Multimedia Đọc Báo in

Từ chuyện những đứa trẻ “xa lạ” với khẩu phần thức ăn dinh dưỡng

16:59, 02/04/2013

Điều đáng nói là những tuần đầu, hầu hết trẻ sau khi ăn cháo đều bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Thì ra trước đây các em chưa hề được ăn cháo với đủ thành phần dinh dưỡng (chất bột, đạm, chất xơ, dầu ăn) nên khi có sự thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa không kịp thích ứng!

Xã vùng 3 Cư Pui (huyện Krông Bông) được một Hội từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng, duy trì “Nồi cháo dinh dưỡng”. Theo đó, trẻ em từ 1-5 tuổi ở 3 buôn Blắk, Dak Tuar và buôn Phung trên địa bàn xã mỗi tuần được ăn 2 bữa cháo dinh dưỡng do hội viên phụ nữ các buôn này nấu theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và phác đồ dinh dưỡng (gồm có các loại rau củ, gạo, dầu ăn, thịt hoặc tôm). Nhưng điều đáng nói là những tuần đầu, hầu hết trẻ sau khi ăn cháo đều bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Thì ra trước đây các em chưa hề được ăn cháo với đủ thành phần dinh dưỡng (chất bột, đạm, chất xơ, dầu ăn) nên khi có sự thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa không kịp thích ứng! Vì không có kiến thức về nuôi dạy trẻ và bận rộn với công việc nương rẫy nên các bà mẹ chỉ cho con ăn cháo nấu với trứng, cháo gói hoặc cho bú đến 2 - 3 tuổi rồi chuyển sang ăn cơm chứ không qua giai đoạn ăn dặm. Thêm vào đó, nhiều gia đình kinh tế khó khăn, lại đẻ dày, đẻ nhiều nên không có điều kiện cải thiện bữa ăn, chăm lo cho con cái. Chính vì vậy, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn xã khá cao. Cuối năm 2011, toàn xã có gần 1.200 trẻ từ 1 đến 5 tuổi, trong đó 35% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi.

Trẻ em buôn Blắk  (xã  Cư Pui) tập trung ăn cháo dinh dưỡng tại nhà văn hóa cộng đồng.
Trẻ em buôn Blắk (xã Cư Pui) tập trung ăn cháo dinh dưỡng tại nhà văn hóa cộng đồng.

 

Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động cụ thể như: tăng cường lồng ghép mục tiêu dinh dưỡng với các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; cử cán bộ chuyên trách phòng, chống suy dinh dưỡng thường xuyên đến các thôn, buôn trực tiếp khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhằm phát hiện trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng để hỗ trợ điều trị kịp thời; tư vấn, vận động bà mẹ đưa trẻ đi khám và cân đo thường xuyên; tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng trẻ cho các bà mẹ; cấp sữa, bột dinh dưỡng; đưa vào hoạt động “Góc tư vấn thân thiện trẻ em” tại Trạm Y tế xã… Nhờ vậy, đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn xuống còn 31% vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, từ chuyện trẻ “xa lạ” với thức ăn bảo đảm dinh dưỡng như trên, có thể nói, để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng một cách bền vững, điều quan trọng là làm sao để người mẹ có đủ kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng trẻ và áp dụng phù  hợp thực tế …

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc