Thắp hy vọng bằng những yêu thương (Kỳ II)
Kỳ II: Đến với những người khuyết tật bằng cả tấm lòng
Cũng là một nghề như bao nghề khác, nhưng chăm sóc người khuyết tật (NKT) là một công việc đòi hỏi tình thương, sự đồng cảm nhiều hơn là trách nhiệm. Không đơn thuần chỉ là làm nghề, những người chăm sóc, phục hồi chức năng cho NKT tại các cơ sở nuôi dưỡng NKT trên địa bàn tỉnh đã mang theo cả tấm lòng chia sẻ, đồng cảm trong công việc hằng ngày...
Những cô nuôi trẻ khuyết tật tận tâm
Từ 5 năm nay, căn phòng hơn 20m2 ở Nhà xã hội cộng đồng xã Ea Kly (huyện Krông Pak) đã trở thành “tổ ấm” của Vũ Việt Tú, Trương Quang Trung và Trần Thái Bảo – 3 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Vừa tắm xong nhưng Tú lại tiểu tiện ngay trên giường. Vừa loay hoay thay quần cho cậu bé 14 tuổi bị não úng thủy, chị Phạm Thị Hiền, nhân viên trung tâm vừa bảo “Có khách tới chơi kìa, con chào khách đi”, Tú cũng cất giọng ồm ồm ngọng ngịu “Ào” (chào). Cả 3 trẻ khuyết tật ở trung tâm đều bị di chứng về não, quanh năm nằm một chỗ trên giường nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do chị Hiền và chị Phạm Thị Tuyết, phụ trách Nhà xã hội chăm sóc. Việc chăm sóc 3 đứa trẻ khuyết tật và 2 trẻ mồ côi tại đây khiến các chị tất bật cả ngày, “mệt hơn chăm con mọn”. Nhà đều ở gần đó nhưng chẳng mấy khi chị Tuyết và chị Hiền được về nhà bởi hầu như phải túc trực tại Nhà xã hội 24/24 giờ. Ngày thì tất bật với việc cơm nước, giặt giũ, lau dọn; đêm hầu như cũng chẳng mấy khi được ngủ đủ giấc bởi phải thường xuyên canh chừng xem các cháu có ngủ hay không. Chị Hiền kể: “Trung bị rối loạn giấc ngủ nên đêm nào cũng thức, cứ đập tay đập chân vào giường rầm rầm; Bảo thì thường xuyên bị cứng cơ, có lần co duỗi thế nào mà quấn chân cứng ngắc vào thành giường, gỡ mãi mới ra. Mỗi lần cứng cơ đau, mỏi thì Bảo hét to lắm”. Vất vả là vậy nhưng các chị vẫn chăm sóc các cháu rất tận tình, chu đáo, luôn chú ý để các cháu không bị đói hay bị ướt vì tiểu tiện. Chị Tuyết cho biết: “Nhà xã hội cộng đồng xã Ea Kly được xây dựng năm 2007 và bắt đầu nhận nuôi trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi từ năm 2009. Cơ sở này do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Pak quản lý, các cháu ở đây đều được hưởng mức hỗ trợ theo chế độ là 360.000 đồng/tháng. Nhân viên phục vụ ở đây cũng được hưởng mức lương là 2,2 triệu đồng/tháng. Thật sự thì mức lương như thế không đủ trang trải cuộc sống gia đình trong khi công việc đòi hỏi phần lớn thời gian và công sức của chúng tôi. Nhưng mình không làm thì ai sẽ giúp các cháu đây? Các cháu đều có hoàn cảnh rất đáng thương, gia đình nghèo không có điều kiện hoặc không có người thân chăm sóc. Vì thế, chúng tôi làm việc này chỉ mong bù đắp phần nào cho các cháu, cũng là làm việc thiện, để lại phúc đức cho con”.
Chị Phạm Thị Hiền đang chăm sóc trẻ khuyết tật tại Nhà xã hội cộng đồng xã Ea Kly (huyện Krông Pak). |
Với thâm niên 15 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, chị Phan Thị Trung, cán bộ khu nuôi dưỡng chăm sóc người già và NKT, là một trong những nhân viên gắn bó lâu nhất với công việc chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh kém may mắn tại đây. Chị và các nhân viên khác trong Phòng Y tế Phục hồi chức năng hiện phụ trách việc chăm sóc 47 NKT, rất nhiều trong số đó là dạng khuyết tật nặng, tức là không tự phục vụ được. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng có làm lâu mới biết không dễ chút nào, nhất là hằng ngày phải phục vụ từ nhu cầu cá nhân nhỏ nhất cho những người không phải là thân thích của mình. Chị Trung tâm sự: “Những đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm đều có hoàn cảnh rất đáng thương; có những cháu nhỏ khuyết tật bị gia đình bỏ rơi hoàn toàn. Hiểu những hoàn cảnh bất hạnh ấy nên cán bộ, nhân viên ở đây đều coi các đối tượng ở Trung tâm như người thân của mình. Lo bữa ăn hằng ngày, sắm sửa cho họ từ đôi dép đến bộ quần áo, mỗi khi có người đau yếu phải nhập viện thì đi theo chăm sóc tận tình. Nhiều năm gắn bó với công việc ở đây, tôi chỉ biết mang hết tấm lòng, trách nhiệm phục vụ những người có hoàn cảnh kém may mắn với mong muốn giúp họ xoa dịu nỗi đau”.
Lương y Nguyễn Quang Vịnh đến thăm, tư vấn và hướng dẫn tập luyện cho bé Bùi Thị Hạnh Nguyên. |
Tưởng công việc phục vụ, chăm sóc NKT chỉ dành cho những người đứng tuổi, hóa ra không phải. Ở khu nuôi dưỡng chăm sóc người già và NKT (Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh), những người lớn tuổi như chị Phan Thị Trung lại là... hàng hiếm. Phòng Y tế Phục hồi chức năng có 18 cán bộ, nhân viên (14 người phục vụ và 4 nhân viên y tế) thì đa số đều còn trẻ, khoảng trên dưới 30 tuổi; trong đó có những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp về công tác xã hội chuyên ngành chăm sóc NKT như Phạm Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Thanh Hương... Chưa đến 30 tuổi nhưng Phạm Thị Thùy Trang đã công tác tại trung tâm được 3 năm. Việc chăm sóc, phục vụ những đối tượng kém may mắn ở đây đã trở nên hết sức quen thuộc. Cô cho biết: “Học về công tác xã hội chuyên ngành chăm sóc NKT nên em đã hình dung, lường trước những khó khăn, vất vả trong công việc khi về nhận công tác tại trung tâm. Những năm qua, những đối tượng ở đây đã như những người thân của em; em chỉ mong công việc của mình sẽ góp phần giúp họ có được một cuộc sống dễ dàng hơn”. Chị Trung cho biết: “Khoảng 3 năm gần đây, đội ngũ nhân viên của trung tâm được bổ sung thêm khá nhiều người trẻ. Sức trẻ khiến mọi công việc ở trung tâm suôn sẻ hơn, nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ NKT cũng tốt hơn”. Quả thật, sự có mặt của những người trẻ đã khiến công việc chăm sóc NKT ở trung tâm có nhiều nét mới, trong đó việc thành lập lớp học dành cho trẻ khuyết tật là một ví dụ. Lớp học đặc biệt này là ý tưởng của đoàn viên thanh niên Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh nhằm giúp những trẻ em khuyết tật không được đến trường ở đây có điều kiện tiếp xúc với chữ cái, con số cũng như giúp các em học hỏi về những kỹ năng ứng xử, giao tiếp cơ bản. Mướt mồ hôi loay hoay giữa đám học trò u ơ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương vẫn kiên trì dạy đi dạy lại cho các em nhận mặt một chữ cái. Hương tâm sự: “Từ hồi về làm việc tại trung tâm là tôi đảm nhận lớp học đặc biệt này. Các em trong lớp đều thuộc dạng kém phát triển, nhận thức chậm nên không được đi học ở các trường bình thường. Vì các em nhận thức rất chậm nên dạy rất khó, đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại rất nhiều bởi có những chữ cái, những con số phải lặp đi lặp lại nhiều lần mới giúp các em nhớ được. Mệt nhưng nếu công việc của mình mang lại hiệu quả, giúp ích cho các em thì cũng bõ công”.
Tấm lòng của người lương y
Nhận tin được ra Hà Nội dự Hội nghị biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc năm 2013, lương y Nguyễn Quang Vịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Trẻ khuyết tật (PHCN) huyện Ea Kar mừng thì ít mà lo lắng cho các cháu khuyết tật ở nhà nhiều hơn. Lo vì không biết khi mình đi xa, các cháu có đến tập đầy đủ không, máy móc tập luyện có trục trặc gì không, rồi ai sẽ giúp bấm huyệt và mát-xa cho các cháu.
Suốt 3 năm qua, việc đều đặn một tuần 3 buổi đến Trung tâm PHCN để giúp các cháu khuyết tật chữa trị, tập luyện đã trở thành thói quen của anh Vịnh. Dù mưa hay nắng, dù bận rộn thế nào, anh cũng sắp xếp thời gian để đến điều trị, hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật. Mỗi buổi tập, anh Vịnh mướt mồ hôi, chạy đi chạy lại như con thoi, khi thì xoa bóp, châm cứu, lúc thì chỉnh lại tư thế ngồi của các cháu ở máy tập. Không ít lần anh phải cùng các cộng tác viên, phụ huynh giải quyết các “sự cố” như các cháu lên cơn động kinh hoặc quậy phá, không nề hà bất cứ việc gì ngay cả việc giúp các cháu vệ sinh. Với anh Vịnh, Trung tâm PHCN như một mái ấm và những đứa trẻ khuyết tật ở đây chính là những đứa con thân thiết của mình. Cũng vì thế nên ngoài những buổi tập, cứ có chút thời gian rảnh, anh lại đến Trung tâm, lúc thì hí hoáy sửa lại những máy móc tập luyện bị hư hỏng, khi thì chở theo bao xi măng tô trát lại khoảng sân trước để các cháu có nơi tập; có lúc lại sắp xếp, cắt dán, trang trí cho phòng tập sinh động và đẹp hơn. Không chỉ hỗ trợ thuốc cho các cháu xoa bóp giảm đau, mỗi năm anh còn tự bỏ tiền túi mua sắm thêm những vật dụng cho Trung tâm như: khăn lau, chiếu, ghế ngồi, phích nước, ly uống nước. Một trong những khó khăn trong hoạt động của Trung tâm là đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi. Để khắc phục khó khăn này, anh Vịnh nảy ra ý tưởng đề nghị chính phụ huynh có con khuyết tật đang tập phục hồi chức năng ở đây làm cộng tác viên. Hiện Trung tâm đã có 5/24 cộng tác viên đặc biệt như vậy và kết quả ban đầu rất khả quan.
Không chỉ giúp các cháu tập tại Trung tâm, lương y Nguyễn Quang Vịnh còn tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh cùng phối hợp tập luyện cho con em ngay tại nhà. Những lúc có thời gian rảnh, anh cùng các cộng tác viên đến tận nhà thăm những trẻ khuyết tật không có khả năng phục hồi để động viên gia đình cũng như tư vấn cho gia đình cách chăm sóc. Với anh, hạnh phúc nhất là được thấy các cháu tiến bộ hơn mỗi ngày. Hiện nay, tại Trung tâm có 120 trẻ khuyết tật tập luyện thì trong đó 76 cháu có khả năng phục hồi. Anh Vịnh phấn khởi cho biết: “Hiện tại 1/3 số trẻ ở đây có khả năng phục hồi rất nhanh, có cháu chỉ cần tập vài năm là đã tự phục hồi. Chẳng hạn như Y Ramin Niê (SN 2008) ở buôn Mrông A, thị trấn Ea Kar bị bại não, phải nằm liệt một chỗ; nhưng khi đến tập luyện tại Trung tâm một thời gian đã có thể đi lại được; hay Y Chung Niê (SN 2005) cũng ở buôn Mrông A, cháu Nguyễn Duy Việt (xã Ea Pal) bị bại não do chăm chỉ tập luyện nên cũng đang tiến triển rất tốt… Mỗi tiến bộ của các cháu lại cho tôi thấy hiệu quả và ý nghĩa công việc mình đang làm, để rồi phải cố gắng nhiều hơn nhằm giúp các cháu sớm hòa nhập với cuộc sống”.
Gắn bó với trung tâm gần đã 3 năm nay, anh Nguyễn Quang Vịnh không băn khoăn với mức phụ cấp ít ỏi “không đủ tiền xăng”, nhưng lại luôn trăn trở và mong muốn làm sao để Trung tâm mở rộng thêm, lịch hoạt động nhiều hơn và có thêm nhiều máy móc cho các cháu luyện tập.
(Còn nữa)
Lê Hương - Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc