Chàng thanh niên khuyết tật có tấm lòng nhân ái
Không được may mắn như những người bình thường, từ khi sinh ra Nguyễn Duy Học (thôn 1A, xã Ea Kly, huyện Krông Pak) đã mang trên mình đôi bàn tay và bàn chân không lành lặn. Vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, anh đã nỗ lực vươn lên và trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống mạnh mẽ cùng trái tim yêu thương đối với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em, nhưng chỉ duy nhất mình Học bị khuyết tật. Tấm giấy chứng nhận nhiễm chất độc da cam của người cha là lý do giải thích cho sự bất hạnh của anh. Mọi sinh hoạt đối với Học đều rất khó khăn: từ khi biết đi cho đến lúc 7 tuổi anh phải di chuyển bằng 2 đầu gối và phải đi học muộn hơn 2 năm so với các bạn cùng trang lứa. Có đôi lần, nhận thấy những ánh mắt khác thường của mọi người, Học cảm thấy mặc cảm và tự ti. Nhưng sự ham học hỏi cùng với tình yêu thương và sự động viên của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho anh. Học đã vượt qua mọi mặc cảm, bắt đầu tập đi trên đôi chân tật nguyền của mình, cố gắng học tập để thành công như những người bình thường khác.
Học tham gia công tác từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Năm 2007, Nguyễn Duy Học thi đỗ vào khoa Tin học của Trường Đại học Dân lập Duy Tân (TP. Đà Nẵng). Khó khăn chồng chất khi Học bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập, nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã vượt qua tất cả. Không chỉ đến được với giảng đường đại học, Học còn tham gia dạy văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng.
Năm 2009, Tổ chức Cứu trợ nhân đạo Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học dân lập Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức “Chương trình đào tạo Công nghệ thông tin cho người khuyết tật” và Học đã may mắn được tham gia. Sau khi tốt nghiệp khóa học, Học được giới thiệu về làm việc cho Công ty Cổ phần Nha khoa Xuân Hương tại TP. Buôn Ma Thuột với vai trò là kỹ thuật viên tin học, chịu trách nhiệm quản lý phần mềm, xử lý sự cố máy tính mạng của Công ty. Tuy việc đi lại khá khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Học luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, với đôi tay thoăn thoắt, đôi chân khuyết tật nhưng khá và nhanh nhẹn, Học không cần một sự trợ giúp nào từ người khác. Đối với Học, được tự chăm sóc bản thân và không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai chính là tâm nguyện sống. Vì vậy, Học luôn nhận được sự yêu mến, khâm phục của đồng nghiệp và mọi người xung quanh.
Khi đã có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, chàng trai trẻ lại tiếp tục tham gia vào công tác từ thiện. Học tình nguyện dạy tin học cho các em lớp khiếm thính tại Trường Chuyên biệt Vi Nhân - thuộc Dòng tu nữ Phaolo (TP. Buôn Ma Thuột). Tháng 10-2012, Học đã đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện mang tên “Vòng tay yêu thương”, kêu gọi sự tham gia của các bạn trẻ vào công tác từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đều đặn 2 lần/1 tháng, nhóm thực hiện phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại đây. Tấm lòng cao đẹp của chàng trai khuyết tật đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Tết Nguyên đán 2013, nhóm từ thiện cũng đã tổ chức chương trình “Tết yêu thương” tặng 20 suất quà tết cho những gia đình là nạn nhân của chất độc da cam tại xã Ea Kly. Hiện nay, nguồn quỹ của nhóm đã tăng lên, Học dự định sẽ tăng số lần phát cơm cho bệnh nhân lên 4 lần/tháng, đồng thời tổ chức đều đặn Chương trình “Xoa dịu nỗi đau” nhằm hỗ trợ một phần kinh phí sinh hoạt hằng tháng cho các gia đình có con em bị khuyết tật thuộc hộ nghèo tại quê nhà.
Khi được hỏi về những ước mơ cho bản thân trong tương lai, Học chỉ mong mở được một quán cơm nhỏ với những suất cơm 2.000 đồng để phục vụ cho tất cả những người nghèo tại bệnh viện và mở được một quán buôn bán, sửa chữa máy vi tính nho nhỏ cho riêng cho mình, dành nguồn thu nhập đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ước mơ của chàng trai khuyết tật ấy luôn gói gọn trong một từ “nho nhỏ” nhưng có lẽ ngay cả với rất nhiều người bình thường nó không hề nhỏ bé chút nào. Với Nguyễn Duy Học, tuy khiếm khuyết của cơ thể là điều không ai mong muốn, nhưng đó không phải là rào cản để bạn thôi ước mơ và nỗ lực đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội.
Thu Huế - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc