh viên Lào đang học tập ở Trường Đại học Tây Nguyên lại mang niềm vui khó tả khi được đón năm mới trong vòng tay bạn bè sinh viên và những người đồng hương đang sinh sống ở đất nước Việt Nam. Chị Lôngsin Sutthavi Lay (sinh viên năm 4 chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng) tâm sự: "Đây là năm thứ tư tôi đón Tết xa nhà. Những năm chưa sang Việt Nam học tập, mỗi dịp Tết Bunpimay tôi thường giúp mẹ chuẩn bị các món ăn truyền thống và cắt chỉ để buộc chỉ cổ tay, sau đó cùng bạn bè đi chơi ở thác nước và đến chùa. Năm nay, dù phải đón tết xa quê, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì được buộc chỉ cổ tay, xức nước thơm, té nước, ăn món Lạp... Hơn thế nữa, sự quan tâm, chia vui của các bác trong Hội Hữu nghị Việt Lào, thầy cô giáo, các bạn sinh viên Việt Nam và những người Việt gốc Lào ở đây khiến em thấy ấm lòng hơn...”. Có thể nói, ngày hội Tết cổ truyền Bunpimay tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là dịp để những người Việt gốc Lào ở Dak Lak gặp nhau để ôn lại truyền thống và kể cho nhau nghe những ký ức đẹp về quê hương bản xứ. Đây cũng là cơ hội để lớp trẻ nhớ về nguồn cội, từ đó giữ gìn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, tô thắm thêm đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt. Em H’Brôn chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở đất nước Việt Nam, nhưng hồi nhỏ em vẫn thường được ông bà kể cho nghe những phong tục tập quán của người Lào. Tuy nhiên từ khi ông bà qua đời, Tết cổ truyền của dân tộc với các em ngày càng nhạt dần. Giờ được tham dự Tết Bunpimay, H’Brôn và các bạn trẻ người Việt gốc Lào hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của ông bà, tổ tiên mình. “Tết Bunpimay là dịp để lưu học sinh Lào và những người Việt gốc Lào sinh sống ở Dak Lak họp mặt, ôn lại truyền thống dân tộc. Việc tổ chức một cái Tết đầy ý nghĩa trên vùng đất cao nguyên Dak Lak thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào; tình cảm gắn bó giữa tỉnh Dak Lak với nước Lào anh em. Đây cũng là dịp để những người từng sống, chiến đấu trên đất nước Lào ôn lại kỷ niệm xưa”, ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh cho biết.
Rồi đây, mỗi khi đặt chân đến vùng đất Buôn Đôn, người dân Dak Lak và du khách không chỉ biết đến quê hương săn bắt voi mà họ sẽ còn được thưởng thức những tiếng khèn, điệu múa Lăm vông đầy quyến rũ, mê đắm lòng người của những người Việt gốc Lào đang sinh sống tại nơi đây.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc